Câu chuyện SEA Games 31: 'Tránh voi' và 'voi tránh'!

Đội Bóng đá U23 Việt Nam đã kết thúc vòng bảng môn bóng đá nam tại SEA Games 31 với ngôi vị nhất bảng - một kết quả không quá bất ngờ với người hâm mộ cả nước bởi thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang - Seo nhập cuộc trong tư thế chủ nhà, lại là đương kim vô địch. Bên cạnh đó, những năm gần đây, làng bóng Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, những lần 'vươn vai', 'rũ bùn đứng dậy' rất mạnh mẽ để lọt vào nhóm 10 đội bóng hàng đầu châu lục ở vòng loại thứ 3 - World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng điều đáng để suy ngẫm ở đây chính là vị trí nhất bảng A của đội U23 Việt Nam cũng đồng nghĩa với 'tiếng thở phào nhẹ nhõm' của HLV trưởng Mano Polking, người đang dẫn dắt 'đại kình địch' U23 Thái Lan.

Trước khi nói về vấn đề này, hãy nhắc lại chuyển động ở những giải đấu khu vực như AFF Suzuki Cup hay SEA Games từ những năm 1995 - 2008. Đó là thời điểm mà bóng đá Thái Lan hoàn toàn vượt trội so với tất cả các đội bóng còn lại ở Đông Nam Á. Họ đá “như dạo chơi” cũng dễ dàng thắng chúng ta vài bàn không gỡ (họa hoằn mới có trận thắng của Việt Nam trước Thái Lan năm 1998). Sự chênh lệch rất lớn về thực lực này khiến mỗi lần chúng ta đối mặt với đội tuyển quốc gia Thái Lan, các quan chức thể thao, người hâm mộ bóng đá nước nhà luôn “đóng khung” trong mục tiêu: Hạn chế bàn thua, “cố gắng không vỡ trận”. Nói cách khác, ở các giải bóng đá khu vực, chúng ta thường có những toan tính về mặt tỷ số, hiệu số bàn thắng để “chủ động tránh người Thái ngay từ đầu”. Vì lẽ đó, khi không phải đối mặt đội bóng xứ chùa Vàng ở Bán kết đã là... thắng lợi!

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, nửa thập kỷ trước, khi đội tuyển của chúng ta đá giao hữu với một câu lạc bộ lừng danh xứ sương mù Arsenal, HLV Arsene Wenger của Arsenal lúc đó đã tỏ ra vô cùng kinh ngạc không thể giải thích được vì sao cầu thủ Việt Nam lại vui mừng khi thua thảm tới 1-7? Khi thốt lên câu này, dĩ nhiên là “giáo sư Wenger” không biết giới “quần đùi áo số” của chúng ta chỉ đề ra mục tiêu “có bàn thắng danh dự”, còn thua bao nhiêu thì... không quan tâm.

Nói cách khác, trong quá khứ, đội bóng của chúng ta đã phải “sống trong sợ hãi” khi phải đối đầu với những đội bóng cao hơn về đẳng cấp. Điều này có thể phần nào thông cảm được vì thận trọng, biết mình - biết người là cần thiết, nhưng chưa ra sân hay bóng chưa lăn mà đã tự cho phép mình thua thì đó lại biểu hiện của sự tự ti, yếm thế cao độ. Quan trọng hơn, nếu cứ tự ti, yếm thế thì mãi mãi thua kém đối thủ!

Đáng mừng là lịch sử đã thay đổi kể từ khi ông Park Hang - Seo dẫn dắt các đội U23 và tuyển bóng đá quốc gia. Trước khi vòng bảng môn bóng đá nam kết thúc (tối 16-5), có đến 90% người hâm mộ đã nghĩ đến kịch bản đội U23 Việt Nam (Nhất bảng A) sẽ gặp U23 Thái Lan (Nhì bảng B) ở vòng bán kết. Sở dĩ U23 Thái Lan chỉ còn 10% khả năng đứng đầu bảng B vì U23 Malaysia đang hơn U23 Thái Lan 1 điểm, đối thủ của “người Mã” lại là đội dưới cơ U23 Campuchia. Ấy thế nhưng, khi U23 Malaysia bị U23 Campuchia cầm hòa 2-2, thầy trò ông Mano Polking đã không bỏ lỡ cơ hội (thắng Lào 1-0) để tránh đụng độ sớm với U23 Việt Nam.

Dĩ nhiên, đã vào đến vòng bán kết, phía trước là những tấm huy chương cùng hào quang lấp lánh thì chẳng đối thủ nào “dễ chơi”. Thái Lan có gặp Malaysia hay Việt Nam cũng không nhiều sự khác biệt! Song từ chuyện trong quá khứ, bóng đá Việt Nam luôn có ý thức “tránh voi chẳng xấu mặt nào” đến chuyện “bầy voi” (biệt danh của đội tuyển quốc gia và đội U23 Thái Lan) tìm cách “né” thầy trò HLV Park Hang - Seo ở thời điểm hiện tại là cả một hành trình “lột xác”, không ngừng lớn mạnh của bóng đá nước nhà!

THANH HÀ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/cau-chuyen-sea-games-31-tranh-voi-va-voi-tranh/23939.htm