Cầu nối!

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ khiến cả hai đau đầu mà còn khiến một ông lớn khác 'đứng ngồi không yên': đó là Đức.

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ khiến cả hai đau đầu mà còn khiến một ông lớn khác “đứng ngồi không yên”: đó là Đức.

Berlin thật sự đang rất lo lắng về sự bất ổn của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng lớn đến họ và toàn bộ Châu Âu. Và họ muốn làm gì đó để Ankara không quay lưng lại với toàn bộ Châu Âu. Nhưng vấn đề đặt ra là họ không đủ khả năng để cung cấp viện trợ tài chính. Trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 20-8, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định, Berlin cũng sẽ không xem xét hỗ trợ kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp Ankara vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ của nước này.

Xem ra, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã không hề tính đến việc hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ để giữ Ankara bên mình. Tuy nhiên, việc giữ Thổ Nhĩ Kỳ không quay lưng với Châu Âu là rất quan trọng, và Đức có thể đóng một vai trò dẫn đầu trong việc này.

Thứ nhất, thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dại gì tự đẩy mình vào quá nhiều cuộc chiến. Các biện pháp trừng phạt và thuế quan của Mỹ cùng với tranh chấp chính trị với Washington trong vụ linh mục Brunson đang buộc Ankara phải giữ vững các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Châu Âu. Việc Ankara quyết định dỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài đối với nữ nhà báo Đức Mesale Tolu với cáo buộc là thành viên của một tổ chức khủng bố cùng với nhà hoạt động nhân quyền Taner Kilic là tín hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Đức và Liên minh Châu Âu (EU).

Tuy nhiên, đây là những bước đi rất nhỏ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải thực hiện những thay đổi lớn hơn, cả về mặt kinh tế và chính trị, nếu muốn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Đức. Để thực hiện các bước đi lớn hơn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ắt hẳn phải sẵn sàng từ bỏ bớt quyền lực mà ông đã gặt hái được sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6. Tuy nhiên, lo lắng đặt ra là ông Erdogan cũng có thể chuyển hướng sang Nga hoặc Trung Quốc, và Qatar.

EU, và đặc biệt là Đức, không nên để Thổ Nhĩ Kỳ tạo khoảng cách và cũng không cho phép Ankara rơi vào tình trạng bất ổn. Điều này không có lợi cho bất cứ ai vì nhiều lý do. Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai của NATO dựa trên số lượng nhân sự. Quốc gia này cũng có tầm quan trọng chiến lược và đóng một vai trò quan trọng với căn cứ không quân Incirlik trong cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ là một vùng đệm giữa Châu Âu và Trung Đông, và một Thổ Nhĩ Kỳ không ổn định có thể mở ra dòng di cư mới.

Và cuối cùng quan trọng hơn cả là mối quan hệ kinh tế giữa hai nước khi hiện có hơn 7.000 Cty Đức hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_194128_cau-noi-.aspx