Câu chuyện tình người cao cả

Những tấm lòng cao cả được viết lên từ khắp mọi miền đất nước, những bàn tay ấm chìa ra để cùng chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khuyết tật. Tinh thần 'lá lành đùm lá rách' được lan tỏa sâu sắc hơn, tạo nên câu chuyện tình người cao cả.

Nhiều người khuyết tật cũng trở thành những tấm gương đẹp lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Nhiều người khuyết tật cũng trở thành những tấm gương đẹp lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Bàn tay ấm và lòng trắc ẩn

Ở xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long có một người phụ nữ được nhiều người dân trìu mến gọi với cái tên cô Tư Ngon – người bảo trợ cho những người tàn tật trên địa bàn tỉnh.

Ở tuổi 70, cô Đỗ Thị Ngon vẫn nhiệt huyết với những hoạt động tình nguyện xã hội. Với riêng những người khuyết tật, cô dành tình cảm đặc biệt. Sau khi học xong lớp hộ sinh năm 1968, cô Tư Ngon được phân công về nhận nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã Mỹ Thuận (nay là huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cô Tư Ngon và các nhân viên trạm y tế đã tích cực tham gia việc cứu chữa thương binh. Đến đầu năm 1969, cô tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 857 (tỉnh Vĩnh Long), sau đó được đơn vị đưa đi bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ về cứu thương, y tá. Ít năm sau, cô Tư Ngon thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, khi tốt nghiệp ra trường cô về công tác tại thành phố Vĩnh Long với nhiều chức vụ trong ngành Y tế. Năm 1992 cô Tư Ngon nghỉ hưu theo chế độ, cùng gia đình chuyển về sinh sống tại thị xã Bình Minh - một vùng đất đã gắn bó với cô trong suốt chặng đường tham gia kháng chiến.

Về hưu là để nghỉ ngơi, nhưng với cô Tư Ngon lúc này mới có thời gian toàn tâm, toàn ý cho công tác thiện nguyện trên cương vị là Chủ tịch Hội Người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh. Theo chia sẻ của cô Tư Ngon, lúc mới thành lập Hội rất khó khăn, hầu như là “3 không” (không biết phải làm như thế nào, không có cơ sở hoạt động, không có kinh phí hoạt động). Với phương châm tự thân vận động, Hội đã đi gõ cửa từng cơ quan, doanh nghiệp, kêu gọi đồng chí, đồng đội, bạn bè gần xa để xin kinh phí làm từ thiện. Bằng sự nhiệt tình, cái tâm trong sáng và lòng nhân hậu, Hội ngày càng phát triển. Danh sách những người làm từ thiện, tham gia ủng hộ ngày càng “dày” lên.

Cũng nhờ có nguồn kinh phí, có chỗ “an cư” mà hằng trăm người gặp khó khăn đã được Hội giúp đỡ. Người khuyết tật thì được hỗ trợ xe lăn, xe lắc để bán vé số kiếm sống; trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, quèo tay chân bị hỏng thì được Hội hỗ trợ tiền chữa trị; học sinh nghèo học giỏi được cấp học bổng tiếp bước đến trường... “Công tác thiện nguyện đã ăn vào máu của mình rồi, lúc nào cũng muốn giúp cho người nghèo khó. Tôi chấp nhận đóng cửa phòng mạch riêng để dồn sức cho công tác Hội. Trong 12 năm làm công tác Hội, cái được lớn nhất của tôi có được là tình cảm của bà con dành cho mình”, cô Tư Ngon vui vẻ nói.

Trên khắp đất nước này, rất nhiều trẻ em khuyết tật được dạy dỗ, nuôi dưỡng bởi những cô giáo đặc biệt. Đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật, việc thầy cô bị học sinh "bạo hành" là chuyện rất bình thường, có em nhéo rất đau, đau đến phát khóc. Dù vậy, khi dạy trẻ khuyết tật, chỉ cần các em có chút tiến bộ là giáo viên rất vui. Những tiến bộ dù rất nhỏ ấy là cả một quá trình bền bỉ, kiên trì của các thầy cô. Đó là những tâm sự chân thành của cô Đinh Lan Phương, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP HCM).

Cô Phương chia sẻ: “Từng có một học sinh từ miền Bắc chuyển vào bị đa tật nên việc học tập gặp muôn vàn khó khăn. Ngoài giờ học ở trường, tôi còn đến nhà để giúp đỡ thêm học sinh này. Có lẽ bài giảng của tôi không giống ai khi việc dạy học bắt đầu từ hướng dẫn các em từng hoạt động nhỏ như cách tắm, lấy quần áo, khăn tắm của mình. Trong một lần dạy em cách ghép vần, em đã biết ghép và đọc từ rất rõ. Tôi rất vui và tâm nguyện rằng khi dạy các học sinh khuyết tật, cần nhất là tấm lòng bao dung, kiên nhẫn. Cứ hết lòng với các em thì sẽ được đền đáp xứng đáng” - cô Phương bày tỏ.

