Cầu siêu tưởng nhớ 60 liệt sĩ thanh niên xung phong đại đội 915

Sự hy sinh của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái vào đêm Noel năm 1972 đã đi vào lịch sử, trở thành khúc tráng ca bất tử của vùng đất Thái Nguyên.

Gần 600 tăng ni sư của Học viện Giáo hội phật giáo VN tổ chức lễ cầu siêu, tưởng niệm tại khu di tích tưởng niệm thanh niên xung phong đại đội 915.

Gần 600 tăng ni sư của Học viện Giáo hội phật giáo VN tổ chức lễ cầu siêu, tưởng niệm tại khu di tích tưởng niệm thanh niên xung phong đại đội 915.

Tối 23-12, tại Thái Nguyên, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, 30 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân và kỷ niệm 47 năm ngày anh dũng hy sinh của 60 liệt sĩ đại đội thanh niên xung phong 915 Anh hùng; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc tại Khu di tích tưởng niệm thanh niên xung phong đại đội 915.

Lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc tại Khu di tích tưởng niệm thanh niên xung phong đại đội 915.

Xúc động chia sẻ tại buổi lễ, ông Quản Chí Công, Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, kiểm Trưởng ban quản lý khu di tích chia sẻ: “Sự hy sinh của 60 liệt sĩ thanh niên xung phong vào đêm 24-12-1972 là sự mất mát to lớn của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thời gian rất dài thì cấp ủy, chính quyền địa phương chưa làm được tri ân, cũng như công tác tuyên truyền. Chính vì lẽ đó trong 2 năm gần đây, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố Thái Nguyên thấy rằng việc tri ân dù có muộn nhưng vẫn phải làm”.

Sau khi được trùng tu, tôn tạo năm 2018, di tích này đã từng bước lan tỏa và trở thành một "địa chỉ “đỏ" tuyên truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chỉ 1 năm sau khi được trùng tu, tôn tạo khu di tích tưởng niệm đại đội 915 Bắc Thái đã có khoảng 15 ngàn lượt đoàn khách đến thăm và trên 200 ngàn lượt đến thăm viếng, tri ân.

Đại đội 915 được thành lập vào tháng 6-1972, thuộc đội thanh niên xung phong 91 Bắc Thái với 102 cán bộ, đội viên, hầu hết ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, chưa lập gia đình, là con em đồng bào dân tộc thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Đơn vị có nhiệm vụ hàn gắn các tuyến đường do chiến tranh gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ chiến đấu ở các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất và vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ qua ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên, để đưa vào chiến trường miền Nam.

Khi đế quốc Mỹ mở chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 cuối tháng 12-1972, tại ga Lưu Xá còn tồn đọng hàng vạn tấn hàng hóa quốc phòng, đang rất cần cho chiến trường.

Sáng 24-12-1972, 66 cán bộ, đội viên đại đội 915 lên đường với tâm thế của những người lính ra trận. Các chị, các anh đã bắt tay vào làm nhiệm vụ, chạy đua với thời gian. Đến chiều tối 24-12-1972, số hàng hóa được giải tỏa an toàn. Suốt một ngày bốc vác, vận chuyển hàng hóa, quân trang, quân dụng hăng say vất vả, chưa kịp ăn bữa cơm chiều thì pháo đài bay B52 cùng với "thần sấm", "con ma" đã ào tới.

60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái vào đêm Noel năm 1972 đã đi vào lịch sử, trở thành khúc tráng ca bất tử của vùng đất Thái Nguyên

Trận ném bom tàn khốc vùi nát thành phố Thái Nguyên, cướp đi hơn 200 sinh mạng. Tại Gia Sàng, 60 thanh niên xung phong đại đội 915, đội 91 Bắc Thái và 2 thủ kho lương thực đã bị bom Mỹ sát hại trong sự tiếc thương của gia đình, đồng đội, của quê hương… Sự hy sinh của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái vào đêm Noel năm 1972 đã đi vào lịch sử, trở thành khúc tráng ca bất tử của vùng đất này.

Cầu siêu tưởng nhớ 60 liệt sĩ thanh niên xung phong đại đội 915

Trước khi diễn ra buổi lễ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức cho gần 600 tăng ni sinh dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan di tích Khuôn Tát (nơi Bác Hồ ở và làm việc) và di tích Tỉn Keo (nơi Bác Hồ họp Bộ Chính trị để quyết định chiến dịch Điện Biên Phủ).

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cau-sieu-tuong-nho-60-liet-si-thanh-nien-xung-phong-dai-doi-915-636777.html