Cầu nối quan trọng tạo sự gắn kết

Thấm nhuần tư tưởng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuyên suốt trong các hoạt động của mình, các cấp MTTQ Việt Nam tại TP Hà Nội đã thể hiện rõ cầu nối quan trọng gắn kết tình đoàn kết, góp phần thực hiện các nhiệm vụ trong thực tiễn.

Nhân dân quận Cầu Giấy tham gia tổng vệ sinh ngày cuối tuần. Ảnh: Vân Nhi

Luôn hướng về người dân

Sinh thời, đại đoàn kết toàn dân là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Người đã nhắc nhở, “chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Tư tưởng này mang ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong đó, MTTQ các cấp vẫn là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng.

Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng...” và hoạt động Mặt trận luôn phải thể hiện nguyên tắc "Trên vì nước, dưới vì nhà, một là ích nước, hai là lợi dân". Người cũng coi công tác cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Nói tới cán bộ Mặt trận là nói tới người đi “xây dựng” khối đoàn kết, là hạt nhân đoàn kết.

Trong suốt những năm qua, MTTQ các cấp đã triển khai hàng loạt hoạt động mang tính xã hội thiết thực, vì cộng đồng, vì dân, vì nước. Tại Hà Nội, thời gian qua, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức thành viên luôn khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình, là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cầu nối bền chặt giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với các tầng lớp Nhân dân.

Điển hình như hội nghị đại biểu Nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được tiến hành là nét sáng tạo của Hà Nội trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Nhiều nội dung quan trọng như xây dựng quy ước, tiêu chí đời sống văn hóa, xét danh hiệu văn hóa; ngăn ngừa tệ nạn xã hội; xây dựng tổ dân phố, khu dân cư tự quản; bàn biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường... được thảo luận thẳng thắn”.

Tại các đơn vị, nhiều cách làm để vận động người dân tham gia xây dựng đô thị văn minh gắn với các mô hình dân vận khéo, dân vận chính quyền cũng được triển khai và mang lại hiệu quả thực tiễn.

Trong đó, quận Thanh Xuân đang duy trì 86 mô hình điển hình, như: “Con đường bích họa trong trật tự văn minh đô thị”; “Mỗi gia đình một bình cứu hỏa”; “Khu dân cư không có tụ điểm rác, chân rác, quảng cáo rao vặt”…; quận Tây Hồ duy trì 149 “Ngõ văn minh đô thị” và 16 “Tuyến ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu”...; huyện Đan Phượng xây dựng mô hình "Thôn thông minh" sử dụng giao tiếp thông minh, thương mại điện tử, phát động cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" gắn với xây dựng tuyến đê kiểu mẫu…

Cùng với đó, các phong trào luôn hướng về người dân, hỗ trợ kịp thời những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế bằng các quỹ “Vì người nghèo”, những ngôi nhà đại đoàn kết… đã tăng thêm sự gắn kết. MTTQ các cấp cũng tăng cường hơn vai trò tập hợp, lắng nghe, kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thực sự trở thành cầu nối giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền.

Tạo sự đồng thuận xã hội

Đồng thời với thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, MTTQ các cấp TP cũng xác định việc làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, qua đó để tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội, phát huy tính tích cực chính trị - xã hội.

Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng Quy chế và tổ chức phản biện xã hội và công tác này ngày càng hiệu quả. Riêng trong năm 2023, MTTQ các cấp TP đã tổ chức 735 hội nghị phản biện xã hội, hơn 1.300 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo luật; tham gia góp ý đối với 5.543 dự thảo văn bản của Đảng và chính quyền có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân…

Đồng thời, với hoạt động phản biện xã hội, hoạt động kiểm tra, giám sát, cũng được Mặt trận các cấp tích cực triển khai với những vấn đề khó, được người dân quan tâm.

Trong đó, năm 2023 các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.145 công trình, dự án, phát hiện kiến nghị xử lý 210 vụ vi phạm; 208 công trình, dự án đã được xử lý, khắc phục kịp thời.

Qua đó đã giúp cho việc đầu tư phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có hiệu quả cao. Ngoài ra, Ban Thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng 4.047 cuộc, quản lý đất đai 1.026 cuộc, thực hiện dân chủ cơ sở 1.574 cuộc.

Hiện, MTTQ các cấp TP đang triển khai tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024 - 2029, nhiều mục tiêu cho thời gian tới được đặt ra. Trong đó, những giải pháp để tiếp tục đổi mới các hoạt động hướng về người dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội đã được xác định cụ thể.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống Mặt trận để bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu của người dân…

Chính việc phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện, đồng hành cùng người dân đã và sẽ tạo thêm sự tin tưởng; kịp thời giải quyết những vướng mắc để tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các công tác khác của TP.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cau-noi-quan-trong-tao-su-gan-ket.html