Câu chuyện tầm nhìn

Tầm nhìn luôn là thứ mà chúng ta bàn tới nhiều nhất khi nói về hoạch định chiến lược. Tầm nhìn ngắn hay dài thể hiện khả năng của lãnh đạo, hay mức độ khoa học và hợp lý của cơ chế, hay là chính tập quán chung của cả một dân tộc? Đây chính là câu hỏi lớn mà trước khi đặt ra một tầm nhìn, chúng ta cần phải trả lời…

Khi tầm nhìn chỉ ở đầu môi chót lưỡi

Một trong những câu hỏi khó nhất tôi từng phải đối mặt khi bắt tay làm một dự án website nội dung cách đây vài năm là: tầm nhìn của mình sẽ là như thế nào?

Ví dụ điển hình là Bill Gates cùng Microsoft, người gần như đã "tiên tri" ra một tương lai, khi tuyên bố vào năm 1980 rằng công ty của ông sẽ kiến tạo thời đại mà "trên bàn của mọi ngôi nhà sẽ đều có một chiếc máy tính cá nhân"

Ví dụ điển hình là Bill Gates cùng Microsoft, người gần như đã "tiên tri" ra một tương lai, khi tuyên bố vào năm 1980 rằng công ty của ông sẽ kiến tạo thời đại mà "trên bàn của mọi ngôi nhà sẽ đều có một chiếc máy tính cá nhân"

Tất nhiên là tôi có trong đầu hình dung về trang tin tức của mình, rằng tốc độ đưa tin sẽ phải hướng tới tiêu chí là thuộc loại hàng đầu Việt Nam và các bài viết sẽ có chiều sâu, được đầu tư có trọng điểm. Trang do tôi phụ trách sẽ không chạy theo trào lưu giật tít câu view thông thường, mà sẽ hướng đến các giá trị nhân bản và bền vững hơn.

Có lẽ các độc giả cũng sẽ đoán được kết cục: tôi đã thất bại. Chỉ sau một tháng, khi lượt truy cập vào trang rất lẹt đẹt, tôi đã bắt đầu cho mọi người làm các tin bài câu view nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ các nhà quảng cáo, những người giúp duy trì ngân sách cho site hoạt động. Sang đến tháng thứ hai, do ngân sách bị bóp gọn lại, chúng tôi buộc phải cho dẫn nguồn tin từ các báo bạn, một việc mà chúng ta vẫn gọi thô là "xào tin bài". Chỉ sau nửa năm, chúng tôi đã làm tất cả những việc mình cho rằng sẽ không bao giờ làm khi vạch ra tầm nhìn ban đầu.

Đến lúc ấy, tôi hiểu ra những khó khăn của bất kỳ ai đã từng làm công việc này: bạn có thể giữ lại tầm nhìn cho riêng mình, vì thực tế khắc nghiệt hơn nhiều. Tôi nói với chủ đầu tư những phương án nội dung có chiều sâu và thường được anh ủng hộ, nhưng rốt cục việc triển khai cũng không được nhất quán. Anh cũng có cái khó của mình: các nhà quảng cáo chỉ thích những gì giật gân, thu hút chú ý ngay lập tức và anh phải suy nghĩ về ngân sách đường dài cho dự án. Chính số đông độc giả cũng quyết định phần nào sự thui chột của tầm nhìn: các bài được đầu tư có chiều sâu nhưng chỉ cần không được "tiếp thị" tốt trên mạng xã hội hoặc tối ưu tìm kiếm thì có lượt xem thua gấp nhiều lần tin Ngọc Trinh hở bạo.

