Câu lạc bộ chèo Tàu

(PL&XH) - Một thời ở huyện Đan Phượng, Chèo Tàu được tôn vinh như vốn văn hóa dân gian độc đáo của địa phương. Còn nay sự tồn tại của chèo Tàu ra sao?

Đó là điều băn khoăn, trăn trở mà chúng tôi tìm đến bà Ngô Thị Thu, Chủ nhiệm CLB chèo Tàu của địa phương để cùng trao đổi. Chị nói:

- Tôi yêu và gắn bó với chèo Tàu từ những nghệ nhân già trong làng xã là cụ Tiến Thị Lục, Kim Thị Hoa. Mỗi ngày biết thêm được các nghi lễ, các làn điệu. Từ đó chèo Tàu tạo nên niềm vui xen lẫn tự hào về làng mình, về văn hóa bình dân nhưng tính nghệ thuật rất cao thông qua các làn điệu và lễ hội. Ấn tượng nhất là vào năm 1998, và gần đây là dịp kỷ niệm 1000 Thăng Long. Chèo Tàu, còn được gọi là Chèo Tượng của Tổng Gôi nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Theo tôi biết, có lẽ là nơi duy nhất có chèo Tàu, niềm tự hào của địa phương, nhằm tôn vinh Thành hoàng làng Văn Dĩ Thành, một tướng quân thời Hậu Trần có công dẹp giặc cứu nước. Chèo Tàu, như các cụ truyền lại: Tứ dân vui vẻ chan hòa/ 25 năm lại mở hội ta Chèo Tàu. Nghĩa là 25 năm mới tổ chức một lần. Không hiểu có phải vì lễ hội cách xa nhau quá nên việc gìn giữ vốn văn hóa cổ chèo Tàu cũng gặp khó khăn. Các nghệ nhân già có công gìn giữ hồn chèo Tàu đã lần lượt về với tổ tiên.

Chị Ngô Thị Thu cho biết, dân làng, cả lớp trẻ rất gắn bó, yêu thích chèo Tàu. Một thể hiện rõ rệt là trường học trong xã có dạy một số làn điệu chèo Tàu. CLB Chèo Tàu được thành lập, nhiều em bé chỉ mới 12, 13 tuổi đã lập tức đăng ký tham gia. Đến nay CLB đã có trên 50 thành viên. Khóa học giới thiệu các nghi lễ Khởi lễ, Dâng rượu, Chúc vua, Lễ trình… các làn điệu chèo Tàu khá phong phú nhưng CLB tập trung vào 3 phần chính là Thánh ca, Trạo ca và Bỏ bộ, nghĩa là hát trình, hát trên tàu và hát giao duyên. Các em gái rất khao khát được biểu diễn. Nhớ lại Đại lễ Thăng Long cách đây mấy năm, nhiều người trong làng còn choáng ngợp trước vẻ hoành tráng của nghi lễ, sắc phục, thuyền chiến, voi trận. Bốn làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Ký, Phan Long hợp sức làm thuyền rồng dài 5m, hai voi trận cao 2,5m, vòi voi dài 3m trong một không gian rộng. Khoảng 200 người sắc phục vàng tươi trình diễn. Theo nhịp điệu chèo thuyền cùng những làn điệu lúc tôn nghiêm nghi lễ, lúc khoan hòa thư thái như hiện lên trước mắt phấp phới cờ trận, tiếng reo hò, voi đi, ngựa hý, sóng vỗ mạn tàu.

- Dù cuộc sống ngày nay có nhiều đổi thay, song truyền thống văn hóa của làng vẫn phải được tôn vinh, gìn giữ. Chèo Tàu không chỉ là một hình thức diễn xướng nghệ thuật mà còn là sự nhắc nhở lịch sử, tự hào về người con ưu tú của Tổng Gôi - Tân Hội. Trẻ già truyền lại cho nhau những giá trị, bản sắc văn hóa làng. Đó là niềm động viên, khích lệ lớn nhất, cho tôi một hy vọng: Chèo Tàu gắn bó bền vững với quê hương Tổng Gôi - Tân Hội chúng tôi - chị Thu chia sẻ.

Nguyên Phước

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20131026104522869p1043c1055/cau-lac-bo-cheo-tau.htm