Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn vẫn an toàn trước đám cháy

Tối qua (25/3), tại bốt thu vé trước lối vào cầu Thê Húc đã xảy ra một đám cháy, ngọn lửa bốc lên khá lớn khiến nhiều du khách hoảng hốt.

Hiện trường vụ cháy tại khu vực gần cầu Thê Húc chiều 25/3 - Ảnh được người dân ghi lại.

Hiện trường vụ cháy tại khu vực gần cầu Thê Húc chiều 25/3 - Ảnh được người dân ghi lại.

Khoảng 18h07 ngày 25/3, tại khu vực gần cầu Thê Húc, di tích đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xuất hiện một đám cháy. Đám cháy kèm lửa to và khói bốc cao đúng thời điểm tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm khá đông người.

Nhận được tin báo, Công an quận Hoàn Kiếm nhanh chóng điều 2 xe chữa cháy tới hiện trường. Sau khoảng 2 phút đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Hiện khu vực đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc do Ban quản lý danh thắng Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội quản lý. Vụ việc khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng cho di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng này.

Quần thể di tích “Đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - tháp Bút - đài Nghiên” là một biểu tượng văn hóa của Hà Nội xưa.

Đền Ngọc Sơn và khu vực Hồ Hoàn Kiếm là tên gọi chính thức của khu di tích từ khi được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia và nay là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Cảnh quan khu vực Hồ Hoàn Kiếm với trung tâm tín ngưỡng là đền Ngọc Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa đặc biệt của Thủ đô.

Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên đảo Ngọc trong Hồ Hoàn Kiếm. Đền Ngọc Sơn là di tích văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, nơi thờ Thánh Trần Hưng Đạo và Quan Vũ Đế cùng hai vị võ tướng được xếp vào hàng “Thánh” và cũng là nơi chứng kiến những buổi tập thủy chiến của quân đội Đại Việt. Lịch sử và huyền thoại được hòa quyện tạo thành không gian văn hóa lịch sử quanh Hồ Hoàn Kiếm. Ngay từ thời Lý, hồ đã soi bóng Tháp Báo Thiên, kiến trúc lừng danh một thời của đất Thăng Long.

Dẫn vào đền có hệ thống cổng và một cây cầu có tên là “Thê Húc” nối đảo Ngọc với bờ Đông của Hồ Hoàn Kiếm. Xưa kia, đảo Ngọc là nơi chúa Trịnh Giang cho xây cung Khánh Thụy đời Vĩnh Hựu (1735 – 1739) làm nơi yến ẩm, vui chơi ngày hè. Để làm đẹp thêm quang cảnh, chúa cho đắp hai gò núi Đào Tài và Ngọc Bội ở bên bờ phía đông.

Kiến trúc hiện nay của đền Ngọc Sơn về cơ bản vẫn giữ được quy mô, kiểu dáng từ thời Nguyễn Văn Siêu tu sửa. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc gồm: Nghi Môn ngoại, Tháp Bút, Nghi Môn nội, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, cổng Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, nhà Tiền Tế, Trung đường, Hậu cung, Tả hữu vu, nhà Kính thư, nhà Hậu (phòng Rùa).

Kỳ Phong

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/cau-the-huc-den-ngoc-son-van-an-toan-truoc-dam-chay-c2a50540.html