Câu hỏi của con trai 8 tuổi về rượu khiến người mẹ bất ngờ

Nhiều phụ huynh Hàn Quốc lo ngại các video về người nổi tiếng uống rượu bia không được kiểm soát trên Internet có thể khuyến khích trẻ vị thành niên học theo.

 Nhiều kênh YouTube ở Hàn Quốc làm video về chủ đề uống rượu. Ảnh: ilovechampd.

Nhiều kênh YouTube ở Hàn Quốc làm video về chủ đề uống rượu. Ảnh: ilovechampd.

Sau khi xem một clip trên YouTube của thành viên nhóm nhạc nữ nổi tiếng quảng cáo đồ uống có cồn, bé trai 8 tuổi hỏi mẹ những câu như: "Rượu có ngon không?", "Điều gì sẽ xảy ra nếu mẹ say?". Bà mẹ, một nhân viên văn phòng ở độ tuổi 40, đã sốc khi nghe câu hỏi của con.

"Khi tìm kiếm tên thành viên nhóm nhạc nữ đó trên YouTube, video soolbang của cô ấy sẽ xuất hiện ở ngay đầu danh sách kết quả", cô nói với Korea JoongAng Daily. Soolbang là video về các nhà sáng tạo nội dung quay cảnh uống đồ có cồn, thường với số lượng lớn.

"Trẻ em rất dễ tiếp xúc với đồ uống có cồn thông qua những video như vậy trên nền tảng này", bà mẹ nhận xét.

Các video soolbang và phỏng vấn trực tuyến có cảnh uống rượu đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. Thời gian gần đây, các thành viên nhóm nhạc thần tượng như Jisoo của BlackPink, An Yu-jin của IVE hay thành viên nhóm Seventeen đã xuất hiện trong những video dạng này, khi họ vừa uống rượu vừa trò chuyện trước camera. Những video này thu hút tới 15 triệu lượt xem tính đến ngày 7/5.

Ngày càng có nhiều người nổi tiếng xuất hiện trong các video liên quan đến rượu bia. Một phần nguyên nhân đến từ nhu cầu của người hâm mộ, họ thích thú trước khoảnh khắc hiếm hoi nghệ sĩ mình yêu thích vui vẻ với ly rượu trên tay.

Bất chấp sự phổ biến ngày càng tăng của các video liên quan đến rượu, việc quản lý và kiểm soát nội dung dạng này gần như là không thể vì các nền tảng như YouTube không được kiểm soát về mặt pháp lý. Bản thân YouTube cũng không có giới hạn nghiêm ngặt về độ tuổi xem nội dung liên quan đến uống rượu.

Các clip chủ đề uống rượu không giới hạn trẻ em ở Hàn Quốc.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã sửa đổi một nghị định thực thi vào tháng 6/2021 để cấm hiển thị quảng cáo rượu trên hoặc trong các phương tiện giao thông công cộng nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, quy định này không bao gồm các cảnh liên quan đến uống rượu trên mạng xã hội.

"Nội dung từ các kênh như truyền hình ít nhất có thể bị Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc xem xét. Còn các nền tảng như YouTube thì rất khó điều chỉnh vì không có hạn chế pháp lý nào", một quan chức của Viện Xúc tiến Y tế Hàn Quốc cho biết.

Bộ Y tế và Viện Nâng cao Sức khỏe Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi hướng dẫn về cảnh uống rượu trên các phương tiện truyền thông nhằm có thể yêu cầu các chủ kênh YouTube đặt giới hạn độ tuổi cho các video có cảnh uống rượu.

Nhiều nhà phê bình cho rằng việc thiếu các hạn chế pháp lý đối với những nền tảng này là vấn đề nghiêm trọng, nhất là khi xét đến việc ngày càng có nhiều học sinh chưa đủ tuổi đã uống rượu. Theo một cuộc khảo sát của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố hồi tháng 4, tỷ lệ uống rượu tuổi vị thành niên ở nước này đã tăng từ 10,7% vào năm 2021 lên 13% vào năm 2022.

Các chuyên gia cũng đổ lỗi cho quan điểm dễ dãi của xã hội Hàn Quốc về việc uống rượu.

“Quan điểm lỗi thời của giới truyền thông rằng rượu phải đi kèm với những cuộc trò chuyện sâu sắc nên biến mất", Seo Hong-gwan, người đứng đầu Trung tâm Ung thư Quốc gia Hàn Quốc, nói, cho rằng ảnh hưởng tiêu cực của rượu bia nên được nhấn mạnh như tác hại của thuốc lá.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-cua-con-trai-8-tuoi-ve-ruou-khien-nguoi-me-bat-ngo-post1429091.html