Cầu thủ Phạm Đức Huy: Không thể yêu bừa, hạnh phúc là làm bố mẹ vui

Phạm Đức Huy năm nay 23 tuổi, tự nhận vị trí được phân vai đá ở đội tuyển là đúng sở trường. Trên sân cỏ thế nào, ngoài đời thế đó. 'Khi mọi người lao lên, em thích lùi lại để bảo vệ sân nhà. Em thích thế…'. Cuộc sống cũng vậy, Huy sợ ánh đèn sân khấu, sợ lao xao. Hạnh phúc của Huy, đơn giản là làm cho bố mẹ vui!

 Tiền vệ Đức Huy là cầu thủ "máy quét" với thể lực sung mãn và lối chơi cống hiến.

Tiền vệ Đức Huy là cầu thủ "máy quét" với thể lực sung mãn và lối chơi cống hiến.

Tuyển thủ Phạm Đức Huy có cuộc trao đổi cởi mở với PV Báo Lao Động. Để bạn đọc cảm nhận được không khí thân tình của buổi trò chuyện, xin phép được giữ nguyên cách xưng hô “anh- em” giữa tác giả và Đức Huy.

Cầu thủ Phạm Đức Huy và tác giả

- Chúc mừng Huy và đồng đội đã giành chức vô địch AFF cup 2018 và vào đến Tứ kết Asian cup 2019. Trải qua một giải đấu nỗ lực hết mình, Huy có mệt không?

Mệt anh ạ (cười). Em bị vấn đề về dạ dày, tụt 5kg. Uống thuốc kháng sinh, tập luyện, thi đấu, ăn vào không hấp thụ được hết. Sức khỏe không đảm bảo 100%. Mãi cuối giải AFF cup em mới tạm ổn, mới được ra sân.

- Thi đấu từ giải U23 ở Thường Châu và AFF Cup, Asian cup 2019, vị trí được xếp đá có đúng sở trường, mong muốn của Huy không?

Đúng sở trường của em. Ở AFF Cup em đá 4 trận đều đúng vị trí em mong muốn.

Phạm Đức Huy được giới chuyên môn đánh giá cao ở vị trí tiền vệ. Huy được ví như “người không phổi”, “máy quyét” với thể lực sũng mãn. Huy có lối đá chắc chắn, là điểm tựa tin cậy ở khu vực giữa sân.

- Vừa rồi không có tên danh sách bóng vàng, bạc, đồng, trong lễ trao giải cuối năm, Huy thấy sao?

Em chúc mừng các đồng đội được ghi vinh danh. Họ đều rất xứng đáng!

- Huy nhớ tiền vệ Adrea Pirlo của tuyển Ý không? Có một số ý kiến bảo em đá lùi như giống cầu thủ này?

(Cười lớn). Không thể so em với Pirlo được. Đẳng cấp của Pirlo quá cao.

Em đá giăng ngang với người đá cặp ở hàng tiền vệ. Em chỉ lùi hơn, nhường thiên hướng tấn công cho người đá cặp như Lương Xuân Trường, Quang Hải chẳng hạn. Em thi đấu đặt an toàn cho đội lên đầu, phải tranh chấp bóng, tham gia phòng ngự. Phải đỡ cho mọi người, phải lùi lại cho mọi người lao lên.

Pirlo là chuyên gia làm bóng, chuyền bóng. Đá kiểu này đáng ra phải cao lên nhưng Pirlo là duy nhất người làm bóng nhưng lại đá lùi, tiền vệ ẩn. Đá kiểu này rất mạo hiểm, vì Pirlo không thiên về tranh chấp nên phải có chất hào hoa, lãng tử như Pirlo mới đảm nhận được vị trí, sơ đồ chiến thuật kiểu này.

Em cũng rất thích cách đá của Pirlo.

HƠN CẢ MỘT NGƯỜI THẦY

- Huấn luyện viên Park Hang seo có ảnh hưởng thế nào tới em?

