Cầu Khum – cây cầu đặc biệt của người dân làng Yên

'Khom khom lưng tôm/Lồm nhồm những vảy/Nước chảy tuôn qua/Nuốt người vào lại nhả người ra' là những câu thơ đặc tả hết vẻ đẹp đặc trưng của cây cầu Khum mà người dân làng Yên truyền tai nhau kể cho du khách lần đầu tới thăm.

Cầu Khum nằm ở phía Đông của làng Yên (xã Thạch Xá, Thạch Thất, TP. Hà Nội) tiếp giáp với trục đường giao thông liên xã Thạch Xá - Hữu Bằng. Xưa cầu bắc qua một ngòi nước chảy từ Hương Ngải, Canh Nậu, Đồng Bùi ra sông Tích, nước chảy ào ạt quanh năm. Nay người dân đã nắn dòng chảy để làm thành hồ thả cá lớn, cây cầu cũng ít người qua lại hơn.

Cầu Khum nằm ở phía Đông của làng Yên (xã Thạch Xá, Thạch Thất, TP. Hà Nội) tiếp giáp với trục đường giao thông liên xã Thạch Xá - Hữu Bằng. Xưa cầu bắc qua một ngòi nước chảy từ Hương Ngải, Canh Nậu, Đồng Bùi ra sông Tích, nước chảy ào ạt quanh năm. Nay người dân đã nắn dòng chảy để làm thành hồ thả cá lớn, cây cầu cũng ít người qua lại hơn.

Mặc dù, cây cầu đã không còn sử dụng để đi lại như xưa, nhưng đây là địa điểm tâm linh của người dân quanh vùng nói riêng và khắp Hà Nội nói chung.

Cầu có thiết kế dạng “thượng gia, hạ kiều”, tức trên là nhà, dưới là cầu. Cũng vì thế mà người dân trong làng đặt cho cây cầu này cái tên là cầu Khum, nhìn xa xa tựa như chiếc thuyền nan úp ngược.

Khi nói về tuổi thọ của cây cầu, các bô lão trong làng đều lắc đầu không rõ, bởi từ sinh ra đã có cây cầu này. Chỉ biết rằng sinh năm 1935 cầu bị hư hỏng nặng và được nhân dân trong làng làm lại như ngày nay.

Ông Đỗ Đức Long (70 tuổi, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) thành viên Ban quản lý di tích đình, đền làng Yên chia sẻ: “Cầu có nét đặc trưng đó là trên là nhà, dưới là cầu để dòng nước chảy qua, nên gọi là thượng gia, hạ kiều. Cầu được tạo hình như chiếc thuyền nan úp, nên có câu thơ là: Khom khom lưng tôm/Lồm nhồm những vảy/Nước chảy tuôn qua/Nuốt người vào lại nhả người ra. Giờ đây, địa chỉ này trở thành địa điểm tâm linh, người dân thường xuyên tới để làm lễ cầu sức khỏe, tài lộc”.

Ngày xưa, cầu Khum chính là lối đi lại chính của người dân trong làng. Tất cả các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đều đi qua lối này. Về sau, đời sống người dân phát triển hơn, bắt đầu có xe cộ đi lại, cảm thấy con đường không còn phù hợp nữa, họ mới bắt đầu làm đường ngoài.

Phần trên mặt cầu được xây dựng giống như kiến trúc một ngôi nhà. Gian giữa được quy hoạch thành ban thờ có bộ cửa bức bàn 6 cánh, hai gian bên để trống làm sạp gỗ có thể làm chỗ nghỉ ngơi.

Nhà Thượng Gia được làm bằng gỗ tứ thiết, có 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân. Các vì liên kết bằng kèo suốt, có đà nối 2 ngọn kèo, xà nách nối cột cái với cột con. Hai bên sườn gian giữa bịt kín làm ban thờ Quan Thần Linh, hai gian biên để trống làm sạp gỗ.

Kiến trúc bên trong đền đều được làm bằng gỗ, lợp ngói từ thời xưa, phần Thượng gia dài trên 12m, chia làm 5 gian.

Bên trong đền còn có chỗ cho người dân trong làng và người trông coi đền ngồi nghỉ chân.

Cây cầu bắc qua ngòi nước chảy dẫn vào đền Đỗng Hoa, vừa là cầu, vừa là nơi thờ tự của người dân làng Yên.

Mái ngói lợp vẩy cá của cầu Khum.

Toàn bộ phần tường xây bằng đá ong cổ kính. Theo người dân nơi đây, cây cầu được sửa chữa năm Ất Hợi 1935, trong đó phần hạ kiều được làm lại hoàn toàn. Năm 1948, giặc Pháp càn quét qua, đốt cầu, dân làng đến dập lửa cứu chữa, các vết cháy xám đen còn lại đến nay.

Hàng ngày, nhất là ngày rằm, mùng một, bà con quanh vùng đến thắp hương cầu khấn những điều may mắn./.

Nguyễn Hà/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cau-khum-cay-cau-dac-biet-cua-nguoi-dan-lang-yen-851214.vov