Câu chuyện sân bay Đà Nẵng II

Sau năm 1945, khi Pháp tái chiếm Đà Nẵng, nhất là với yêu cầu về sự leo thang của cuộc chiến tranh, Pháp đề nghị chính phủ Quốc gia Việt Nam (đứng đầu là Bảo Đại), phối hợp trong việc mở rộng và thiết lập sân bay tại Đà Nẵng, bao gồm cả sân bay Đà Nẵng I bên khu tây Đà Nẵng (tức vị trí sân bay Đà Nẵng hiện nay) và chiếm đất làm sân bay Đà Nẵng II, với quy hoạch gần như bao trọn cả bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, trong lịch sử Đà Nẵng dường như ít thông tin về câu chuyện quy hoạch sân bay Đà Nẵng II của thực dân Pháp và ảnh hưởng của nó đối với phong trách cách mạng.

Trong suốt cuộc chiến, quân Giải phóng đã nhiều lần tấn công sân bay Nước Mặn, phá hủy hàng chục máy bay Mỹ thuộc nhiều chủng loại. Ảnh: Wally Beddoe

Câu chuyện lịch sử ở đây mà chúng tôi muốn đề cập là những tình tiết liên quan đến việc Pháp chiếm đất ở bán đảo Sơn Trà với lý do lập phi trường, tức sân bay Đà Nẵng II. Theo đó, đến năm 1953, “ở hữu ngạn sông Hàn, phần lớn trên bán đảo Tiên Sa (Sơn Trà), nằm trong phạm vi diện tích mà nhà chức trách quân sự Pháp có quyền sử dụng, nên 11.000 dân, hiện cư trú ở trên đám đất ấy (phần lớn là dân cần lao), vẫn lo một ngày sau sẽ bị đuổi đi. Hiện thời, và trong lúc chờ đợi sự trưng thu chưa biết khi nào thực hiện thì trái với luật tự nhiên của cuộc sinh hoạt, họ không có quyền làm nhà gì thêm và Tòa Thị chính cũng không có thể thiết lập được những cơ cấu như trường học, bệnh xá... để chăm lo đời sống của dân”(1).

Với thực tế đang diễn ra như vậy ở bán đáo Sơn Trà, để chấm dứt tình trạng bấp bênh vô định này của dân chúng, Tòa Thị chính Đà Nẵng và Phủ Thủ hiến Trung Việt đã nhiều lần yêu cầu nhà chức trách Pháp tại Đà Nẵng và Đông Dương cho biết giới hạn của khu đất mà cơ quan quân “sự thật” cần dùng để thiết lập phi trường Đà Nẵng II, từ đó mới tổ chức sản xuất và ổn định cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, “nhà chức trách Pháp vẫn trả lời rằng hiện chưa có thể biết được giới hạn ấy và trong bức thư cuối cùng của Trung tướng Lenlanc lại nói rằng: Phải cần chờ kết quả của những cuộc thương thuyết hiện tại ở cấp Chính phủ”(2).

Vì một thực tế liên quan đến sân bay Đà Nẵng II (cả sân bay Đà Nẵng I), nên dư luận lúc này cho rằng, Đà Nẵng trước đó là nhượng địa, sau khi được trao trả độc lập, tưởng rằng sẽ sung sướng hơn, nhưng không - nhượng địa là hoàn nhượng địa, thậm chí nhượng địa lại càng mở rộng thêm vì sân bay. Có thể khẳng định, dư luận này của nhân dân Đà Nẵng đã phản ánh đúng bản chất của Đà Nẵng vào thời điểm này. Vì “so với nhượng địa Đà Nẵng cũ (diện tích chưa đầy 204 ha) thì hai đám đất do nhà chức trách Pháp có quyền sử dụng để lập phi trường quân sự rộng đến 805 ha (đám đất ở tả ngạn sông Hàn 139 ha, bán đảo Sơn Trà 666 ha), nghĩa là diện tích căn cứ không quân Pháp rộng xấp xỉ 4 lần nhượng địa Đà Nẵng cũ”(3).

