Câu đố tiếng Việt: Vì sao lại gọi những thứ to, khổng lồ là 'chà bá lửa'?

'Chà bá lửa' tuy phổ biến rộng rãi nhưng ít ai biết được nguồn gốc ra đời của nó.

Ảnh minh họa

Khi miêu tả cái gì đó khổng lồ, khủng, bự tổ chảng, người Việt - nhất là người miền Nam, thường hay dùng Chà bá lửa. Vậy 3 tiếng "chà bá lửa" do đâu mà ra?

Với riêng hai tiếng "chà bá", nhiều ý kiến cho rằng, tiếng Quảng Đông (Trung Quốc) có hai từ "tài pả" [大 把] có nghĩa là khối, cả đống, có vỏ ngữ âm na ná. Thế nhưng, học giả An Chi nhận định đây không phải là nguyên từ (= từ gốc) của "chà bá".

Lại có ý kiến cho rằng "chà bá" chính là vay mượn từ "Cha-báik" của người Chăm. Trên báo Người lao động, tác giả Lê Minh Quốc cho biết, theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm là nhà thơ Inrasara thì: "Tiếng Việt nào có âm tiết "đầu" Tà, Chà, Cà... đều có liên quan đến Chăm. Chà-bá thì có nguồn từ 2 chữ: Cha-bá hay Ta-bá: lan rộng ra và Cha-báik hay Ta-báik: mở rộng ra ở bề miệng".

Khi miêu tả cái gì đó khổng lồ, khủng, bự tổ chảng, người Việt - nhất là người miền Nam, thường hay dùng Chà bá lửa. (Ảnh minh họa)

Khi miêu tả cái gì đó khổng lồ, khủng, bự tổ chảng, người Việt - nhất là người miền Nam, thường hay dùng Chà bá lửa. (Ảnh minh họa)

Từ điển Chăm – Việt do Bùi Khánh Thế chủ biên ghi chép cực kì chi tiết hệ thống từ vựng Champa, và tại trang 190 đã ghi nhận từ "chaba" (chữ a thứ hai có gạch ngang trên đầu) với nghĩa là "rắn rỏi, lớn mạnh". Về âm và về nghĩa, từ này đều rất gần với "chà bá". Còn "lửa" là yếu tố thêm vào (thành "chà bá lửa") để chỉ mức độ mà có tác giả gọi là cực cấp, như trong "bà chằn lửa".

Như vậy, có cơ sở để tin rằng "chà bá" vốn có gốc Chăm, và được phiên từ "chaba".

Hiểu Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cau-do-tieng-viet-vi-sao-lai-goi-nhung-thu-to-khong-lo-la-cha-ba-lua-20230417214317372.htm