Ngày nay, câu chuyện tầm nhìn được nhắc đến ở mọi nơi, trong mọi cuốn sách dạy nghệ thuật làm chủ và các buổi hội thảo về quản trị. Nhưng, vấn đề mấu chốt chưa bao giờ là các ý tưởng về tầm nhìn kiểu vậy. Điều quan trọng là mỗi khi anh đưa ra một tầm nhìn thì những người xung quanh sẽ xúm lại kéo anh xuống mặt đất. Gia đình sẽ ngần ngại, thậm chí ngăn cấm những người khởi nghiệp quá phiêu lưu. Vợ con sẽ nhắc nhở bạn về chuyện cơm áo gạo tiền. Còn xã hội sẽ nói rằng trước hết dự án phải kiếm được tiền đủ để nuôi chính nó đã.

Chính tôi cũng nhận ra rằng mình không hề có tư duy của một người sẽ quyết liệt với tầm nhìn dài hạn: khi nghe câu chuyện Elon Musk đã huy động hàng tỉ đô-la cho kế hoạch đưa con người lên định cư trên... sao Hỏa, tôi đã cho rằng đó chỉ là chiêu trò lừa đảo. Tập quán của xã hội Việt Nam không phải là hướng đến một tầm nhìn phi thường kiểu ấy. Đưa người lên sao Hỏa làm cái gì, Trái đất còn ăn mãi không hết tài nguyên đây. Đúng là điên!

Nhưng, văn hóa ủng hộ hết mình, từ tinh thần đến vật chất, cho những ý tưởng dài hơn mười mấy đời người này, không phải điều xa lạ với thế giới. Từ cuối thập niên 1970 cho đến giữa thập niên 2000, mỗi năm ở Mỹ có đến 500.000-600.000 doanh nghiệp được mở ra, và rất nhiều trong số đó đã trở thành huyền thoại vì tầm nhìn của mình. Ví dụ điển hình là Bill Gates cùng Microsoft, người gần như đã "tiên tri" ra một tương lai, khi tuyên bố vào năm 1980 rằng công ty của ông sẽ kiến tạo thời đại mà "trên bàn của mọi ngôi nhà sẽ đều có một chiếc máy tính cá nhân".

Nhà nhân chủng học người Hà Lan Geert Hofstede là người đã đề ra một học thuyết nổi tiếng có tên "lý thuyết văn hóa đa chiều", dùng để mô tả sự ảnh hưởng của văn hóa xã hội lên các thành viên trong cộng đồng và làm thế nào mà các giá trị này ảnh hưởng đến hành vi của họ. Trong 5 chiều văn hóa ông đề cập, thì khía cạnh thứ năm được xem là bao trùm nhất, là điểm số "hướng dài hạn" (long-term oriented - LTO). Khi chỉ số LTO thấp, nó cho thấy một xã hội định hướng ngắn hạn, có xu hướng muốn duy trì các trật tự cũ, và sự kiên định được đánh giá cao. Trong khi đó, các xã hội có chỉ số LTO cao thường quan tâm đến sự thích ứng và thực dụng hơn trong giải quyết vấn đề.

Trong các dự án sau này, khi bất kỳ một chủ đầu tư nào muốn tôi cùng tham gia, tôi đều hỏi một câu rằng: "Anh có sẵn sàng đốt tiền không?". Nếu họ ngần ngừ, tôi sẽ từ chối. Tất nhiên, chuyện "đốt tiền" chỉ là một câu hỏi tu từ. Chỉ là tôi muốn chắc chắn rằng nếu mình có một tầm nhìn, thì sẽ đến lúc xã hội phát cho ta tín hiệu rằng: những người xung quanh đã sẵn sàng.

Còn bây giờ, chính tôi, một người cũng chưa vượt thoát được khỏi tư duy ngắn hạn, cũng đành quay lại với chuyện cơm áo gạo tiền muôn thuở. Cái nhìn dài hạn, đòi hỏi rất nhiều dũng khí, và được luyện tập thường xuyên để trở thành tập quán. Một tập quán phải thoát khỏi những nỗi sợ mơ hồ.

