Cầu ngoại tệ tăng, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động USD

Nhu cầu vay vốn ngoại tệ đang tăng cao trong khi mức độ huy động vốn lại giảm nhẹ, điều này đã khiến nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động USD.

Ảnh minh họa: internet CôngThương - Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, huy động vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn quy ra tiền Việt Nam trong tháng 8 ước đạt 167.100 tỷ đồng, giảm 4% so với tháng tháng trước. Trong khi đó, dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ trong tháng 8 ước đạt khoảng 175.400 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM là 28,5%, cao so với tăng trưởng huy động ngoại tệ. Như vậy lượng cho vay bằng ngoại tệ đã vượt vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì do khối ngân hàng nước ngoài có lượng vốn cho vay ngoại tệ vượt huy động ngoại tệ, cụ thể là vượt 48,6%. Tại Hà Nội, con số của Cục Thống kê thành phố cho thấy: tính đến cuối tháng 8/2010, tổng nguồn vốn huy động cả ngoại tệ và VNĐ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 708.823 tỷ đồng, tăng 1,21% so với tháng trước và tăng 21,06% so với cuối năm 2009. Như vậy, nếu so với con số tương ứng của tháng 7, tăng tới 4,74% và 25,74%, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng giảm trong tháng 8 trong khi đó tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 8 ước đạt 444.833 tỷ đồng, tăng 1,32% so tháng trước và tăng 18,02% so với cuối năm 2009. Theo NHNN: doanh số giao dịch USD trên thị trường liên ngân hàng tuần từ 20-26/8/2010 có xu hướng tăng nhẹ so với tuần trước đó, đạt trung bình 393 triệu USD/ngày; doanh số giao dịch qua đêm là 1.134 triệu USD, chiếm 58% tổng doanh số giao dịch cả tuần, cao hơn rất nhiều so với con số 37% của VNĐ. Nhu cầu vốn cho những tháng cuối năm, nhất là vốn ngoại tệ đã khiến lãi suất tiền gửi USD trên thị trường đang tăng. Đơn cử như ACB tăng lãi suất huy động USD ở các kỳ hạn 1 – 9 tháng từ 0,15 – 0,2%/năm, dao động từ 3,6 – 4,4 %/năm, SeABank, ABBANK… cũng đã tăng lãi suất huy động USD cao nhất bằng hoặc trên 5%/năm. Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận định: các ngân hàng đẩy lãi suất huy động USD lên cao vì e ngại người dân rút USD khi tỷ giá được thay đổi khiến giá USD trên thị trường tăng. Thùy Linh Ảnh minh họa: internet

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/tai-chinh-chung-khoan/cau-ngoai-te-tang-nhieu-ngan-hang-tang-lai-suat-huy-dong-usd/32/0/37693.star