Cầu Long Biên hay là nơi họp chợ?!

Những người bán hàng rong không biết từ đâu đến, đã vô tư trải chiếu, bày hàng quán bán ngay trên phần dành cho người đi xe máy và xe đạp, đi bộ hai bên cầu Long Biên, gây ra cảnh nhốn nháo, mất an toàn giao thông và an ninh trật tự.

Một quán ngô nướng được chuẩn bị từ lúc 17h chiều trên đầu cầu Long Biên, địa phận quận Hoàn Kiếm.

Cầu Long Biên do người Pháp xây dựng từ năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Cầu dài 2.290m bắc qua sông và 896m đường dẫn cầu, gồm 19 nhịp dầm đặt trên 20 trụ cao hơn 40m, hệ thống đường dẫn được xây bằng đá. Mặt cầu có tuyến đường sắt đơn ở giữa, hai bên dành cho xe cơ giới và người đi bộ, mỗi bên đường rộng 2,6m và có 0,4m dành cho người đi bộ.

Trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng vẫn sừng sững trường tồn, cầu Long Biên hàng trăm năm tuổi được ví như “nhân chứng lịch sử” quan trọng của Việt Nam. Nhờ vậy, hiện cây cầu đã trở thành điểm tham quan du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên hiện nay vào các buổi tối, hai bên hành lang dành cho người đi bộ ngắm cảnh sông Hồng và ngắm cây cầu đã bị người dân lấn chiếm bán hàng rong gây mất mỹ quan và mất an toàn giao thông.

Tại một quán nước của người phụ nữ tên Khánh, gần phía đầu cầu địa phận quận Long Biên sang trung tâm Hà Nội, chúng tôi thấy, chủ quán có khoảng 20 chiếu đơn dành cho 2 người, một sạp đồ hàng mi ni với đủ thứ nước ngọt, trà đá, bánh kẹo, xoài, ổi, ngô nướng, đồ ăn vặt… Gần đó, vài đôi nam nữ thanh niên đã thuê chiếu ngồi tâm sự, thậm chí có những hành động thân mật quá đà ở nơi công cộng.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Khánh cho biết: Ở trên cầu mỗi người đều có một khu vực làm ăn riêng (tức một khoảng dài nhất định trên cầu), không ai xâm phạm vào "lãnh địa" của ai, và cũng không mấy khi có lực lượng chức năng can thiệp. Người qua lại đỗ xe, nếu không có ý định ngồi uống nước mua hàng sẽ bị đuổi đi ngay cho khách vào… Nói chuyện đến đây, người phụ nữ bắt đầu tỏ ra ngờ vực trước thái độ tò mò của người lạ và yêu cầu chúng tôi đi chỗ khác.

Những chiếc ghế "xí" chỗ làm ăn trên cầu. gây mất an toàn cho người và phương tiện qua lại trên cầu Long Biên.

Ngoài ra, theo một số người phản ánh trên mạng xã hội, họ từng bị "chặt chém" trên cầu Long Biên. Theo đó, "nạn nhân" của những trò "chặt chém" mạnh tay chủ yếu là các học sinh, sinh viên, người ngoài tỉnh từ xa tới không có kinh nghiệm. Chỉ đơn giản uống vài cốc trà, ăn mấy miếng củ đậu, cóc, xoài..., họ có thể trở thành miếng mồi béo bở cho những người chiếm dụng mặt cầu bán hàng và "chém" với giá trên trời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một đĩa hoa quả nhỏ sơ sài vài miếng cóc, củ đậu, xoài xanh giá từ 70.000 - 100.000 đồng; 30.000 - 50.000 đồng 1 cốc nước (trà, nước sấu...); 25.000 - 30.000 đồng 1 bắp ngô nướng và đặc biệt khách hàng ngồi lên chiếu phải trả thêm tiền chiếu được tính theo phút, từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng phút. Giá cả này sẽ dao động và được chủ quán cân đối dựa trên cơ sở khách lạ, quen, người thành phố hay tỉnh lẻ. Với các trường hợp khách hàng phản ứng sự vô lí giá cả, lập tức sẽ xuất hiện vài dân “anh chị” xăm trổ bặm trợn ra nhắc nhở!

Hình thức kinh doanh nhốn nháo, chộp giật này còn gây ra tình trạng mất an ninh trật tự. Đây là nơi lý tưởng cho các thành phần "bất hảo" tụ tập gây mất an toàn, an ninh cho toàn bộ quãng đường qua lại cầu.

Được biết tình trạng này diễn ra đã nhiều năm, đã có biết bao người phải "ngậm đắng nuốt cay" khi uống những cốc nước vài chục nghìn đồng, ăn những miếng hoa quả đắt như “cắt cổ”. Sự nhếch nhác, nhốn nháo, phản cảm này sẽ còn kéo dài đến bao giờ là thắc mắc của nhiều người qua lại được chúng tôi phỏng vấn!

Trước thực trạng trên, đề nghị cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi bán hàng nhốn nháo trên cầu Long Biên để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, trả lại vẻ đẹp vốn có cho cây cầu “nhân chứng lịch sử” quan trọng của Thủ đô, nơi thu hút du khách trong và ngoài nước./.

Bài, ảnh: Tuấn Nam

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/cau-long-bien-hay-la-noi-hop-cho-503155.html