Cầu nối gắn kết cộng đồng của đồng bào Thái

Ở bản Bút, nơi có 105 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống tại xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, lâu nay bà con vẫn lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Khi địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, bà con nơi đây càng có ý thức hơn trong việc lưu giữ nghề truyền thống. Và một trong những nghề truyền thống được đồng bào Thái gìn giữ là nghề làm rượu cần, để tiếng thơm bay khắp muôn nơi.

Bản Bút với khí hậu trong lành, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều tiềm năng để trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai. Ảnh: Thủy Lê

Nồng say tình người miền sơn cước

Bản Bút cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 150km, nằm trong vùng thung lũng rộng lớn, bao quanh là hơn 1.000ha rừng nguyên sinh, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Những năm gần đây, bản Bút đẩy mạnh phát triển kinh tế nhờ du lịch cộng đồng, phần nào làm đổi thay cuộc sống của đồng bào Thái. Người dân bản Bút phát triển du lịch cộng đồng nhờ sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng biệt. Và một trong những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Thái chính là rượu cần truyền thống. Còn gì tuyệt vời hơn khi du khách được trải nghiệm trên những nếp nhà sàn truyền thống với nét kiến trúc đặc trưng, thưởng thức món ăn đặc sắc và uống rượu cần say nồng tình người miền sơn cước.

Đối với người dân địa phương, thứ đồ uống này luôn chiếm vị trí quan trọng, gắn liền với chu trình sinh trưởng của cây trồng, mùa vụ, với vòng đời mỗi con người và các lễ thức. Chính vì vậy, nghề làm rượu cần ở xã Nam Xuân được xem là đã có từ lâu đời, nhà nào ít cũng có 3 - 5 bình rượu. Bản Bút là nơi có nhiều người còn giữ nghề làm rượu cần, với khoảng hơn 20 hộ dân. Sản phẩm rượu cần bà con làm ra không chỉ phục vụ gia đình, mà còn bán ra thị trường, phục vụ khách du lịch.

Những người cao niên ở bản Bút chia sẻ, rượu cần luôn chiếm một vị trí quan trọng và gắn bó mật thiết trong cuộc sống thường ngày của đồng bào Thái. Mọi người ở đây cũng không biết rượu cần có từ bao giờ, chỉ biết rằng đám cưới mà không có vò rượu cần thì cô dâu chưa thể bước chân về nhà chồng, ngày Tết mà không có vò rượu cần thì chưa nên xuân, cuộc vui mà không có men rượu cần thì không còn trọn vẹn. Rượu cần không chỉ là đồ uống bình thường, mà đã được nâng lên thành “văn hóa rượu cần”, gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng làng xã, xích lại gần nhau trong niềm vui lan tỏa.

Khi được thưởng thức hương vị rượu cần, nhiều du khách khao khát được tìm hiểu về nguồn gốc và bí quyết làm ra nó. Bởi đó không chỉ là một thức uống ngon, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Bà con nơi đây vẫn tự hào bảo rằng, để làm được món rượu truyền thống này không phải dễ. Từ cách chọn lựa nguyên liệu làm men cho đến công đoạn ủ, chưng cất rượu, tất cả được làm bằng niềm đam mê, sự kiên trì, gửi trọn cái tâm, cái tình của mình mới có thể tạo ra hương vị đặc trưng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng.

“Bậc thầy” của nghề truyền thống

Ở bản Bút, bà Lương Thị Nhã, 73 tuổi, được coi là người có thâm niên trong nghề làm rượu cần truyền thống. Bà Nhã gắn bó với nghề làm rượu cần là bởi đam mê và tình yêu của người con bản Bút đối với văn hóa truyền thống dân tộc mình, chứ không đơn thuần chỉ vì kế sinh nhai. Năm 15 tuổi, bà Nhã đã học nghề làm rượu cần từ người mẹ của mình. Những thứ lá như: gừng, trầu không, ớt, riềng, quế, nhân trần, hương nhu đỏ... rồi đến các kỹ thuật cơ bản để làm men truyền thống, bà đều nắm vững.

