Câu nói lạnh lùng của vợ khiến người chồng 'sụp đổ' giữa đêm khuya

Hồi mới cưới, cả hai anh chị quấn quýt như đôi sam, có lúc anh nghĩ cuộc sống hôn nhân hóa ra thật dễ chịu.

Anh là trai quê xuống Hà Nội học tập và lập nghiệp. Vốn tính thông minh, sau khi tốt nghiệp đại học anh được nhận vào một công ty tư nhân lớn. Từ môi trường làm việc này, anh quen chị, cô gái gốc Hà Nội xinh đẹp, dịu dàng.

Tình yêu của hai người cứ thế lớn dần và được kết thúc bằng một đám cưới giản dị. Lúc ấy, cả hai người mới chỉ ở những bước đầu tiên của sự nghiệp, tiền bạc còn "eo hẹp".

Ban đầu, bố mẹ chị ngỏ ý để anh "ở rể", vừa tiết kiệm chi phí, vừa được gần con gái, thế nhưng anh cương quyết từ chối. Ở quê, cái tiếng "ở rể" vốn dĩ mang hàm ý "tiêu cực" nhiều hơn.

Hai vợ chồng chọn thuê một căn nhà ở ven đô cho rẻ. Mỗi ngày cả hai đèo nhau trên chiếc xe máy anh mang từ quê xuống nhiều năm trước, vượt 20km đến công ty. Chiều chiều, hai vợ chồng chở nhau về, tạt qua góc chợ cóc bán muộn mua đồ nấu cơm tối. Việc ấy cứ diễn ra suốt năm đầu của hôn nhân, không chệch "nhịp" nào. Đã có lúc, anh nghĩ cuộc sống hạnh phúc giản đơn đó thật ý nghĩa.

Chị đúng chuẩn vợ hiền, dù kinh tế không dư giả nhưng luôn biết cách thu vén. Kể từ khi lấy anh, chị dần "biến đổi" từ cô gái phố thành một bà nội trợ đúng nghĩa.

Anh có năng lực nên công việc thăng tiến rất nhanh, ban đầu chỉ là vị trí trưởng nhóm phụ trách dự án, dần dần sau 3 năm, anh đã được bổ nhiệm lên làm phó giám đốc. Thu nhập, phúc lợi cũng tăng dần lên.

Hai vợ chồng mua được căn chung cư, có sổ tiết kiệm tại ngân hàng và một cô con gái xinh xắn. Mọi thứ đang rất viên mãn.

Với vị trí mới, anh thường xuyên xa nhà, lúc đầu anh cảm thấy khó chịu và nhớ vợ con. Lâu dần, những áp lực công việc mỗi ngày một nặng, anh lao đầu vào với các cuộc đàm phán, các con số, báo cáo... khiến anh dần quên đi đàng sau mình còn có một gia đình.

(Ảnh minh họa)

Anh đi về thất thường, có lúc thì 1 tuần, có lúc lại nửa tháng. Có đợt, anh ở lì cơ quan cả tuần để hoàn thành dự án mà không ghé về nhà dù chỉ cách công ty vài cây số.

Vợ anh biết chồng bận nên cũng chẳng trách mắng gì, cứ mỗi khi anh bận ở công ty, chị lại nấu cơm đem đến cho anh để đảm bảo sức khỏe.

Có lần, anh đi công tác về khuya, nhìn vợ nằm ngủ gục bên mâm cơm còn nguyên thì lòng lại chùng xuống. Giây phút ấy, anh tự hỏi liệu mình có làm sai điều gì hay không? Thế nhưng chỉ ít lâu sau, tâm trí anh "cứng rắn" trở lại.

Anh không chơi bời, mọi thời gian chỉ để làm việc. Những khoản lương, thưởng mỗi ngày một nhiều lên, anh đều đem về cho vợ, chỉ giữ chút ít cho bản thân. Anh nghĩ, cái gì cũng phải đánh đổi, muốn kiếm tiền thì những thứ nhỏ nhặt như bữa cơm tối hay buổi tụ họp gia đình là không cần thiết.

Có giai đoạn, anh và chị cả tuần không nói chuyện với nhau, anh thì bận, chị thì biết anh lắm việc nên chẳng dám phiền. Lâu dần, những tin nhắn hỏi thăm nhau cũng biến mất. Việc anh không có nhà, không quan tâm tới chị hay bất cứ công việc xung quanh nào đã trở thành "quá đỗi bình thường".