Với em, thầy Park còn hơn cả là một huấn luyện viên. Thầy giống người quản lý hơn. Toàn bộ công việc, không chỉ trên sân mà trong sinh hoạt hay cả thời gian về nhà, gần như đều có sự quản lý và quan sát của thầy. Điều này chỉ có ở ngoại hạng Anh với những huấn luyện viên quản lý câu lạc bộ lâu năm như Ferguson (Manchester United), Wenger (Asernal)…

Thầy Park giống như người anh, người cha.

Cầu thủ Phạm Đức Huy

- Qua truyền thông và biểu cảm ở các trận đấu, có vẻ thầy Park rất gần gũi với các cầu thủ?

Thầy Park thường dùng ngôn ngữ cơ thể như âu yếm, gần gũi để xóa khoảng cách với các cầu thủ, vì bất đồng ngôn ngữ cũng khó mà thể hiện được sâu hơn nếu cố gắng diễn đạt bằng lời nói. Thầy Park nói tiếng Anh không giỏi lắm. Chúng em không phải ai cũng nói được tiếng Anh lưu loát.

- Chắc Huy có nhiều kỷ niệm sâu sắc với thầy Park?

Có một kỷ niệm sâu sắc trước trận gặp U23 Iraq ở giải U23 Châu Á. Đó là trận tứ kết. Không ai nghĩ chúng ta vào được tứ kết và trận này với Iraq cũng ít ai nghĩ ta sẽ thắng. Trong vòng bảng Iraq thắng tuyệt đối. Iraq cũng được coi là cường quốc bóng đá châu lục.

Trước trận đấu này, thầy Park gặp riêng em, tặng em chiếc balo hiệu Adidas. Thầy bảo, “tôi dùng tiền tôi mua tặng cậu chiếc ba lô này. Trong ba lô có lá thư. Cậu về đọc nhé”.

Ở trận đấu với Iran trong khuôn khổ ASIAN CUP 2019, Phạm Đức Huy va chạm mạnh với cầu thủ đối phương và mất trí nhớ tạm thời. Tôi liên hệ để chia sẻ tình cảm người hâm mộ trong nước dành cho Huy, nhưng Huy bảo: "Em va chạm thế là bình thường, mọi người yên tâm". Huy là vậy, luôn cố gắng, nỗ lực hết mình vì mọi người, vì đồng đội.

Lá thư viết: “Cảm ơn Đức Huy! Cậu là một cầu thủ mẫn cán, làm việc hết mình vì tập thể. Tôi rất hạnh phúc khi làm việc với cậu. Chúc cậu có một tương lai tương sáng và trở thành cầu thủ mà cậu mong muốn”.

Trước giờ ra sân thi đấu với Iraq, thầy hỏi “đã đọc lá thư chưa”. Em bảo đọc rồi. Thầy bảo, “đọc rồi sao không thơm má tôi đi”. Thế là em thơm má thầy (cười). Ra sân thi đấu thắng Iraq, em vui quá. Lần đầu tiên thắng mà em khóc.

Buối tối sau chiến thắng đó mọi người tổ chức sinh nhật cho em và Công Phượng. Lúc đó 12h đêm.

Kỷ niệm đó em không bao giờ quên.

- Sau khi trở về từ Thường Châu, U23 Việt Nam giành Á quân, báo chí có nhắc đến chi tiết, trước trận bán kết, Huy nhận tin buồn người thân mất. Với những tình huống thế này, thầy Park xử lý thế nào?

Vâng, trước trận bán kết U23 Châu Á, em nhận được tin bác em mất. Cả nhà giấu em. Một chị ở quê báo cho em biết. Sau đó em gọi về cho mẹ, bảo “con biết hết rồi, mẹ không phải giấu nữa”. Mẹ cố gắng không khóc, không muốn em bị ảnh hưởng tâm lý. Đó là trận ta gặp Qatar, trận quyết định. Ngày hôm đấy em không ngủ được, ra sân tập rất sợ bị chấn thương, vì không tập trung.