Theo nhận xét của Tòa Thị chính Đà Nẵng, “thành phố Đà Nẵng nhỏ hẹp (2.034ha), một nữa bên hữu ngạn sông Hàn thì đã bị trưng thu gần hết (bên bán đảo Sơn Trà); ở nội ô thì các công sở, các nhà buôn Pháp và ngoại kiều đã choán một phần lớn diện tích còn con dân cần lao mấy lúc nhờ có một ít đất đai ở ngoại ô để làm nhà tranh lấy nơi trú ngụ và trồng trọt sinh sống”(4). Cũng vì thực tế xã hội này, mà chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Đà Nẵng, đã tranh thủ kêu gọi dân chúng đứng dậy, đứng về phía cách mạng, đấu tranh với chính quyền thuộc địa Pháp cũng như chính phủ Quốc gia Việt Nam, đúng như nhận xét của chính quyền Pháp tại Đông Dương: “Hai việc trên có một ảnh hưởng rất tai hại về chính trị và uy tín của Chính phủ quốc gia”(5).

Chính vì vậy, để chấm dứt tình trạng gây nhiều trở ngại cho đời sống của nhân dân và làm tổn hại cho uy tín Chính phủ Quốc gia, Phủ Thủ hiến Trung Việt đã đề nghị Chính phủ Quốc gia xét sửa đổi lại Nghị định số 43-Cab/Prés ngày 19-11-1951; qua đó “để thu hẹp phạm vi những đất mà nhà chức trách quân sự Pháp có thể xin trưng thu để lập phi trường hoặc tạm hoãn thi hành nghị định ấy trong một thời gian và trong khi chờ đợi, quý Phủ có thể quyết định dứt khoát, yêu cầu nhà chức trách Pháp tạm giữ nguyên tình trạng cũ ở tả ngạn sông Hàn (sân bay Đà Nẵng I); đồng thời định rõ giới hạn diện tích tối đa ở bán đảo Tiên Sa cần dùng để lập phi trường Đà Nẵng II, một việc mà Phủ tôi tưởng có thể làm ngay được, không cần phải chờ kết quả của cuộc đàm phán Việt - Pháp sắp mở nay mai”(6). Tuy nhiên, vì chính phủ Quốc gia Việt Nam có một mật ước ngày 30-12-1949 với chính phủ Pháp, có nội dung Việt Nam sẽ cam kết trưng dụng những đất đai cần thiết cho công cuộc quân sự, nên khó mà kiến nghị để giải quyết tình trạng này.

Câu chuyện trưng thu đất đai, với lý do xây dựng sân bay Đà Nẵng II vẫn không có hồi kết như mong muốn của nhà chức trách Pháp và rõ ràng đây là một sự ngụy biện (và chính phủ Quốc gia Việt Nam vì phụ thuộc sâu vào Pháp nên cũng không có thẩm quyền quyết định các sự việc trên lãnh thổ của mình), để tách dân ra khỏi sự ảnh hưởng của phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Cuối cùng, khi sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra, các bên ký kết Hiệp định Genève (7-1954) thì việc quy hoạch, giành đất làm sân bay Đà Nẵng II của thực dân Pháp bị gác lại và theo một kết quả khác - thu gọn lại bằng hình ảnh sân bay Nước Mặn của quân đội Mỹ khi trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam.

VÕ HÀ

-------------------------------
(1). Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt gửi Thủ tướng chính phủ Việt Nam tại Sài Gòn ngày 28-11-1953 về căn cứ không quân Pháp ở Đà Nẵng. Hồ sơ 22026. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh.
(2). Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn.
(3). Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn.
(4). Công văn (mật) ngày 18-11-1954 của Thị trưởng Đà Nẵng gửi Thủ hiến Trung Việt về trưng thu đất để bảo vệ sân bay Đà Nẵng. Hồ sơ 22026. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh.
(5). Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn.
(6). Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn.

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202303/cau-chuyen-san-bay-da-nang-ii-3939807/