Một lần, gia đình chị có giỗ, chị đã dặn anh từ tối hôm trước, thế mà hôm sau anh cũng chẳng tới. Chị biết "anh mải việc quên mất" nên cũng không nhắc lại. Trong lòng chị dần dần hình hành những cảm xúc tiêu cực.

Tính ra, lấy nhau nhiều năm, chỉ có năm đầu tiên hai anh chị thực sự được hưởng vị ngọt của hôn nhân, còn toàn bộ thời gian sau này, chị phải sống trong sự thờ ơ, vô tâm quá mức của chồng.

Ban đầu, thấy anh đi làm vất vả, cả tháng không ăn cơm nhà buổi nào, chị thương lắm, thậm chí còn tự trách mình tại sao không thể "gánh" bớt lo toan cùng anh. Nhưng khi anh vẫn "lao đầu vào công việc", những đêm trắng nằm cô đơn đến với chị dường như dài hơn. Chị bắt đầu cảm thấy khó chịu, muốn gọi điện trách mắng anh.

Rồi cảm giác khó chịu cũng qua đi, thay vào đó là sự bình thản. Chị quen với việc ngày lễ anh không về nhà, cũng quen với việc hai mẹ con ăn cơm tối với nhau suốt thời gian dài.

Đến một ngày, chị ốm, trong cơn sốt mê man, chị "yếu lòng" và gọi cho anh. Anh nghe điện thì và bảo "Anh chưa về ngay được, dự án còn vướng mấy thủ tục, mai hoặc kia anh về, em đi khám xem thế nào". Anh dập máy, chị tin lời anh nói, đó là công việc, anh là người làm thuê có trách nhiệm và anh đang cố hoàn thành cái trách nhiệm ấy với người trả lương mình. Thế nhưng, trong tim chị nổi lên nỗi hoài nghi khó tả "vậy là sự nghiệp của anh đang nuôi dưỡng gia đình hay đang làm gia đình trở nên lụi tàn?" .

Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị "ngộ" ra rằng chị cần được hít thở, chị cần được sống cho mình thay vì "cô đơn" trong chính gia đình.

Tối ấy, anh lại về muộn. Chị ngồi nguyên trên ghế đợi anh. Nhìn thấy vợ, như mọi ngày anh chỉ hỏi "sao chưa ngủ" rồi đi vào bên trong. Chị gọi anh lại, đôi mắt lạnh tanh, chị bảo muốn ly hôn. Anh cười nhẹ: "Em sao thế? Anh sai điều gì à?"

Chị chỉ thở dài: "Anh không sai vì anh chăm sóc gia đình này rất tốt từ tiền và công sức lao động của anh. Là em sai, em đã không ngăn anh khi anh bắt đầu suy nghĩ gia đình chỉ cần có tiền".

Anh sững người, quả đúng là anh đã nghĩ như thế suốt bao năm qua, anh nghĩ, chỉ cần mình thăng tiến, mua được nhà, cho vợ con được cuộc sống thoải mái thì đó chính là hạnh phúc. Và cũng chính vì "quan điểm đó", suốt nhiều năm anh chẳng còn nhớ nổi lần cuối hai vợ chồng "gần nhau" là khi nào.

Anh quay lại, ngồi xuống ghế để nói chuyện, nhưng chị đứng dậy. Vẫn đôi mắt "không cảm xúc", chị bảo "em quyết rồi, anh đừng nói thêm gì nữa nhé, chúng ta sẽ ly dị"

Anh hoảng hốt thắc mắc "anh làm việc nhiều như thế là vì cái gia đình này, em biết điều đó mà, chẳng nhẽ em không còn thương anh?"

Chị cười đầy chua chát "anh nói đúng và em sau nhiều năm trời vẫn thương anh, nhưng chỉ thương thôi. Anh biết đấy, tình thương nó không khiến một gia đình trở nên hạnh phúc được đâu".

Anh ngồi thẫn thờ, cơn hối hận trào dâng. Lúc này anh đã hiểu được mình sai ở đâu trong suốt những năm tháng qua. Nhưng có lẽ, nhìn thái độ chị, anh biết mọi sự hối hận của anh đã trở nên quá muộn.

Những công dụng bất ngờ của kem đánh răng

T.Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cau-noi-lanh-lung-cua-vo-khien-nguoi-chong-sup-do-giua-dem-khuya-172231202113707695.htm