Cầu siêu cho gia tiên tháng 7 Âm lịch cần biết điều này

Lễ cầu siêu được làm suốt tháng 7 Âm lịch và kéo dài tới hết năm Âm lịch. Theo đạo Phật, cầu siêu là nghi thức tâm linh quan trọng giúp gia tiên siêu thoát. Khi tham gia lễ cầu siêu, bạn cần lưu ý những điều gì?

Dự lễ cầu siêu tập trung đọc kinh cầu nguyện. Ảnh: T.G

Dự lễ cầu siêu tập trung đọc kinh cầu nguyện. Ảnh: T.G

Sai sót hay mắc khi đi cầu siêu

Đúng Rằm tháng 7, vợ chồng anh Nguyễn Văn An đi dự Đại lễ Phả độ gia tiên theo nghi lễ Phật giáo, báo hiếu cha mẹ sinh thành ở Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Anh An cho biết, năm nào cũng dự lễ cầu siêu ở đây vì tổ chức chu đáo nên dù mưa nắng, hay tối muộn mọi người đều xong khóa lễ mới ra về.

Theo sư thầy Thích Thanh Tịnh (trụ trì chùa Tây Thiên Phù Nghi - Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên), cầu siêu trong đạo Phật là một nghi thức tâm linh quan trọng, không có gì thần bí, mê tín. Theo đạo Phật, người chết đi linh hồn tồn tại dưới dạng năng lượng (còn gọi là thần thức, tâm thức). Vì thế, nhờ tâm lực từ bi của Phật, sức mạnh của chư tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ, tâm cầu nguyện chí thành của con cháu cộng hưởng sẽ tạo thành năng lượng giúp vong linh cha mẹ, gia tiên giác ngộ thoát khỏi âm giới, tái sinh an lành. Con cháu theo đó mà có phúc ấm, cuộc sống thanh thản, an bình, làm ăn may mắn tốt lành.

Theo sư thầy Thích Trí Hóa (chùa Bằng A, Hà Nội), các khóa lễ cầu siêu có ý nghĩa về mặt tâm lý, nhân lên tình yêu thương của con cái đối với cha mẹ, tổ tiên. Qua đây, còn có tính giáo dục đạo đức và niềm tin nhân quả, làm việc thiện lành sẽ gặp thiện lành, làm việc ác sẽ gặt điều xấu ác.

Cầu siêu sao cho đúng?

Cùng với cầu siêu gia tiên, các khóa lễ cầu siêu thai nhi tháng 7 Âm lịch ở đâu cũng đông người tham dự do nhiều người vì nhiều lý do mà đã từng phá bỏ thai nhi. Theo giảng giải của sư thầy Thích Thanh Tịnh, trong đàn lễ cầu siêu ở chùa mỗi câu niệm Phật tạo nên trong không gian nguồn năng lực rất an lành. Hàng nghìn người quy tụ cùng lúc tụng kinh tạo ra vô số năng lượng tích cực quyện lại thành sức mạnh cộng hưởng. Đặc biệt, phần cuối khóa lễ mỗi người tự khấn nguyện cho cha mẹ, gia tiên - là cách thức cầu siêu lợi lạc và hiệu quả giúp gia tiên yên tâm vãng sinh cõi Phật.

TS Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA cho hay, mỗi lần con cháu cầu siêu thì gia tiên được “lên một bậc”. Vì vậy, năm nào cũng nên cầu siêu cho gia tiên, để gia tiên giác ngộ thoát khỏi âm giới, tái sinh an lành.

Đã có nhiều người nghi ngờ việc con cháu cầu siêu làm sao cứu nổi gia tiên nơi âm giới, siêu thoát thai nhi bởi các sư thầy đều giảng giải tu là tự mình giải thoát? Sư thầy Thích Trí Hóa giảng giải là không có bài kinh, uy lực nào có thể siêu thoát cho vong linh, mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực cho người đã mất.

Trong sách 100 câu hỏi Phật pháp (Ban Hoằng Pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam) có nói, ngài Mục Kiền Liên cũng phải nhờ các yếu tố tốt là Phật chỉ dẫn, chư tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ (thân tâm, khẩu ý thanh tinh) trợ duyên chú nguyện mãnh liệt và chính mẹ Ngài giác ngộ sám hối mới thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ (đói mà không ăn được do thức ăn biến thành lửa đỏ). Quan trọng nhất Ngài Mục Kiền Liên là con chí hiếu, tha thiết cứu mẹ theo lời Phật dạy mới giúp mẹ thoát khỏi địa ngục, tái sinh tốt đẹp. Việc làm này không phải là mê tín, mà phù hợp với tinh thần giác ngộ (tự giác) của đạo Phật.

Vì vậy, lễ cầu siêu là rất cần có tâm chí thành của con cháu. Mỗi con cháu dự đàn lễ cầu siêu như một ngọn nến, nhiều ngọn kết lại sẽ cộng hưởng thành lửa thiêng, tạo ra năng lượng mạnh mẽ giúp gia tiên siêu độ.

Và sau các khóa lễ cầu siêu, con cháu cần hồi hướng công đức cho cha mẹ, gia tiên, bé đỏ... và hồi hướng đến các chúng sinh - bởi quan niệm của Phật giáo là bất cứ ai cũng có thể là quyến thuộc của mình.

Theo các sư thầy, hiện một số nơi tổ chức khóa lễ cầu siêu mang tính chất thương mại như niêm yết giá cả, thu tiền cao… là không đúng với tinh thần Phật giáo. Nhưng hoan hỉ đóng góp công đức giọt dầu tùy tâm thì được, bởi biết san sẻ, biết cho đi là một phẩm chất đạo đức tốt.

Và khi còn sống, mỗi người chủ động hành động thiện – ác, tâm niệm làm điều lành, buông xả, có niềm tin vào nhân quả, chăm làm việc phúc đức, từ thiện, bố thí, cúng dường, tụng kinh niệm phật… để có cái tâm trong sáng, tạo nhiều công đức, tâm hồn thanh thản (theo quan điểm nhà Phật là tự thắp đuốc mà đi) - như thế sẽ yên tâm khi nhắm mắt, xuôi tay.

- Người nhà phải có mặt từ đầu tới cuối tại đàn lễ cầu siêu, phải ngồi cùng tụng kinh niệm Phật trong khóa lễ.

- Quan trọng nhất là tâm thành của mỗi người cùng nhau kết lại sẽ thành lửa thiêng, cộng với năng lượng thanh tịnh của chư tăng ni sau 3 tháng an cư kiết hạ sẽ giúp tâm thức người mất, bé đỏ… được tái sinh an lành.

Sư thầy Thanh Tịnh

(Trụ trì chùa Tây Thiên Phù Nghi - Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên)

Uyển Hương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/cau-sieu-cho-gia-tien-thang-7-am-lich-can-biet-dieu-nay-20180831194142758.htm