Em ở cùng phòng với Lương Xuân Trường. Trường thấy em buồn, hỏi “Cậu làm sao thế?”. Em bảo: “Bác tớ mất rồi”. Trường nói: “Có cần mình báo với huấn luyện viên không. Thầy Park là người đi trước, có kinh nghiệm trong cuộc sống, có thể có lời khuyên tốt cho cậu trong lúc này”. Em rất sợ, nếu báo thầy Park thầy lại bảo em tâm lý không ổn định, lại không cho em đá trận này. Em bảo với Trường là “không sao, tớ đá được”.

Buổi tập hôm đấy em không tập được. Trường về hỏi lại lần nữa “có cần tớ báo với HLV không”. Em quả quyết bảo “tớ đá được”.

Phạm Đức Huy tiền vệ trụ cột của tuyển quốc gia Việt Nam

Ngày hôm sau em đá chính. Trước trận đấu, mẹ gọi điện nói “mẹ đưa bác về quê cho gần tổ tiên. Tối nay con thi đấu cho tốt, giành chiến thắng cho bác”. Trận đó em chạy như trâu. Em đá đến phút bù giờ cuối cùng hiệp phụ. Khi đó em chuyền bóng và ngã xuống. Khi thấy đồng đội đón được bóng em không đứng dậy được nữa. Sau đó Tiến Dụng vào thay em. Trận này, chúng ta chiến thắng Qatar sau loạt penalty.

“HLV Park Hang seo còn hơn cả một người thầy. Thầy Park như người anh, người cha. Thầy cực giỏi về tâm lý đối với các cầu thủ”- Phạm Đức Huy

Vào phòng thay đồ em ngồi một góc. Mọi người vui mừng trước chiến thắng này. Lúc đó, Lương Xuân Trường ra nói với thầy Park chuyện của em. Thầy gọi riêng em ra, ôm hôn và bảo “thầy xin lỗi”.

Sau trận đấu, thầy Park trả lời báo chí và nói rằng, “cảm ơn người hùng Phạm Đức Huy…”. Em coi đó là nguồn động viên rất lớn và em thấy những cố gắng của mình được thấu hiểu, ghi nhận, đặc biệt là sự ghi nhận của HLV trưởng.

- Em làm việc với bao nhiêu huấn luyện viện ngoại, có sự khác biệt nào giữa thầy Park với những huấn luyện viên ngoại khác?

Thầy Miura sử dụng em khá nhiều ở đội U23, khi đó em 20 tuổi. Trong sinh hoạt bình thường, có thể do một mình thầy sang VN, không có ê kíp đi cùng nên thầy Miura làm việc vất vả hơn. Thầy Miura không gần gũi cầu thủ bằng thầy Park và rất gay gắt ở sân tập. Còn thầy Park có đội ngũ giúp việc hùng hậu, đặc biệt trợ số 1. Tập luyện thầy Park chỉ quan sát thôi. Cần sửa gì thầy sẽ sửa. Còn tất cả trợ lý làm gần hết. Thầy Miura đá đơn giản, chơi bóng dài. Thể hình người Việt không hợp với chơi bóng dài. Đó là sự khác biệt giữa hai thầy.

- Thầy Park ít khi sử dụng cố định một đội hình, mà có sự biến hóa trong thay người. Huy thấy việc sử dụng của thầy Park có gì đặc biệt không?

Thầy Miura cũng vậy. Trước giờ ra sân mới biết ai thi đấu, ai không. Việc bí mật ai được ra sân đến phút cuối là tránh tâm lý cho các cầu thủ, ai cũng có cơ hội, ai cũng phải sẵn sàng. Thầy Park luôn lấy đoàn kết, tinh thần đồng đội lên trên hết, nên việc sử dụng người của thầy cũng theo tinh thần đó, và rất sát với từng đối thủ.

ĐÁ BÓNG SAO TÍNH CÁCH VẬY

- Trong cuộc sống, tính cách của Huy thế nào? Có giống như phong cách đá bóng không?