Phạm An

Nhìn về một hướng

Tôi may mắn được tham gia vào đội ngũ công bố Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ. Lần đầu tiên trong đời, tôi đọc kỹ một bản quy hoạch đến thế. Trong tư cách một người dân, chúng ta thường chỉ xem các quy hoạch có liên quan đến cuộc sống của mình. Bản đồ hay được xem nhất có lẽ là bản đồ quy hoạch sử dụng đất - và ngoại trừ giới đầu cơ, môi giới bất động sản xem kỹ cả thành phố, thường ta cũng chỉ xem khu vực nơi mình đang sinh sống.

Hà Lan có kinh nghiệm hàng thế kỷ trong việc phát triển các vùng đất thấp. Ảnh: S.t

Vì công việc, lần đầu tôi "khám nghiệm" một bản quy hoạch cấp Chính phủ ở chiều rộng. Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 là bản quy hoạch tích hợp đầu tiên của Việt Nam. Nó là quy hoạch cả một vùng gồm 13 tỉnh thành, với hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Không chỉ có giao thông, sử dụng đất, mà cả quy hoạch văn hóa, du lịch, năng lượng, cấp nước và các trung tâm đầu mối.

Tôi cầm các bản đồ quy hoạch (chưa công bố) trong tay và đi một dọc từ Cần Thơ xuống Sóc Trăng, vào các xóm ấp và nói chuyện với từng người dân. Trên đường đi, có điểm nào không hiểu, tôi viết thư cho chuyên gia Hà Lan, người đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng bản quy hoạch này. Tôi nhận ra mọi điểm mình kiểm chứng trên những bản đồ này, đều đã được xây dựng một cách khoa học. Tầm nhìn 2050 cho Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ đã đề ra, là một tầm nhìn biện chứng. Dẫu sao, nó được đồng xây dựng bởi các tư vấn Hà Lan, những người có kinh nghiệm hàng thế kỷ trong việc phát triển các vùng đất thấp.

Nhưng, bất chấp sự khoa học ấy, có những điểm li ti trên bản đồ làm tôi bối rối.

Đó là một huyện duyên hải của vùng đồng bằng. Huyện thể hiện sự phát đạt ngay ở khu vực ủy ban, với những dãy nhà bề thế. Xung quanh trục phố chính, là những căn biệt thự 3 tầng lớn. Cán bộ phòng nông nghiệp huyện, dù tiếp đón nhiệt tình, cương quyết dắt đoàn công tác đi thăm "các mô hình nuôi tôm thành công". Tôi hỏi: "Có địa bàn nào mà người dân xảy ra xung đột tôm-lúa, hoặc phải phá rào quy hoạch, chuyển từ lúa sang tôm vì ngập mặn không anh?". Cán bộ huyện nói không. Anh rất nguyên tắc.

"Huyện chúng tôi nuôi tôm ổn định lâu năm rồi, không có sự chồng lấn gì cả. Tôi đã gọi điện xuống xã rồi, anh xuống dưới đó người ta sẽ dắt anh đi thăm các mô hình thành công". Tôi đành đi theo lời chỉ dẫn của anh để đến thăm "mô hình thành công". Tôi xuống cái xã được giới thiệu, rồi lần mò đi tìm một ông chủ nhiệm hợp tác xã. Tôi thực lòng không có nhu cầu tham quan "mô hình thành công". Nhiệm vụ của tôi ở đây là để phát hiện các vấn đề - còn tuyên dương các mô hình kiểu mẫu thì đài địa phương họ làm hằng ngày. Tôi vẫn cương quyết tìm các trường hợp phải chuyển sang nuôi tôm vì xâm nhập mặn. Dưới xã vẫn nói, không có trường hợp nào như vậy đâu. Tôi chuyển sang tâm sự với người dân. Họ chỉ sang xã bên cạnh.

