Câu chuyện phép màu kinh tế ở Ấn Độ

Bang Karnataka, một đô thị lớn của Ấn Độ đang nhìn thấy sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Trên trang Financial Times, tác giả bài viết Ruchir Sharma đã đưa ra góc nhìn đánh giá về bang Karnataka (Ẩn Độ). Tác giả nhận định: "Trong 30 chuyến đi trong hơn 25 năm qua, tôi đã chứng kiến vô số bất ngờ nhưng hơn hết là những bất ngờ ở tiểu bang Karnataka phía nam Ấn Độ vào tháng trước".

Ảnh minh họa. Nguồn: FT

Ảnh minh họa. Nguồn: FT

Ông Ruchir Sharma cho rằng đây là một phép màu kinh tế mới, mở ra sự sôi động ở địa phương, cụ thể là Karnataka. Với dân số khoảng 70 triệu người, bang Karnataka có số lượng người dân nhiều hơn cả so với một số quốc gia khác trên thế giới.

Cách đây 5 năm, kinh tế ở đây còn kém phát triển với những mái nhà lợp tranh, mặt tiền cửa hàng mục nát. Tuy nhiên, hiện nay đã có sự tiến bộ rõ rệt ở Karnataka: mái nhà ngói đỏ và những bức tường bê tông.

Tác giả kể lại, trong một ngôi làng nông thôn, chúng tôi đã gặp một nhà lai tạo chó Rottweiler và bán với giá 500 USD/vật nuôi. Trong thập kỷ qua, sự bùng nổ kinh tế ở thủ phủ Bangalore của Karnataka, được thúc đẩy bởi những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, giờ đây đã phát triển mạnh sang lĩnh vực nông nghiệp.

Thành phố công nghệ này đang bước vào giai đoạn phát triển "bùng nổ". Chính quyền thành phố đã vạch ra kế hoạch phát triển Bangalore trở thành đầu tàu và trung tâm của các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại của Ấn Độ. Thành phố Bangalore được xây dựng theo hình mẫu của Thung lũng Silicon (Silicon Valley, California, Mỹ) và tập trung các khu công nghệ cao về nghiên cứu và phát triển, thiết bị điện tử và phần mềm. Nông nghiệp và các dịch vụ liên quan cùng với công nghệ tăng trưởng mạnh mẽ.

Bang Karnataka đã phát triển nhanh hơn nhiều so với hầu hết các bang khác của Ấn Độ, vươn lên từ vị trí thứ 16 trở thành bang giàu thứ ba ở Ấn Độ tính theo thu nhập bình quân đầu người, chỉ sau Goa và Sikkim. Thu nhập trung bình của người dân bang Karnataka đã tăng gấp đôi trong những năm 2010 lên 3.800 USD. Trước đây, tình trạng giao thông ở Bengaluru rất tồi tệ. Nhưng hiện tại mọi người vẫn tiếp tục bị thu hút bởi một hệ sinh thái công nghệ với khoảng 45% tổng vốn đầu tư khởi nghiệp ở Ấn Độ.

"Trở lại Bengaluru"

Từ Bengaluru, nhóm trải nghiệm của tác giả Ruchir Sharma đi về phía tây nam trên một đường cao tốc mới bằng phẳng đến thành phố Mysuru, sau đó rẽ về phía bắc vào vùng quê. Ở Varuna, một thị trấn nông trại với những con trâu nước đang nhấm nháp bên bờ ao đầy bùn.

"Trong hành trình kéo dài một tuần, chúng tôi nhận ra rằng Karnataka giờ đây đã khác hẳn khi nhìn thấy những tòa nhà chung cư cao mọc lên từ một ngôi làng nông thôn", tác giả viết.

Bang Karnataka đã tăng trưởng kinh tế gần 8% mỗi năm trong thập kỷ qua, cao hơn 2 điểm so với mức trung bình toàn quốc.

Quá trình tăng trưởng kinh tế mạnh của bang đang tài trợ cho các khoản chi tiêu phúc lợi mới, vốn đã tăng gần gấp 3 lần trong những năm 2010. Các quỹ phúc lợi hiện được chuyển trực tiếp đến những người thụ hưởng thông qua hệ thống chuyển tiền kỹ thuật số quốc gia của Ấn Độ, mang đến sự thịnh vượng của Bengaluru.

Nông nghiệp tăng trưởng 7%/năm ở đây vào những năm 2010, cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia. Chính quyền tiểu bang thúc đẩy công nghệ nông nghiệp và cây trồng có lợi hơn, chẳng hạn như hạt cau và xoài. Hơn 8 trong số 10 người dân ở vùng nông thôn Karnataka có điện thoại thông minh, gấp đôi con số cách đây 5 năm. Các dịch vụ di động mới đang mang lại cho nông dân khả năng tiếp cận tín dụng mới. Một người dân gần thành phố Hubli bang Karnataka thậm chí nói rằng nhờ tín dụng trực tuyến, doanh số bán hàng của anh ta rất phát đạt. Ngoài ra, Bangalore còn có nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, công viên, vườn hoa, cung điện, đền thờ... nhằm thu hút đông đảo cư dân mới và du khách để phát triển thành trung tâm văn hóa đa dạng.

Tại Bangalore, khẩu hiệu "B2B" (Back to Bangalore: Quay trở về với Bangalore) đang trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. Đây là khẩu hiệu thu hút các chuyên gia công nghệ cao từ khắp các quốc gia trên thế giới trở về Bangalore để làm nên một "Thung lũng Silicon Ấn Độ".

Vào năm 2017, Bangalore đã giành được danh hiệu thành phố năng động nhất thế giới. Bangalore liên tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và có khả năng cạnh tranh với Thung lũng Silicon ở Mỹ.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cau-chuyen-phep-mau-kinh-te-o-an-do-20230508143349419.htm