Bà Nhã chia sẻ: “Do khí hậu ở bản Bút quanh năm mát mẻ, cây cối tốt tươi, bà con thường tận dụng những nguyên liệu sẵn có để tạo ra hương vị đặc trưng riêng của rượu cần nơi đây. Làm ra một bình rượu cần ngon, các công đoạn đều phải thực hiện tỉ mỉ, công phu. Sau khi tạo được loại men chất lượng, giã thành bột, rắc đều lên các nguyên liệu dùng để ủ rượu như sắn, cơm nếp, sau đó cho vào bình ủ, đậy kín miệng. Sau 1 tháng có thể dùng được”.

Men rượu cần nồng say của đồng bào Thái là lời mời gọi hấp dẫn đối với du khách đến với bản Bút. Ảnh: Thủy Lê

Gia đình bà Nhã duy trì nghề làm rượu cần đã nhiều năm nay. Ban đầu, bà chỉ nấu rượu cần cho những người trong gia đình. Trong lễ cúng lúa mới, hàng xóm đến uống rượu cần của bà thấy ngon nên mỗi khi muốn đãi khách hay trong những dịp lễ, tết, họ thường đến nhà bà đặt rượu. Từ đó, bà làm rượu cần số lượng nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng. Đặc biệt, từ khi bản Bút được công nhận là bản du lịch cộng đồng, tiếng thơm từ vò rượu cần của bà Nhã lan tỏa khắp gần xa, được nhiều du khách mến phục. Trong nhà bà luôn có khoảng 30 - 40 bình rượu thể tích khác nhau, cung cấp cho các khu lưu trú, bán hoặc phục vụ các nhà hàng trong và ngoài huyện. Trung bình mỗi tháng gia đình bán được trên dưới 10 bình rượu cần.

Bà Nhã cho biết, để làm được một chum rượu cần ngon, việc đầu tiên là phải lên rừng tìm nguyên liệu về làm men ủ rượu. Sau khi có được loại men đạt chất lượng, những cục men khô được giã thành bột, rắc đều vào các nguyên liệu dùng để ủ rượu như sắn gạc nai, gạo nếp... đã được nấu chín, sau đó, cho vào bình để ủ, đậy kín miệng. Khoảng 1 tháng sau là có thể uống được. Rượu cần được ủ trong những vò sành hay ché. Vò và ché là những tài sản rất quý giá của người Thái. Rượu ủ càng lâu thì hương vị càng ngon. Khi uống rượu, chỉ việc múc nước suối đổ vào đầy vò, cắm những chiếc cần trúc vào, rồi hút. Rượu cần là thức uống cao cấp, thường chỉ được dùng khi tiếp đãi khách quý hoặc các lễ tiệc quan trọng. Rượu cần có vị ngọt ngọt chua chua nhưng uống nhiều sẽ say. Khách đến nhà bao giờ cũng được chủ nhân mời uống rượu cần.

Gần đây, trước nguy cơ nghề truyền thống bị lãng quên, chính quyền xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa đã vận động, tuyên truyền người dân bản Bút giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, trong đó, rượu cần được chọn là một trong những sản phẩm ẩm thực cần được bảo tồn.

Chị Lường Thị Mai, một hộ gia đình làm homestay ở bản Bút chia sẻ: “Trước đây, người dân bản Bút làm rượu cần chỉ là công việc phụ lúc nông nhàn và chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, làng bản mỗi dịp lễ, Tết, hội hè. Nhưng hiện nay, rượu cần đã trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng, mời gọi du khách đến với bản Bút. Chúng tôi mong rằng, nghề làm rượu cần truyền thống sẽ ngày càng phát triển, vì nó không chỉ thể hiện sự trân trọng di sản quý giá ông cha để lại, mà còn lưu giữ vốn tri thức, kỹ năng, bí quyết nghề cho các thế hệ mai sau”.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cau-noi-gan-ket-cong-dong-cua-dong-bao-thai-post474745.html