Câu đối đỏ - Thú chơi tết tao nhã

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.Câu đối đỏ là 1 trong 6 thứ tiêu biểu ngày tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc. Theo dòng chảy thời gian, ngày nay, câu đối đỏ vẫn là thú chơi tao nhã của nhiều người, là mỹ tục không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về.

Qua nét thư pháp sống động, tài hoa, những câu đối hay, ý nghĩa được gửi đến những người chuộng chữ

Câu đối thường được viết vào giấy đỏ vì màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm, may mắn, mang lại tài lộc và sức mạnh trong ngày Tết Cổ truyền. Theo quan niệm của ông bà xưa, màu đỏ còn mang lại nhiệt huyết, xua tan không khí lạnh giá của những ngày đông.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh - Nguyễn Huỳnh Triều chia sẻ: “Trước đây, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, cùng với việc mua sắm đồ tết, dựng cây nêu, mỗi nhà thường treo đôi câu đối đỏ trước bàn thờ tổ tiên hay cột nhà, ngoài cửa. Từ các nhà Nho cho tới những người bình dân đều coi trọng tục treo “câu đối đỏ””.

Treo câu đối đỏ ngày tết không chỉ để trang trí mà còn tô điểm thêm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Chữ viết trên câu đối có thể chân phương hay bay bổng, đậm hay nhạt,... tùy vào sở thích và ý tứ của người chơi. Nghệ thuật đối chữ thể hiện sự mộc mạc, đơn giản nhưng không kém phần tài hoa, thâm thúy, trở thành một phong cách văn hóa độc đáo cả về phương diện trí tuệ lẫn thẩm mỹ.

Ngày nay, cùng với nhịp sống mới, nhiều phong tục đã mai một, thú chơi câu đối tết dù không thuần túy như trước nữa nhưng vẫn được nhiều người, nhiều nhà lưu giữ. Đâu đó trong xã hội, câu đối vẫn được sáng tác và lưu truyền bởi đây là một phần không thể thiếu trong dịp tết. Và, Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua. Trên giấy đỏ, ông đồ viết những chữ theo mong muốn, ước nguyện của người mua trong năm mới hoặc trong một vận hội mới như An (mong được bình an), Khang (mong được mạnh khỏe), Phúc (mong muốn gia đình được hạnh phúc, đầm ấm), Đạt (mong đỗ đạt, thành công),...

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Huỳnh Triều, những năm qua, ông cùng các thành viên Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh đều cho chữ tại các hội xuân. Những câu đối được sáng tạo phù hợp thời đại, ứng tác tại chỗ theo nguyện vọng của người xin, không chỉ thể hiện ý mà còn có tình. Người viết câu đối phải tập trung tinh thần, thả hồn vào từng con chữ. Qua nét thư pháp sống động, tài hoa, những câu đối hay, ý nghĩa được gửi đến những người chuộng chữ.

Tết này, cũng không quá khó khăn nếu muốn có đôi câu đối để treo trong nhà. Bởi, ngày giáp tết, những “ông đồ”, già có, trẻ có vẫn kiên trì gò lưng cho chữ tại các hội xuân, chợ hoa để giữ lại chút phong vị ngày Tết Cổ truyền. Đây cũng là cách gìn giữ những nét tinh hoa văn hóa từ ngàn xưa của ông cha ta để lại./.

Thùy Minh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cau-doi-do-thu-choi-tet-tao-nha-a170517.html