Câu chuyện Malaysia trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đến hồi kết hay chưa, không ai dám chắc. Và đối với Malaysia, năm 2019 sẽ là một năm thách thức cho kinh tế nước này.

Quang cảnh thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. (Nguồn: New Straits Times)

Quang cảnh thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. (Nguồn: New Straits Times)

Mỹ có thể tạm hoãn việc nâng mức thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đến hồi kết hay chưa, không ai dám chắc. Và đối với Malaysia, năm 2019 sẽ là một năm thách thức đối với kinh tế nước này do nhiều nguyên nhân mà trong đó cuộc chiến thương mại tiếp diễn được Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Lâm Quán Anh đặc biệt coi trọng.

Thế giới sẽ lại mừng hụt?

Sau khi vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ 7 Mỹ-Trung kết thúc tại Washington vào cuối tuần qua, nhiều tin tốt loan đi. Một ngày sau khi tuyên bố sẽ trì hoãn việc tăng thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (theo kế hoạch bắt đầu từ ngày 1/3) do các cuộc đàm phán thương mại “đạt tiến bộ”, vào hôm 25/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hoàn thành thỏa thuận thương mại. Dự kiến cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập lần thứ 2 để giải quyết căng thẳng thương mại song phương sẽ diễn ra vào tháng 3 này, tại khu nghỉ dưỡng MaraLago ở Florida, Mỹ.

Vấn đề là trong khi người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ra lạc quan, phát biểu tại một hoạt động của Phòng Thương mại Mỹ ngày 25/2, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lại cảnh báo về khả năng phía Mỹ sẽ quay lại với kế hoạch ban đầu. Theo ông Wilbur Ross, đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã giải quyết được nhiều vấn đề mà phía Mỹ phải đối mặt. Do đó Tổng thống Donald Trump muốn đẩy lùi một chút thời hạn nâng thuế để xem hai bên có thể đạt được thỏa thuận có thể thực hiện được tại cuộc gặp thượng đỉnh ở MaraLago hay không. Trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận như vậy, phía Mỹ sẽ nâng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% và duy trì mức thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác.

Trở lại với thời điểm trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần 1 (bên lề hội nghị G20 tại Argentina vào ngày 1/12/2018), Tổng thống thứ 45 của Mỹ từng nói rằng ông đang tiến rất gần đến "làm một điều gì đó" với Trung Quốc. Phát biểu này một lần nữa làm dấy lên hy vọng hai nhà lãnh đạo có thể đi đến một "thỏa thuận" cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sau đó cho thấy khó khăn vẫn rất lớn.

Sau đàm phán vòng 7, Tân Hoa Xã đưa tin hai bên đã đạt được tiến triển thực chất trên 6 phương diện: chuyển giao công nghệ, bảo vệ bản quyền tri thức, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ và tỉ giá hối đoái. Ở đây, cải cách kết cấu kinh tế (vấn đề được phía Mỹ rất quan tâm, cho rằng sẽ ảnh hưởng quan trọng tới việc doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng ở Trung Quốc hay không) đã không được đề cập tới.

Trong khi đó, theo tiết lộ trên tờ Wall Street Journal, tới nay phía Trung Quốc vẫn chưa có nhượng bộ lớn nào trong lĩnh vực này, bao gồm việc trợ cấp doanh nghiệp nhà nước và chính sách hỗ trợ mô hình kinh tế do nhà nước làm chủ đạo. Còn tờ Economic Journal dẫn phân tích của một số nhà quan sát chỉ rõ giới hạn của phía Trung Quốc là cải cách kết cấu kinh tế.

Sau đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung vòng 6 ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Trong khi bày tỏ mong muốn giải quyết các bất đồng và va chạm kinh tế thương mại giữa hai nước bằng phương thức hợp tác, thúc đẩy đạt được thỏa thuận mà cả hai bên đều có thể chấp nhận, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh “hợp tác là hợp tác có nguyên tắc.”

