Câu giờ với NATO 'cứu' S-400, 'tuần trăng mật' giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga còn bao lâu?

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì hành động cân bằng giữa phương Tây với Nga trong bao lâu? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.

Kỳ vọng của Tổng thống Erdogan tại NATO dường như không mấy lạc quan.

Kỳ vọng của Tổng thống Erdogan tại NATO dường như không mấy lạc quan.

Chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đã tới dự hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm của NATO tại London với một phái đoàn đông đảo và mang đến đây những nỗ lực ngoại giao lớn chưa từng có.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hy vọng sẽ tìm cách nhận được sự ủng hộ liên quan đến vụ mua bán tranh cãi với hệ thống phòng không S-400 của Nga, chiến dịch quân sự đang diễn ra ở đông bắc Syria và kế hoạch tái định cư người tị nạn Syria.

Một mục tiêu lớn khác của Ankara là thuyết phục NATO công nhận Các đơn vị bảo vệ người Kurd Syria (YPG) là một nhóm khủng bố; xoa dịu căng thẳng ở phía đông Địa Trung Hải và những nỗ lực nhằm dẫn độ giáo sĩ Gulen.

Để củng cố đòn bẩy của mình trong việc thúc đẩy các mục tiêu đó, Ankara đã đơn phương ngăn chặn việc thông qua kế hoạch quân sự bảo vệ Ba Lan và các nước Baltic trong trường hợp Nga tấn công của NATO.

Đây là kế hoạch mà hầu như tất cả các nước thành viên đều chấp nhận, nhưng thiếu lá phiếu của Ankara, nó sẽ không được thông qua.

Nói tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ đến hội nghị thượng đỉnh với những kỳ vọng tối đa sẽ nhận được sự ủng hộ từ các thành viên liên minh, đảm bảo vị thế lớn để buộc liên minh phải quan tâm đến các mối quan ngại về an ninh của chính mình. Nếu NATO muốn thông qua kế hoạch phòng thủ cho Ba Lan và Baltic, họ phải đáp ứng yêu cầu của Ankara.

Cuộc gặp bốn bên giữa các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Đức và Pháp vào ngày 3/12 cho thấy, Ankara coi hội nghị thượng đỉnh cũng là cơ hội để hàn gắn liên lạc và xây dựng lại niềm tin với các đồng minh lớn ở châu Âu.

Tuy nhiên, trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Ankara đã thực hiện hai động thái khiến khối an ninh phương Tây phải phiền lòng.

Trong một động thái thay đổi cục diện ở phía đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận phân định các vùng kinh tế biển trong khu vực với Chính phủ Libya ở Tripoli - nơi đang căng thẳng về các vấn đề thăm dò dầu khí.

Cùng với đó, vào ngày 25-26/11, Ankara đã tiến hành thử nghiệm radar và hệ thống nhận dạng của S-400 cũng như các bài tập huấn luyện cho các quân nhân vận hành, khiến cho Mỹ tiếp tục đưa ra cảnh báo trừng phạt.

Theo Al-Monitor, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh NATO thực sự khá đơn giản – đảm bảo có được sự ủng hộ của các thành viên trong các mục tiêu an ninh của riêng mình, trong khi nỗ lực cân bằng với Nga.

Để tránh các lệnh trừng phạt đối với thỏa thuận S-400, đặc biệt là bởi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Erdogan đang cố gắng chuyển vấn đề S-400 và thúc đẩy sự ủng hộ chiến dịch Syria tới bàn thảo luận NATO, nơi Thổ Nhĩ Kỳ có thể tận dụng lợi thế thành viên để có thêm nhiều tiếng nói.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, phần quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh là cuộc gặp gỡ tứ tấu giữa Tổng thống Erdogan và các nhà lãnh đạo của Anh, Đức và Pháp.

Ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ở lại Syria vô thời hạn, vì vậy các đối tác châu Âu của ông muốn biết kế hoạch của Ankara là gì, bao gồm cả khung thời gian rút lui, dự định hình thành mối quan hệ với người Kurd Syria, cũng như chiến lược chống IS sắp tới.

Việc cuộc họp kết thúc sớm hơn dự định và không có cuộc họp báo nào là một dấu hiệu cho thấy nó không diễn ra tốt đẹp.

Cân bằng được bao lâu

Thổ Nhĩ Kỳ còn cân bằng được bao lâu sẽ còn phụ thuộc vào cuộc bầu cử Mỹ vào năm sau.

Triển vọng của Ankara về khả năng thu hái lợi ích đến từ mối quan hệ an ninh với NATO có vẻ không hề lạc quan. Tổng thống Erdogan có thể nhận được sự ủng hộ của ông Trump, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel – nhà lãnh đạo có tiếng nói của liên minh - thì lại không được nhiều, theo Al-Monitor.

Hơn nữa, bằng cách ngăn chặn kế hoạch phòng thủ của NATO để làm điều kiện nhận được sự ủng hộ của liên minh trong các chương trình nghị sự riêng, Ankara dường như đã làm mất lòng các thành viên Đông Âu và Baltic của NATO, những quốc gia ít khi chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ và trong một chừng mực nào đó thường ủng hộ Ankara trong liên minh. Vì vậy, chiến lược mới có thể sẽ làm tăng sự cô lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.

Hơn nữa, nhiều người trong liên minh tỏ ra lo lắng rằng chiến lược của Ankara có thể làm suy yếu sự gắn kết của NATO đối với một số vấn đề chính trị quan trọng như vấn đề người Kurd và một số vấn đề rủi ro cao như kích hoạt hệ thống S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ, điều càng củng cố sức mạnh của Nga trước NATO.

Có thể nói, chính vì Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phụ thuộc vào Nga đã khiến cho nước này rất coi trọng hội nghị thượng đỉnh NATO ở London. Bằng cách thể hiện mối quan hệ chiến lược của mình với khối an ninh phương Tây, Ankara hy vọng sẽ cân bằng Nga ở phía đông bắc và tây bắc của Syria, đặc biệt là Idlib.

Nhưng Tổng thống Erdogan dường như đã không nhận được tất cả những gì ông muốn từ hội nghị thượng đỉnh.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể duy trì hành động cân bằng trong bao lâu? Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.

Nếu như một nhà lãnh đạo mới cứng rắn hơn thay ông Trump lên nắm quyền, những ngày tháng vượt lằn ranh đỏ của Ankara dường như sẽ không còn.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cau-gio-voi-nato-cuu-s-400-tuan-trang-mat-giua-tho-nhi-ky-voi-nga-con-bao-lau-a458890.html