Cầu cứu tiền đạo Việt kiều: Bóng đá Việt Nam thực sự thiếu tiền đạo?

Mới đây, HLV Park Hang-seo sẽ chính thức sang châu Âu để theo dõi cầu thủ Alexander Đặng trước khi quyết định có triệu tập anh lên ĐTQG hay không. Như vậy, bóng đá Việt Nam có thực sự khan hiếm tiền đạo hay không và lý do nào dẫn đến tình trạng như vậy?

Tiền đạo nội chật vật tìm chỗ đứng

Động thái mới nhất của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang-seo đang tiến hành làm là theo dõi những cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở châu Âu để chào đón cũng như tận dụng nguồn nhân lực dồi dào này cho ĐTQG. Thế nhưng, chính việc VFF mở cửa chào đón những cầu thủ gốc Việt về thi đấu cho ĐTQG nhất là trên vị trí tiền đạo khiến NHM bóng đá nước nhà đặt ra câu hỏi liệu rằng chúng ta đang thực sự khan hiếm tiền đạo ở giải đấu quốc nội?

Nếu nói rằng, V.league thiếu tiền đạo thì đúng là chuyện lạ bởi hiện nay, ở giải đấu cao nhất Việt Nam, chúng ta có 14 đội bóng. Mỗi đội bóng có ít nhất là bốn tiền đạo chưa kể các tiền đạo trẻ nên nếu nhẩm tính thì bóng đá Việt Nam có một lượng tiền đạo vô cùng dồi dào.

Tiền đạo nội chật vật tìm chỗ đứng ở V.league vì không thể cạnh tranh được với các ngoại binh.

Tiền đạo nội chật vật tìm chỗ đứng ở V.league vì không thể cạnh tranh được với các ngoại binh.

Bên cạnh đó, chưa kể những tiền đạo đã có chỗ đứng trong màu áo các cấp độ ĐTQG như Văn Toàn, Đức Chinh, Tiến Linh, Anh Đức, Ti Phông, Công Phượng thì mỗi đội bóng đều có lò đào tạo cũng như những lứa U nên số lượng tiền đạo trẻ liên tục được "trình làng" là rất lớn.

Nếu không tính các tiền đạo ngoại hay nhập tịch thì số lượng tiền đạo nội cũng khá đông. Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn là hầu hết các đội bóng ở V.League cũng như Hạng nhất đều sử dụng một đến hai tiền đạo ngoại hoặc nhập tịch trên hàng công. Đây cũng chính là lý do vì sao mà ĐTQG trong những năm qua luôn thiếu các tiền đạo giỏi. Cứ nhìn thống kế cho thấy, tổng số bàn thắng tại giải đấu hàng đầu Việt Nam năm 2019 có quá nửa là do các tiền đạo ngoại hoặc nhập tịch ghi bàn.

Dẫn đầu danh sách vua phá lưới V.League 2019 là Hoàng Vũ Samson của Hà Nội FC với 6 bàn, Jermie Lynch (Hải Phòng), Walsh Chevaughn (HAGL), Vinicius (TP.HCM) và Pedro Paulo (Sài Gòn) và Văn Toàn đều có được 4 bàn. Nếu để ý thì trong danh sách này, chúng ta chỉ có một cầu thủ nội là Văn Toàn lọt vào danh sách. Xếp dưới anh thì cũng chỉ có Anh Đức là tiền đạo nội có được 3 bàn thắng tính cho đến thời điểm hiện tại.

Lý do mà các đội bóng ưu tiên dùng tiền đạo ngoại là do họ có sức mạnh, sức khỏe và khả năng săn bàn tốt. Điều này khiến các tiền đạo nội không thể cạnh tranh được chỗ đứng tại các CLB. Cứ nhìn vào Anh Đức thì chúng ta có thể nhận thấy anh thi đấu cực hay và là cây săn bàn số một trong màu áo ĐTQG nhưng khi trở về Becamex Bình Dương thì anh lại phải đá dạt cánh để nhường chỗ cho tiền đạo tây.