Thêm nửa ngày dò hỏi nữa, cuối cùng tôi tìm được một anh cán bộ địa chính. Anh không đại diện cho chính quyền xã, mà dắt chúng tôi đi với tư cách một người con sinh ra ở vùng đất này. Giả thuyết của tôi vẫn đúng: Ở vùng ven biển này, vẫn có những người dân phải phá rào quy hoạch, chuyển từ đất trồng lúa sang thành đầm nuôi tôm. Đi vòng vèo qua những con đường nhỏ, tôi đến căn nhà miền Tây điển hình, với hai gian nhà gạch, cái sân nhỏ, rặng dừa nước và nhiều hoa kiểng trong sân.

"Chính quyền cũng thương dân, khuất mắt trông coi mới làm được", người nông dân nuôi tôm nói với tôi. Đất của anh, trên bản đồ quy hoạch vẫn là đất trồng lúa. Anh cũng từng có thời sống nhàn nhã nhờ cây lúa, tích cóp có máy cày thuê cho ruộng xóm giềng. Nhưng, xâm nhập mặn ở vùng cửa biển không cho phép người nông dân bám trụ với cây lúa nữa: năm 2016, sau đợt hạn mặn kỷ lục, anh quyết định chuyển sang nuôi tôm. Chính quyền cũng không cản.

Đó thực chất là một xung đột quy hoạch phổ biến ở vùng duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng, cái làm tôi băn khoăn, là thái độ của những cán bộ cấp huyện và xã. Họ chắc chắn biết hiện trạng ấy; cơ quan quản lí, báo chí và người dân cũng nhận thức được hiện trạng ấy - nhưng có những động cơ vô hình khiến người ta ngần ngại khi thừa nhận. Động cơ đó có thể là thành tích của địa phương, thành tích trong nhiệm kỳ, hay là một thứ thể diện gì đó rất chung chung.

Cái thái độ "làm gì có chuyện đó" này khiến tôi nghi ngờ rằng liệu quy hoạch của Chính phủ, và sau này của tỉnh, có đi được vào từng ngõ ngách của cuộc sống, nếu như dữ liệu từ thực tế và những người triển khai nó vẫn còn những điều không tường minh?

"Tầm nhìn" - và cách xây dựng một tầm nhìn trong phát triển kinh tế, xã hội - thực chất không quá tầm với của người Việt Nam. Ngay cả khi chúng ta chưa đủ năng lực và kinh nghiệm để làm việc đó, luôn có những chuyên gia nước ngoài sẵn sàng cùng xây dựng. Đó là câu chuyện của Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 2050.

Nhưng, có một điều tôi nhận ra trong chuyến đi thực địa về bản quy hoạch này. Tầm nhìn sẽ chỉ có giá trị nếu nó là của toàn bộ hệ thống: nó phải là tầm nhìn chung của những người đứng đầu Chính phủ, của người dân và của từng người cán bộ đến cấp xã, cấp thôn. Nếu như "tầm nhìn" của bản quy hoạch là về sự phát triển, và ưu tiên chất lượng sống của người dân - nhưng "tầm nhìn" của cán bộ lại là bản báo cáo đẹp đẽ cuối nhiệm kỳ; nếu như tầm nhìn của Chính phủ là về năm 2050, còn tầm nhìn của cán bộ là về tháng 12-2022, tức là chỉ nhắm đến phiên họp tổng kết năm; nếu như tầm nhìn của người nông dân là về tương lai của cả một cánh đồng, tức là hàng thế kỷ - còn tầm nhìn của cán bộ chỉ về tương lai của chính mình, tức là vài ba năm... thì tầm nhìn trở nên vô nghĩa.