Các nhà quan sát cho rằng cái gọi là “hợp tác có nguyên tắc” đồng nghĩa với việc phía Trung Quốc sẽ không thay đổi, kiên trì giới hạn của mình. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại khó có thể kết thúc trong tương lai gần, đó là chưa nói tới việc xuất hiện dấu hiệu mở rộng sang lĩnh vực khoa học công nghệ và dưới thời Donald Trump, Washington đã chỉ rõ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.

Vị thế thay đổi của Malaysia

Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mới khởi màn, đài truyền hình CNN từng cho rằng Malaysia nằm trong nhóm nước và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng mạnh nhất cùng với Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Tom Orlik của hãng tin Bloomberg cũng dự đoán nếu xuất khẩu của Trung Quốc giảm 10%, tăng trưởng kinh tế của Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia sẽ giảm mạnh, lần lượt là 2,9% và 2,1%. Thậm chí, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng Allianz SE, tiến sỹ Michael Heise còn nhận định: So với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn gây ra nguy cơ lớn hơn cho kinh tế Malaysia.

Ngân hàng Maybank tại Malaysia. (Nguồn: Malaysia Airport klia2)

Quả thật, Malaysia là một trong những nước can dự khá sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử Malaysia xuất khẩu linh kiện điện tử sang Trung Quốc và chúng được sử dụng để sản xuất điện thoại thông minh, máy tính…, sau đó sản phẩm cuối cùng được xuất khẩu sang Mỹ. Nếu biện pháp thuế quan của Mỹ khiến sản lượng hàng hóa của Trung Quốc giảm xuống, nhu cầu nhập khẩu linh kiện từ Malaysia của Trung Quốc cũng sụt giảm.

Tương tự, Malaysia cũng xuất khẩu sang Mỹ một số bộ phận trang thiết bị và được Mỹ sử dụng sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu. Nếu Trung Quốc và châu Âu trả đũa Mỹ, khối lượng hàng hóa Malaysia xuất khẩu sang Mỹ khó tránh khỏi nguy cơ sụt giảm.

Theo hãng quản lý tài sản Pictet, 60% xuất khẩu của Malaysia phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó tỉ lệ xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 48% và 40%. Những con số này phần nào cho thấy nguy cơ tiềm tàng đối với Malaysia trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trên thực tế, tới hết quý III/2018, Malaysia đã có 4 quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra ở quý IV/2018, tăng trưởng kinh tế của Malaysia đạt 4,7% với các tín hiệu tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trừ nông nghiệp.

Đà sụt giảm tăng trưởng đã bị chặn lại, nhưng Bộ trưởng Tài chính Lâm Quán Anh vẫn cho rằng năm 2019 sẽ là một năm thử thách đối với kinh tế Malaysia do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn, quan ngại địa chính trị ở Trung Đông, tình trạng thắt chặt tiền tệ toàn cầu và sự trồi sụt của giá dầu mỏ. Dẫu vậy, kinh tế Malaysia có thể đạt mức tăng trưởng 4,9% trong năm 2019 trong khi áp lực lạm phát giảm xuống.

Tuy nhiên, sự thành công của Malaysia, giống như lời của ông Lâm Quán Anh là về ngắn hạn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có lợi cho Malaysia và nước này đã nỗ lực nắm bắt cơ hội. Theo công ty chứng khoán Nomura của Nhật Bản, cơ hội đó đến từ việc Malaysia thay thế Trung Quốc trở thành nguồn nhập khẩu của Mỹ. Ngoài ra, Malaysia cũng trở thành nhà cung cấp cho Trung Quốc thay thế Mỹ. Ví dụ, khi Mỹ áp thuế bổ sung đối với đậu tương của Mỹ, lượng dầu cọ của Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng vọt hay việc Trung Quốc đánh thuế cao vào sản phẩm thịt lợn của Mỹ đã tạo ra cơ hội cho Malaysia trở thành nhà cung cấp thay thế Mỹ.

Điều đáng quan tâm là về dài hạn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nếu không tới hồi kết, sẽ bất lợi cho kinh tế toàn cầu. Đương nhiên, điều đó cũng bất lợi cho kinh tế Malaysia và đây mới là thử thách thực sự với Chính phủ non trẻ ở đất nước này./.

Hà Ngọc (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cau-chuyen-malaysia-trong-chien-tranh-thuong-mai-mytrung/555617.vnp