Hay như Văn Toàn, Công Phượng cũng đã và đang phải nhường vị trí chơi cao nhất cho các cầu thủ ngoại còn mình buộc phải thi đấu lệch biên nếu muốn có cơ hội ra sân thi đấu.

Nỗi lo của thầy Park và cứu cánh mang tên Alexander Đặng

Chính việc các đội bóng tại V.League thường xuyên sử dụng các tiền đạo ngoại vô tình đẩy những tiền đạo nội của chúng ta không có cơ hội thi đấu. HLV Park Hang-seo tại buổi họp báo trước thềm vòng loại U23 châu Á cũng từng cho biết rằng sự sa sút của các tiền đạo nói chung và các cầu thủ Việt Nam nói riêng là do họ không thể cạnh tranh được với các cầu thủ ngoại khi thi đấu ở CLB.

Trong bối cảnh các tiền đạo nội sa sút thảm hại còn những giải đấu lớn mà bóng đá Việt Nam đang hướng đến là SEA Games 30 và vòng loại World Cup 2022 đang đến gần thì sự lo lắng của HLV Park Hang-seo là hoàn toàn chính xác. Không lo sao được khi chứng kiến những gương mặt chủ chốt trên hàng công của ĐTQG thi đấu vật vờ, bết bát khi trở về thi đấu ở CLB.

HLV Park Hang-seo sẽ triệu tập tiền đạo Alexander Đặng để khỏa lấp vị trí trên hàng tiền đạo của ĐTQG?

Đức Chinh thi đấu bùng nổ khi lên tuyển nhưng trở lại V.League, dù anh được HLV Lê Huỳnh Đức thường xuyên điền tên vào danh sách thi đấu chính thức nhưng những gì tiền đạo này thể hiện là hoàn toàn mờ nhạt dù anh vẫn thi đấu vô cùng năng nổ và di chuyển liên tục.

Tiến Linh mới trở lại sau chấn thương nên phong độ cũng không được như trước. Công Phượng cũng đang chật vật tìm chỗ đứng tại Incheon United dù anh đã có một khởi đầu khá thuận lợi. Anh Đức có lẽ là tiền đạo thi đấu ổn định nhất nhưng sau Asian Cup 2019, cầu thủ này đã có ý định từ giã ĐTQG.

Hàng công thi đấu bết bát khiến vị chiến lược gia người Hàn Quốc buộc phải để ý đến tiền đạo Việt kiều đang thi đấu ở Na Uy là Alexander Đặng. Cầu thủ này nổi lên nhờ thể hình lý tưởng, khả năng săn bàn đáng nể cùng khao khát trở về cống hiến cho ĐTQG nên NHM bóng đá nước nhà cũng như HLV Park phải chú ý.

Đồng ý rằng, nếu Alexander Đặng khoác áo ĐTQG Việt Nam thì sẽ là cứu cánh để chúng ta tạm thời có thể vơi đi nỗi lo nơi hàng tiền đạo bởi anh có khả năng săn bàn cực kỳ nhạy bén. Tuy nhiên, ở độ tuổi 29 cùng rào cản về ngôn ngữ cũng như kỹ chiến thuật thì khả năng hòa nhập của chân sút Việt kiều này vẫn còn là dấu hỏi.

Thế nhưng, với tình cảnh hiện tại thì việc triệu tập tiền đạo Alexander Đặng về thi đấu cho ĐTQG là hoàn toàn hợp lý. Hy vọng rằng nếu được chấp thuận thì anh sẽ mau chóng hòa nhập và ghi được những bàn thắng ĐTQG ở vòng loại World Cup 2022.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cau-cuu-tien-dao-viet-kieu-bong-da-viet-nam-thuc-su-thieu-tien-dao-a432466.html