Đức Hoàng

Một tập quán ngắn hạn

Ảnh: S.t

Có một nhận định rất chung mà chúng ta vẫn thường đồng thuận với nhau, về sự khác biệt giữa người miền Nam với người miền Bắc hoặc miền Trung. Đó chính là tính căn cơ của người Bắc và người Trung mạnh mẽ hơn trong khi sự hào sảng của người Nam Bộ lại lớn hơn. Ai cũng nhận thấy mẫu số chung là cùng làm ăn ở một địa phương như nhau, với môi trường xã hội như nhau, ngành nghề giống nhau nhưng sau một thời gian, đa phần đáp án cho thấy người miền Bắc và người miền Trung tích lũy tốt hơn. Và, chúng ta thừa nhận đó là khác biệt đến từ xuất xứ. Ở miền Nam phì nhiêu, vốn ít phải lo tới cái đói, con người phóng túng hơn, khoáng đạt hơn, hào sảng hơn. Còn ở những địa phương cằn cỗi, khắc nghiệt, con người ta quen với một ý thức phòng thủ để sinh tồn thường trực và từ đó dẫn tới khả năng toan tính lâu dài hơn nhờ vào những căn cơ.

Một ví dụ ấy thôi đủ để chúng ta có thể cùng nhau đi thẳng vào đề của câu chuyện: "Tầm nhìn". Nhiều người trong số chúng ta vẫn có thói quen lấy các ví dụ ở các nước phương Tây để so sánh và phê phán trong nước, đặc biệt là ở cái "hạn" của tầm nhìn sách lược. Đúng là Việt Nam có nhiều sách lược chỉ mang tính ngắn hạn, thậm chí là đối phó tình thế mà thiếu đi các sách lược trung và dài hạn với lợi ích lâu dài, bền bỉ như phương Tây. Nhưng, tập quán đó đến từ đâu thì gần như ít người tìm hiểu. Lý giải dễ chấp nhận nhất và được đưa ra phổ biến nhất, chính là việc dân tộc Việt phải sống trong chinh chiến quá thường xuyên và kéo dài. Trước những binh biến đe dọa trực tiếp đến sinh tồn như thế, cái tầm nhìn nó bị hữu hạn lại cũng là phải bởi chưa thoát nỗi lo sống còn, nỗi lo no đói thì làm sao có thể đủ tỉnh táo và bình thản để nghĩ chuyện trăm năm?

Nhưng, tập quán tư duy ngắn hạn đó có thể được cải thiện dần dần hay không? Chắc chắn là có thể nếu ngay từ bây giờ (có lẽ cũng đã là muộn), các cá nhân nắm giữ trọng trách về sách lược bắt đầu có những lo toan về việc xây dựng những thế hệ mới với tư duy sâu sắc hơn về tương lai chung. Những lo toan này có thể được thể hiện trên những chiến lược cụ thể, ở từng ngành nghề và song song đó cũng cần được thực hành bằng từng công việc hằng ngày, nhất là những dự án mang tính bộ mặt xã hội.

Chính những lo toan kiểu này sẽ bắt đầu dần dần định hình một nếp nghĩ và làm hướng tới tương lai lâu dài, mà ở đó tính kế thừa luôn sẵn có do dư địa cho kế thừa ấy luôn tồn tại. Chúng mở ra cơ hội để thế hệ lãnh đạo sau có thể tiếp nối phát triển những gì mà thế hệ lãnh đạo trước đã làm, đồng thời thừa hưởng thành tựu ban đầu của thế hệ lãnh đạo đi trước. Cơ hội kiểu này dần sẽ triệt tiêu cái mà chúng ta vẫn chống lại suốt nhiều thập niên qua: tư duy nhiệm kỳ.

Một ví dụ về tính kế thừa xuyên suốt chính là câu chuyện sự trỗi dậy của vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế suốt mấy chục năm qua. Các học giả phương Tây đã phải thừa nhận rằng các thế hệ lãnh đạo đi trước của Trung Quốc đã bền bỉ trong việc thực hiện cái gọi là chính sách "thu phục tinh hoa" (Elite Capture). Đây là chính sách mà Trung Quốc đã thực hiện với phương Tây suốt hơn 3 thập niên qua, bằng cách thắt chặt quan hệ với giới tinh hoa phương Tây từ khi họ còn là "cậu ấm cô chiêu" và từ đó tạo tầm ảnh hưởng lên tầng lớp tinh hoa ấy. Sau hơn 3 thập niên bền bỉ với nó, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã gặt hái được cái vị thế hiện thời trên trường quốc tế.

