Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại nói 'mẹ tròn, con vuông'?

Nếu bạn biết được nguồn gốc câu thành ngữ này chứng tỏ bạn là người có vốn kiến thức sâu rộng.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

"Mẹ tròn, con vuông" hay được dùng để chúc những người phụ nữ sinh đẻ thuận lợi. Thế nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của câu chúc này không? Tại sao không phải "mẹ hình vuông, con tam giác" hay "mẹ hình bình hành, con hình chữ nhật" mà nhất thiết phải là "mẹ tròn, con vuông". Sau câu thành ngữ là một ý nghĩa sâu xa, có nguồn gốc bất ngờ.

Thời xưa, người ta quan niệm trời có hình tròn, đất có hình vuông. Trời như chiếc vung chụp xuống đất cho nên nếu cứ đi mãi sẽ đến "cùng trời, cuối đất". Suy nghĩ này cũng bắt nguồn từ sự tích "Bánh chưng, bánh dầy". Chuyện kể rằng xưa hoàng tử Lang Liêu nằm mộng được tiên ông hướng dẫn làm bánh dầy tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng tượng trưng cho đất để chỉ sự hòa hợp. Nhờ đem hai thứ bánh này dâng lên tổ tiên mà hoàng tử được vua khen và truyền ngôi cho.

Vì vậy, "vuông" và "tròn" dần dần đại diện cho trời đất, âm dương. Có "vuông", có "tròn" mang ý nghĩa là đất trời hòa hợp, mà đất trời hòa hợp thì cuộc sống của chúng ta mới thuận lợi và hanh thông.

Trong truyện Kiều, tác giả Nguyễn Du cũng nhiều lần nhắc đến sự "vuông, tròn":

"Sắn, bìm chút phận còn con

Khuôn duyên biết có vuông, tròn cho chăng?".

Hay:

"Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".

Bởi thế, người xưa nói "mẹ tròn, con vuông" chỉ việc người phụ nữ vượt cạn thành công, con mạnh khỏe, mẹ an toàn. Đặc biệt, "vuông" và "tròn" luôn song hành cùng nhau, không tách rời nhau.

Sau này, người ta đã dùng khái niệm "vuông, tròn" để tạo nên thành ngữ "mẹ tròn, con vuông". Thành ngữ mang ý nghĩa chúc người mẹ và con trong quá trình sinh nở không gặp rủi ro, biến cố vì "cửa sinh là cửa tử". Lời chúc "mẹ tròn, con vuông" sẽ khiến người phụ nữ thêm may mắn, có niềm tin và động lực trước khi lâm bồn. Đồng thời, theo tâm linh, đó cũng là "vía" để người mẹ sinh nở được thuận lợi.

Qua thành ngữ trên ta càng thấy Tiếng Việt thật giàu đẹp và phong phú. Từ một sự tích, ông cha ta đã sáng tạo nên một lời chúc ý nghĩa dành cho người phụ nữ khi vượt cạn. Để có thể hiểu nguồn gốc, ý nghĩa ca dao, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, chúng ta phải bỏ nhiều thời gian dày công nghiên cứu.

Ngoài ra, còn nhiều thành ngữ có nguồn gốc thú vị không kém. Chẳng hạn như:

- "Nước sông không phạm nước giếng" được cho là bắt nguồn từ câu "tỉnh thủy bất phạm hà thủ" của Trung Quốc. Theo trang Bách khoa từ điển Baidu, "nước sông" (hà thủy) và nước giếng (tỉnh thủy) ở đây không phải là nước sông và nước giếng trên mặt đất, mà là từ dùng để chỉ các chòm sao.

- "Rồng đến nhà tôm": Sở dĩ có yếu tố "rồng" và "tôm" xuất hiện vì thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian từ xa xưa. Đây là một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn. "Rồng" ở đây chỉ cá chép, sau khi đã đỗ đạt, ở vị thế cao sang nhưng vẫn nhớ tình xưa nghĩa cũ. Còn "tôm" thì không hề tự ti, mặc cảm về xuất thân hay hoàn cảnh mà vẫn trân trọng tình bạn này. Ấy là lối ứng xử văn hóa mang đậm tình người.

Ứng Hà Chi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cau-do-tieng-viet-vi-sao-lai-noi-me-tron-con-vuong-20221101105830686.htm