Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh HIV

Mặc dù hiện nay mọi người đã hiểu hơn về virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) qua truyền thông nhưng vẫn có nhiều câu hỏi về loại virus này. Dưới đây là những vấn đề thường gặp liên quan tới HIV và người nhiễm HIV/AIDS.

1. HIV và AIDS có giống nhau không?

HIV và AIDS không giống nhau. HIV là một loại virus, trong khi AIDS là một giai đoạn nhiễm trùng nặng. Cụ thể, HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus truyền nhiễm dần dần phá vỡ hệ thống miễn dịch của một người, khiến cơ thể ít có khả năng tự vệ trước virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Những bệnh nhiễm trùng này, được gọi là "bệnh cơ hội", có xu hướng nhẹ ở giai đoạn đầu và ngày càng trở nên nặng hơn khi chúng làm suy giảm hệ thống miễn dịch của người bệnh HIV.

AIDS còn gọi hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, là giai đoạn của bệnh HIV khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu do mất tế bào T CD4 (còn gọi là tế bào T trợ giúp). Đây là những tế bào bạch cầu giúp chống lại các mầm bệnh có hại trong cơ thể. Nếu không có những biện pháp phòng vệ này, cơ thể sẽ có nguy cơ cao mắc những căn bệnh nghiêm trọng mà một người khỏe mạnh có thể chống lại được.

AIDS được chẩn đoán khi một người có số lượng CD4 dưới 200 (nghĩa là dưới 200 tế bào trên mỗi mm máu) hoặc có ít nhất một trong 27 tình trạng xác định bệnh AIDS do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nêu ra, chẳng hạn như viêm phổi tái phát và một số bệnh u lympho.

2. Đông y hỗ trợ điều trị HIV/AIDS

Bệnh nhân HIV/AIDS cần chăm sóc nâng cao sức đề kháng. Ảnh minh họa.

Các triệu chứng của bệnh AIDS rất giống với dấu hiệu bị hư lao trong y học cổ truyền. Chứng hư lao trong Đông y là tình trạng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, làm suy nhược cơ thể do những nguyên nhân đặc hiệu. Áp dụng y học cổ truyền trong điều trị hỗ trợ nâng cao thể trạng cho bệnh nhân HIV/AIDS song song với việc dùng các thuốc kháng virus của y học hiện đại.

Căn cứ vào từng giai đoạn bệnh HIV/AIDS mà bác sĩ có bài thuốc tương ứng để hỗ trợ cơ thể. Các bài thuốc trong y học cổ truyền nhằm mục đích hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS nâng cao sức đề kháng của cơ thể; hạn chế, ngăn chặn sự xâm lấn của mầm bệnh. Thuốc giúp bệnh nhân làm chậm khả năng tàn phá cơ thể của HIV, ngăn chặn sự lan rộng của virus trong cơ thể, giúp kéo dài thời gian khỏe mạnh.

3. Cần làm gì khi phát hiện mắc HIV?

Khi đã được chẩn đoán mắc HIV, người bệnh cần tìm sự trợ giúp y tế ngay và tham khảo ý kiến chuyên gia về chế độ sinh hoạt cũng như tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc theo đúng phác đồ. Việc điều trị HIV sớm (bắt đầu khi số lượng CD4 trên 500) giúp giảm 53% nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng so với điều trị muộn do đó nên bắt đầu điều trị HIV ngay tại thời điểm chẩn đoán.

Khi đã được chẩn đoán mắc HIV, người bệnh cần tìm sự trợ giúp y tế ngay. Ảnh minh họa.

Nhiễm HIV sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thay đổi cảm xúc, buồn chán, người bệnh cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Hãy nghỉ ngơi bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi.

Người bệnh cố gắng không lo lắng quá nhiều vì căng thẳng có thể gây hại cho hệ thống miễn dịch. Chủ động giữ thái độ tích cực, thư giãn nhiều hơn. Thư giãn với những người yêu thương, gia đình, con cái, bạn bè, dành thời gian làm những việc yêu thích, ví dụ: nghe nhạc hoặc đọc sách báo hay tham gia hoạt động thiện nguyện cộng đồng hoặc đến nơi yêu thích.