Nói chuyện xa xôi rồi, bây giờ tôi trở lại với câu chuyện gần gũi nhất mà có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta cũng gặp phải. Đó là chuyện những viên đá lát đường. Số là TP Hồ Chí Minh có dự án chỉnh trang lại khu hồ con rùa. Khi nghe về dự án chỉnh trang này, tôi mừng thực sự. 22 năm lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, đây là lần đầu tiên tôi thấy khu trung tâm này được chỉnh trang. Và toàn bộ gạch lát vỉa hè ở Công trường Quốc tế, đường Phạm Ngọc Thạch... được gỡ sạch để thay bằng đá lát mới. Nhìn những vỉa hè nham nhở chờ thay áo mới, tôi hình dung đến tương lai gần và xa. Gần: nó sẽ có diện mạo thế nào? Và xa: gạch lát vỉa hè ấy sẽ nằm trong một quần thể chung về quy hoạch đô thị ra sao, được dùng cho mấy chục năm hay chỉ vài năm lại bóc lên lát đá mới?

Những vỉa hè được lát đá mới chỉ vài năm sau khi vừa được thay đá trước đó là chuyện quá quen thuộc ở Việt Nam rồi. Lựa chọn loại đá lát vỉa hè phải chăng chỉ vì ý thích của một ai đó, hay vì lợi ích riêng của một nhóm nhỏ nào đó mà thôi? Có ai nghĩ đến diện mạo của một con phố đô thị, với giá trị văn hóa có thể được tích lũy qua năm tháng trên từng viên gạch nhỏ nhưng phù hợp với bối cảnh đến từng chi tiết hay không? Chỉ nội câu chuyện ấy thôi đã đủ để thấy cái gọi là toan tính lâu dài (chưa dùng từ tầm nhìn vội) vẫn là của hiếm. Nếu nhìn rộng ra với các quy hoạch lớn hơn, của một đô thị, một vùng, chúng ta sẽ còn nhận thấy cái vụn vặt, manh mún nó lấn át đến mức nào.

Giữa một thế giới nhiều biến chuyển tốc độ của hôm nay, thực sự rất cần những hoạch định mang tính dẫn dắt dài hơi để từ đó tạo ra được những hành lang vận động mà người dân có thể tự tin đi trên đó với sự an tâm tuyệt đối về tương lai lâu dài của mình. Những xoay xở chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, sản xuất bao nhiêu năm qua của người dân thực tế là hậu quả của những chính sách thiếu tầm nhìn dài hạn, chủ yếu mang tính đối phó thời cuộc, cố gắng thích nghi để sinh tồn. Đó là một tập quán được hình thành từ quá lâu đời, bởi tác động của quá nhiều nghiệt ngã lịch sử mà chúng ta không thể thay đổi các dữ kiện lịch sử ấy. Nhưng cái tập quán kia có thể bị thay thế, bằng một tập quán mới, khi chúng ta đang được sống trong thời bình như ngày hôm nay. Không chỉ là câu chuyện nghĩ tới 2030 hay thậm chí 2050 như các dự án to lớn đang vẽ ra mà thậm chí phải nghĩ tới chuyện của 100 năm tới và hơn nữa. Trong cái xa lộ rộng và dài hun hút ấy, chúng ta mới nhận ra cái "sự nghiệp trồng người" mà Hồ Chủ tịch từng nhắc tới. Sự nghiệp trồng người này không chỉ là câu chuyện giáo dục, bồi dưỡng, mà chính là chuyện tạo dựng nếp nghĩ mới, tư duy khác, hình thành tập quán khác cho từng thế hệ một để chính các thế hệ tiếp nối sẽ mở rộng và kéo dài hơn tầm nhìn của những sách lược quốc gia.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/cau-chuyen-tam-nhin-i663427/