Câu lạc bộ 'Thủ lĩnh của sự thay đổi'

Như thường lệ, buổi ra chơi hôm nay, Hạng Thị Tuyết Mây, lớp 8A1, Trường PTDT bán trú THCS Tả Giàng Phình (thị xã Sa Pa) lại đại diện cho 30 thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường đọc nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới… trên loa truyền thanh của trường. Mỗi bài tuyên truyền được Mây thể hiện bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Kinh và tiếng Mông. Mây tâm sự: "Em rất vinh dự khi được tham gia Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi. Em sẽ cố gắng cùng các thành viên khác tích cực tuyên truyền cho người thân và bạn bè chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, đặc biệt là chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Gần đây, các thành viên câu lạc bộ phối hợp với giáo viên nhà trường tới tận nhà vận động 1 bạn học sinh lớp 9 có nguy cơ tảo hôn. Nhờ can thiệp kịp thời, bạn ấy đã đi học trở lại".

Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Nam, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Tả Giàng Phình cho biết: Trường có gần 100% học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông. Tình trạng tảo hôn ở đây còn khá phức tạp. Riêng thời điểm sau tết Nguyên đán vừa qua, nhà trường đã có 3 trường hợp nghỉ học và có ý định tảo hôn. Năm học 2021 - 2022, trường đã thành lập Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” hy vọng mang đến cho các em những cơ hội để mở mang kiến thức, thay đổi bản thân và gia đình, cộng đồng. 30 thành viên của câu lạc bộ có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền từng bước giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Tại Trường PTDT bán trú THCS Lùng Phình (huyện Bắc Hà), Thầy giáo Phạm Hữu Trượng, Tổng phụ trách Đội cho biết: Nhà trường có gần 300 học sinh, phần lớn là người dân tộc Mông và Phù Lá. Tháng 11/2022, trường được lựa chọn là đơn vị đầu tiên của tỉnh Lào Cai triển khai thí điểm Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Sau khi phát động đã có 30 học sinh khối lớp 6 đến lớp 9 viết đơn tình nguyện tham gia (17 học sinh nữ, 13 học sinh nam). Mặc dù mới thành lập nhưng câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Tham gia câu lạc bộ, các em được học các kỹ năng để thay đổi và hoàn thiện bản thân mình, từ đó mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, phát huy tính sáng tạo trong các hoạt động tập thể. Các thành viên câu lạc bộ còn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nắm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh và là những tuyên truyền viên đắc lực của nhà trường.

Tham gia một buổi sinh hoạt do câu lạc bộ tổ chức, được cung cấp tài liệu, nghe giáo viên phụ trách trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc, em Vàng Thị Mây, lớp 8B, Trường PTDT bán trú THCS Lùng Phình bộc bạch: "Qua buổi sinh hoạt, em nhận thấy tảo hôn là hủ tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là trẻ em gái, cần xóa bỏ. Những thông tin được trao đổi giúp chúng em có thêm kiến thức, hiểu rõ hơn về những hệ lụy, mặt trái do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra. Em sẽ tích cực tuyên truyền tới bạn bè, em nhỏ ở địa phương chính sách, pháp luật về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình".

“So với lứa tuổi THCS, những vấn đề về bình đẳng giới, giải quyết vấn đề cấp thiết đối với trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nếu nói suông sẽ rất khó hiểu và tiếp nhận. Do đó, Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi của Trường PTDT bán trú THCS Lùng Phình đã tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao phù hợp với lứa tuổi hoặc các tiểu phẩm lấy chất liệu từ cuộc sống của các em để tăng hiệu quả sinh hoạt” - thầy Trượng cho biết thêm.

Tại lễ ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường PTDT bán trú THCS xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Mô hình được thành lập nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua hoạt động của mô hình sẽ hỗ trợ chính quyền và các ban, ngành, địa phương, nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ; trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp trẻ tự bảo vệ mình và thúc đẩy sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của trẻ vào các vấn đề liên quan đến trẻ tại địa phương.

Mô hình này còn là sân chơi, diễn đàn bổ ích dành cho trẻ. Tham gia câu lạc bộ giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống. Trong đó, tập trung chia sẻ thông tin, kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một trong những mô hình điểm của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Lào Cai, câu lạc bộ đã được triển khai tại nhiều trường cấp THCS của các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn… Mỗi câu lạc bộ có sự tham gia của 25 học sinh và 5 dẫn trình viên là đại diện nhà trường, các ngành liên quan trên địa bàn xã như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ phụ trách công tác trẻ em.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365560-cau-lac-bo-thu-linh-cua-su-thay-doi