CẦU THỊ SỬA SAI, TƯƠNG LAI KHÔNG MẮC LỖI

Cách đây hai ngày, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), liên quan tới việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới (sau đây gọi chung là SGK lớp 1), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Các ý kiến về SGK gần đây dù gay gắt nhưng đều thể hiện sự tâm huyết và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất.

Do vậy, Bộ GD-ĐT phải trân trọng tiếp thu một cách cầu thị. Cũng về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng ngày hôm qua, cho biết đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiêm túc tiếp thu vấn đề cử tri nêu về SGK, sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Có thể thấy rõ, những vấn đề liên quan đến giáo dục luôn nhận được sự quan tâm, góp ý rất tâm huyết từ người đứng đầu Chính phủ cho tới cử tri, nhân dân. Việc có nhiều ý kiến góp ý cho một cuốn SGK lớp 1 là điều bình thường, hoàn toàn dễ hiểu, thể hiện sự quan tâm của cả nước tới thế hệ tương lai.

Bộ sách công nghệ giáo dục lớp 1. Ảnh: Chinhphu.vn

Sự thực, một số bộ sách có chất lượng tốt, được dư luận và người dân đón nhận với thái độ tích cực. Cũng không thể phủ nhận công sức và tâm huyết của những người tham gia biên soạn và thẩm định. Đành rằng, đã là đổi mới thì phải có cái mới, vì thế, trong quá trình làm nếu có "sạn" là khó tránh, phải cùng nhau "nhặt sạn" là chuyện đương nhiên. Các chuyên gia, thầy cô giáo, nhà quản lý, những người tâm huyết với giáo dục gần đây khi phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng công khai phân tích những điểm được và những chỗ chưa hợp lý. Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, khảo sát; nhiều cuộc họp đã được tổ chức để rà soát các bộ SGK... Bước đầu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ yêu cầu các tác giả, Hội đồng thẩm định SGK quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng SGK ngày càng tốt hơn. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định. Song song với việc này, Bộ GD-ĐT khẳng định cũng sẽ chú trọng hơn đến công tác tập huấn giáo viên, có giải pháp phù hợp để phụ huynh cùng đồng hành với giáo viên triển khai tốt việc dạy và học theo chương trình mới. Như vậy, có thể thấy rõ Bộ GD-ĐT đã rất coi trọng, tiếp thu các ý kiến phản biện.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại. SGK là lĩnh vực chuyên môn, vì thế khi nhận xét các vấn đề thuộc chuyên môn sâu cũng cần phân biệt rõ ý kiến nào là tâm huyết và mang tính khoa học; ý kiến nào là cảm tính, chạy theo tâm lý đám đông, vô tình bị cuốn vào sự dẫn dắt của các nhóm lợi ích, gây cản trở.

Thiết nghĩ, những gì vừa trải qua cũng là lời cảnh tỉnh chung. Bộ SGK lớp 1 mới chỉ là bước đầu tiên, vì thế, cơ quan chủ quản cần chặt chẽ hơn ở tất cả các khâu thuộc quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn, cũng như nghiên cứu quá trình thực nghiệm, tránh để xảy ra thiếu sót không đáng có ở các bộ sách tiếp theo.

Bộ sách đầu tiên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, thiếu sót. Lần biên soạn và thẩm định SGK lớp 2 tới đây, ngoài việc tôn trọng các ý tưởng sáng tạo và triết lý của mỗi bản SGK, rất cần có hành lang pháp lý đủ mạnh và rõ ràng, bám sát thực tiễn để tránh những lúng túng, gây ra tranh cãi không cần thiết. Mỗi cuốn SGK hay có triết lý giáo dục rõ ràng; ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... nhất quán, phù hợp với thời đại, mang tính định hướng tương lai, có sự đồng bộ, khoa học sẽ là khởi đầu rất quan trọng để học sinh tiếp thu tri thức, khơi nguồn sáng tạo. Mọi sai lầm sẽ gây hệ lụy cho các em mãi đến sau này. Trách nhiệm của chúng ta là không được để sai lầm của người lớn tác động xấu tới các thế hệ tương lai.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cau-thi-sua-sai-tuong-lai-khong-mac-loi-640745