Để tăng sức đề kháng, nên thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng. Chọn một hình thức tập thể dục phù hợp và thực hành đều đặn.

Người bệnh HIV nên từ bỏ thuốc lá, rượu. Thuốc lá làm tổn thương phổi và nhiều bộ phận khác của cơ thể, đồng thời khiến nhiễm trùng cơ hội dễ dàng tấn công cơ thể hơn. Rượu có hại cho cơ thể, đặc biệt là gan. Rượu làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, phá hủy các vitamin trong cơ thể.

Tránh dùng những loại thuốc không cần thiết. Chúng thường có tác dụng phụ không mong muốn và có thể ảnh hưởng đến thực phẩm, dinh dưỡng. Nếu cần phải dùng thuốc, hãy đọc kỹ hướng dẫn, tốt nhất là dùng thuốc dưới sự tư vấn, giám sát của nhân viên y tế.

4. Cách chăm sóc bệnh nhân HIV tại nhà

Chăm sóc một người nhiễm HIV/AIDS không phải là điều dễ dàng và bất cứ ai chăm sóc, chuẩn bị, nấu thức ăn và phục vụ người nhiễm HIV/AIDS đều cần được hỗ trợ. Nhiệm vụ này liên quan đến việc đáp ứng nhu cầu của người bệnh, cân bằng những nhu cầu này với nhu cầu của các thành viên khác trong gia đình. Chăm sóc người bệnh HIV cần đảm bảo rằng người đó được ăn uống đầy đủ, có đủ sức chống lại nhiễm trùng.

Chế độ dinh dưỡng cho người HIV cần thêm khoảng 10 - 50% nhu cầu năng lượng so với người bình thường. Tuy nhiên, tùy vào mức độ, giai đoạn của bệnh; lứa tuổi nhiễm bệnh để thiết lập dinh dưỡng HIV cho người nhiễm bệnh. Chế độ dinh dưỡng của người có HIV cần cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm sinh năng lượng, cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.

Nên ăn nhiều trái cây, rau củ.
Sử dụng protein nạc.
Chọn ngũ cốc nguyên hạt.
Hạn chế đường, muối.
Sử dụng chất béo ở mức độ vừa phải.

5. Nhiễm HIV có chữa khỏi không?

HIV là một bệnh mạn tính có thể kiểm soát tốt. Liệu pháp kháng virus hoạt tính cao giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người nhiễm HIV nhưng việc điều trị phải được tiếp tục suốt đời.

Điều trị HIV làm giảm lượng HIV trong cơ thể giúp người bệnh khỏe mạnh. Hầu hết mọi người có thể kiểm soát được virus trong vòng 6 tháng. Các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus thành công hiện có thể ngăn chặn sự tiến triển của HIV, giảm lượng virus của người bệnh xuống mức không thể phát hiện được.

Điều trị HIV không ngăn ngừa lây truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Với việc điều trị và kiểm soát nhiễm HIV hiệu quả, người nhiễm HIV có thể sống lâu hơn và gặp ít biến chứng liên quan đến AIDS hơn.

Các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus hiện cho phép người bệnh ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và sống cuộc sống bình thường. Việc có tải lượng virus ở mức không thể phát hiện không chỉ giúp cải thiện sức khỏe người bệnh mà còn loại bỏ nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Vào tháng 7/2023, Hội nghị Khoa học HIV của Hiệp hội AIDS Quốc tế (IAS 2023) công bố đã có một số bệnh nhân được chữa khỏi HIV thông qua cấy ghép tế bào gốc nhưng phương pháp này hiện chưa được sử dụng đại trà để điều trị cho người nhiễm HIV nói chung.