Những tấm gương giúp đỡ người khuyết tật.

Và những chia sớt, đồng cảm

Không chỉ những chiếc “lá lành đùm lá rách”, có nhiều người khuyết tật cũng trở thành những tấm gương thiện nguyện, hết lòng giúp đỡ cộng đồng khuyết tật, mong mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho những mảnh đời khiếm khuyết. Ông Trần Ngọc Hòa (SN 1954, Đồng Hới, Quảng Bình) là người như thế.

Ông Trần Ngọc Hòa nổi tiếng không chỉ bởi ý chí và nghị lực phi thường mà còn là người luôn đồng hành, giúp đỡ rất nhiều người khuyết tật tại địa phương, cùng họ vượt qua số phận, thoát nghèo đi lên. Cũng như thế hệ cùng trang lứa, tuổi đôi mươi của ông gắn liền với những trận chiến của một thời hoa lửa. Ông nhập ngũ vào năm 1974 và được phân công làm nhiệm vụ phá đá mở đường, đảm bảo giao thông tuyến chiến lược Đông Trường Sơn. Mặc dù bị địch ngày đêm đánh phá ác liệt nhưng với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, ông đã cùng đồng đội không ngại hi sinh gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1975, ông Trần Ngọc Hòa bị thương, mất đi chân phải khi đang làm nhiệm vụ ở sân bay Phú Bài. Trở về sau cuộc chiến, người thương binh này chỉ còn lại một chân, gian nan, vất vả bủa vây. Trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, gia đình ông gặp phải muôn vàn gian nan. Vượt qua những nỗi đau chiến tranh, với nghị lực phi thường, cuộc sống của gia đình thương binh Trần Ngọc Hòa đã có nhiều thay đổi với mức thu nhập khá. Đây cũng là thời điểm ông muốn giúp đỡ cho người khuyết tật, những người có cùng hoàn cảnh.

“Việc kết nối, thành lập một tổ chức để giúp đỡ cho thương binh hay người khuyết tật tôi ấp ủ lâu rồi nhưng vì hoàn cảnh, cuộc sống còn khó khăn nên đến năm 2007 mới làm được. Tôi đã đến từng gia đình thương binh, khuyết tật, vận động họ thành lập và tham gia Câu lạc bộ người khuyết tật, qua đó cùng giúp đỡ nhau vượt khó với phương châm “tàn nhưng không phế”, ông Trần Ngọc Hòa chia sẻ.

Lúc mới ra đời, Câu lạc bộ người khuyết tật phường Bắc Nghĩa chỉ có 34 thành viên nay đã tăng lên gần 100, trong đó hơn 30% là thương binh. Với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ, ông đã vận động, tổ chức được nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trong đó có việc vận động ủng hộ, tạo sinh kế cho người khuyết tật, tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ con em hội viên nghèo hiếu học... Ngoài ra, với kiến thức có được, ông Trần Ngọc Hòa còn chữa bệnh miễn phí cho thương binh, người khuyết tật bằng các bài thuốc nam. Ông Trần Chính Lệ - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bắc Nghĩa đánh giá: “Ông Trần Ngọc Hòa không chỉ là một tấm gương nghị lực mà còn là một người giàu lòng nhân ái. Thời gian qua, ông đã giúp đỡ cho rất nhiều người thiếu may mắn, góp phần tác động không nhỏ trong việc thay đổi, nâng cao đời sống thương binh, người khuyết tật”.

Bên cạnh đó, ông Hòa còn trăn trở tìm hướng làm ăn cho các hội viên. Không quản ngại khó khăn, hàng ngày người thương binh này đi đến các gia đình của người khuyết tật “cầm tay, chỉ việc”. Ngoài ra, ông còn vận động, xin phường cấp cho 140m2 đất để làm bãi giữ xe ở chợ của địa phương, tạo việc làm cho người khuyết tật, lấy kinh phí để hỗ trợ cho các hội viên khác.

Nhờ mô hình này mà hội viên có nguồn thu nhập ổn định, Câu lạc bộ có nguồn kinh phí để tổ chức các sự kiện, thăm hỏi, động viên các hội viên khi ốm đau hay cho các hội viên vay vốn tạo việc làm... Nhờ vậy mà khi thành lập, Câu lạc bộ có hơn 50% là hộ nghèo thì đến nay chỉ còn một hội viên là hộ nghèo.

Nhiều người đã tạo công ăn, việc làm, giúp đỡ người khuyết tật kiếm kế sinh nhai.

Những người như ông Hòa hay cô Tư Ngon, họ có nhiều lựa chọn với cuộc sống của mình nhưng vẫn chọn dành yêu thương, chia sẻ với những mảnh đời còn khuyết. Như những bông hoa tỏa ngát hương, hành động đẹp của họ sẽ luôn là tấm gương để cùng tôn vinh.

Thái Ngân

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cau-chuyen-tinh-nguoi-cao-ca-post442607.html