'Cầu nối' việc làm cho thanh niên nông thôn

Giai đoạn 2017-2020, thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp bộ đoàn trong cả nước đã hưởng ứng tích cực bằng những giải pháp, hoạt động cụ thể, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hàng nghìn thanh niên nông thôn (TNNT).

Tham dự lễ tốt nghiệp khóa đào tạo nghề may công nghiệp cho TNNT, do Huyện đoàn Nghi Lộc (Nghệ An) phối hợp với một số đơn vị tổ chức tháng 8-2020, chúng tôi như được lan tỏa niềm vui của các học viên. Cầm trên tay chứng chỉ hoàn thành khóa học, bạn Nguyễn Thị Kiều (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc) phấn khởi chia sẻ: “Trước khi đến với lớp học tôi chưa có việc làm ổn định. Được học nghề và có việc làm phù hợp, với tôi, vẫn chỉ là ước mơ. Đến với khóa học này chúng tôi không chỉ được hỗ trợ học nghề mà còn được tư vấn và giới thiệu việc làm phù hợp. Với sự hỗ trợ của huyện đoàn, chúng tôi đã được Công ty Cổ phần may Minh Anh và Nhà máy may Nghi Lộc đồng ý nhận vào làm việc. Tôi mong rằng tổ chức đoàn sẽ phối hợp mở thêm nhiều lớp học nghề, tiếp tục đồng hành với TNNT trên con đường lập thân, lập nghiệp”.

Lãnh đạo Trung ương Đoàn trao chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn tỉnh Quảng Bình.

Nguyễn Thị Kiều là một trong số hàng trăm TNNT trên địa bàn được tổ chức đoàn hỗ trợ học nghề và tìm việc làm trong giai đoạn 2017-2020. Theo chị Nguyễn Thị Lê, Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc, riêng trong năm 2020, huyện đoàn đã phối hợp mở 3 lớp dạy nghề cho TNNT. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề, các học viên được cấp chứng chỉ, tạo điều kiện tìm việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Ở tỉnh Bạc Liêu, với mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho TNNT, tỉnh đoàn đã có nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo trong gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho TNNT. Nhiều hoạt động tư vấn nghề nghiệp được tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ có định hướng nghề nghiệp đúng đắn và chọn việc làm phù hợp với khả năng. Hằng năm, tỉnh đoàn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho TNNT. Từ những hoạt động này, mỗi năm, tổ chức đoàn đã giới thiệu hơn 1.200 TNNT vào làm tại các công ty, doanh nghiệp với mức thu nhập khá.

Với sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, công tác hỗ trợ TNNT học nghề, tìm kiếm việc làm được các tỉnh, thành đoàn triển khai tích cực, hiệu quả. Từ nguồn ngân sách 13 tỷ đồng, trong giai đoạn 2017-2020, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo tổ chức 167 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho TNNT.

Theo chị Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng ban Thanh niên công nhân và Đô thị, Trung ương Đoàn: Từ nguồn ngân sách được cấp, trong 4 năm qua, Trung ương Đoàn tổ chức đào tạo nghề cho TNNT thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên. Năm 2020, ngoài đào tạo nghề còn đẩy mạnh truyền thông, giải quyết việc làm cho TNNT. Cụ thể, năm 2017, tổ chức 33 lớp đào tạo 5 nghề (may công nghiệp, thêu ren, mây tre đan, điện dân dụng, hàn); sau đào tạo, gần 1.100 người được 20 doanh nghiệp tuyển dụng, 44 người tự mở mô hình, cơ sở sản xuất tại địa phương. Năm 2018, tổ chức 30 lớp đào tạo 6 nghề (may công nghiệp, mây tre đan, nấu ăn, sơ chế bảo quản hoa màu, điện dân dụng, hàn); sau đào tạo, hơn 100 người tự sản xuất, kinh doanh hoặc tham gia thị trường xuất khẩu lao động, 832 người được 10 doanh nghiệp tuyển dụng, ký hợp đồng lao động. Năm 2019, tổ chức 48 lớp đào tạo 6 nghề; sau đào tạo đã có 1.435 người có việc làm. Năm 2020, tổ chức được 56 lớp đào tạo nghề với 8 ngành nghề cho 1.960 học viên; kết quả, 87% học viên sau đào tạo có việc làm.

Theo lãnh đạo Trung ương Đoàn, công tác đào tạo nghề cho TNNT được Trung ương Đoàn phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lớp đào tạo nghề từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, giới thiệu việc làm cho học viên. Nhờ đó, các lớp đào tạo nghề đã được triển khai, bảo đảm chất lượng, đúng quy định về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương. Các trung tâm đã chủ động kết nối với nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất trên địa bàn về công tác đào tạo thực hành, tuyển dụng lao động sau đào tạo. Do đó, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo được bảo đảm. Thời gian tới, tổ chức đoàn các cấp sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, chương trình hỗ trợ TNNT học nghề, tạo việc làm ổn định, thiết thực đồng hành với các bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp, nhất là trong khởi nghiệp sáng tạo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: ĐỖ CÔNG TUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cau-noi-viec-lam-cho-thanh-nien-nong-thon-648753