6. Lưu ý với người béo phì, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính... khi nhiễm HIV

Người béo phì mắc HIV:

Béo phì là tình trạng tương đối phổ biến, ảnh hưởng đến 2/5 phụ nữ nhiễm HIV và 1/5 nam giới nhiễm HIV. Đối với những người béo phì nhiễm HIV, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bệnh lý kèm theo có thể còn lớn hơn so với dân số nói chung. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người béo phì mắc bệnh tim mạch cao gần gấp đôi, ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ truyền thống khác. Do đó, điều quan trọng là phải ngăn ngừa và điều trị béo phì vì có sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh đi kèm và tử vong ở những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30. Đối với những người nhiễm HIV đang được chăm sóc và nhiễm trùng được kiểm soát tốt, cần có một chiến lược bổ sung để giải quyết các yếu tố nguy cơ như béo phì.

Bệnh nhân HIV mắc đái tháo đường:

Những người nhiễm HIV dễ mắc bệnh đái tháo đường và các vấn đề về chuyển hóa. Việc quản lý hiệu quả bệnh đái tháo đường ở bệnh nhân nhiễm HIV đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về sinh lý bệnh và dược lý học. Sự lựa chọn nên dựa trên cơ chế bệnh sinh của bệnh.

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường từ trước nên được tư vấn về khả năng suy giảm chức năng trao đổi chất, khả năng tương tác thuốc điều trị HIV và thuốc trị đái tháo đường. Những bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường khi bắt đầu điều trị hoặc muộn hơn có thể được hưởng lợi từ insulin. Insulin là phương pháp an toàn, hiệu quả để điều trị cho tất cả những bệnh nhân này.

Bệnh nhân HIV/AIDS dễ mắc bệnh đái tháo đường và các vấn đề về chuyển hóa. Ảnh minh họa.

Một số yếu tố trao đổi chất liên quan đến HIV và liệu pháp điều trị HIV có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường tự miễn gần đây đã được báo cáo là phát triển ở một số bệnh nhân nhiễm HIV sau khi hệ miễn dịch được phục hồi trong quá trình điều trị HAART (liệu pháp kháng virus có hoạt tính cao). Bệnh nhân nhiễm HIV nên được sàng lọc bệnh đái tháo đường khi chẩn đoán, khi bắt đầu điều trị HAART và từ 3-6 tháng sau HAART.

Mang thai và nhiễm HIV:

Tất cả những người mang thai nhiễm HIV nên bắt đầu dùng thuốc điều trị HIV càng sớm càng tốt trong thai kỳ. Trong hầu hết các trường hợp, những người đã áp dụng phác đồ điều trị HIV hiệu quả khi mang thai nên tiếp tục sử dụng phác đồ tương tự trong suốt thai kỳ. Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu cũng có thể ngăn ngừa người mang thai nhiễm HIV truyền virus sang con.

Việc điều trị trước, trong khi mang thai thường có thể ngăn ngừa nhiễm trùng ở em bé. Nếu bà mẹ dùng thuốc điều trị HIV trong suốt quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh nở, đồng thời đứa trẻ được uống thuốc điều trị HIV trong 4-6 tuần sau khi sinh, nguy cơ truyền HIV từ mẹ sang con có thể là 1% hoặc ít hơn.

7. Chi phí khám chữa bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam

Ước tính trung bình tổng chi phí cho người nhiễm HIV điều trị phác đồ bậc 1 là 5 triệu đồng mỗi năm và phác đồ bậc 2 là 18 triệu đồng mỗi năm.

Từ năm 2019, thuốc ARV (thuốc kháng virus, giúp ức chế sự nhân lên của virus, duy trì nồng độ virus trong máu ở mức thấp nhất có thể) được quỹ BHYT thanh toán cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Người nhiễm HIV không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí cho việc khám, chữa bệnh này.

Theo các quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được cơ quan bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã về hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%... Người nhiễm HIV chỉ phải chi trả nhiều nhất là 20% tiền chữa bệnh, bao gồm các dịch vụ y tế như: khám bệnh, làm xét nghiệm phục vụ quá trình điều trị, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội...

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-benh-hiv-aids-169240321213800719.htm