Em không thích ồn ào. Em nghĩ, phong cách chơi bóng đúng tính cách ở ngoài của em. Mọi người lao lên phía trước em sẽ lùi lại phía sau, em thích thế hơn.

- Huy là người nội tâm hay sôi nổi?

Em là người khi gặp người lạ thì không nói gì. Khi ở bên bạn bè thân thiết em lại là người nói nhiều nhất. Khi về nhà em đúng là đứa con của gia đình. Ở môi trường khác nhau, tính cách em bộc lộ một cách khác nhau.

MẸ SOI SÁNG, DẪN LỐI

- Ai ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của em?

Mẹ em. Mẹ là người hy sinh, giành tất cả cho gia đình. Em làm tất cả và có được như ngày hôm nay là vì cho mẹ. Bóng đá cũng không đơn giản, những đồng đội của em đi từ U11 giờ chả còn ai theo đá bóng. Bóng đá quá khắt nghiệt, nếu vì bản thân em thì chưa chắc em đã có được ngày hôm nay. Tất cả là vì mẹ.

Chiến thắng, em gọi mẹ. Gặp vấn đề tâm lý nặng nề, em cũng gọi mẹ. Nhưng gọi để nghe giọng mẹ thôi. Còn ít khi em gọi để khiến mẹ lo lắng. Em là đàn ông, em lo được, chỉ là mỗi khi buồn gọi để được nghe giọng mẹ thôi.

Chấn thương lớn nhất là đứt dây chằng trước thềm SEA Games khiến em phải ở nhà, em cũng không cho mẹ biết. Em gọi cho anh trai (anh trai làm buôn bán). Em muốn giải tỏa tâm lý thôi chứ bảo mẹ là mẹ khóc ngay. Nhưng buồn cứ gọi cho mẹ, nghe giọng mẹ là trở về trạng thái bình thường.

- Vừa rồi vô địch AFF cup, mẹ đón Huy về với tâm lý thế nào?

Mẹ em bình tĩnh lắm. Rất ít khi mẹ biểu lộ vui hay buồn quá.

Vừa rồi về quê mẹ làm 50 mâm cơm mời họ hàng, làng xóm. Còn bình thường em ở nhà ngày nào cũng làm 5 mâm (cười). Vừa thi đấu về mệt, tiếp khách cũng mệt, nhưng thấy bố mẹ vui, tự hào về mình, em luôn cố gắng. Để bố mẹ vui, có những thứ chẳng mua được bằng tiền. Bố mẹ vui là em hạnh phúc.

- Mẹ có sợ hào quang làm em hư hỏng, có dặn dò nhiều không?

“Vui, buồn em đều gọi cho mẹ. Gọi không phải làm cho mẹ lo lắng mà chỉ là để nghe giọng mẹ thôi. Nếu buồn, nghe mẹ nói xong là em trở lại thăng bằng ngay”- Phạm Đức Huy

Mẹ dặn nhiều. Bố cũng thế. Bố mẹ dặn, con phải biết hoàn cảnh nhà mình như thế nào, con là ai, để con đối diện. Bố mẹ biết tính em, tin tưởng em, vì từ nhỏ xa nhà em đã biết giải quyết những việc của mình rồi.

- Em tính gắn bó với bóng đá thế nào?

Đến khoảng 30 tuổi thì bắt đầu vừa thi đấu vừa đi học bằng huấn luyện. Nếu có duyên em sẽ gắn bó với nghề huấn luyện thôi. Có thể lúc đầu huấn luyện lứa trẻ. Em cảm thấy bản thân đủ hiểu, đủ tâm lý để hướng dẫn các em. Sau đó em thử sức ở các đội lớn…

- Gia đình Huy sống rất tình cảm?

Vâng. Thi thoảng em vẫn ngủ với mẹ (cười lớn). Còn ngủ với bố thường xuyên. Mẹ em tình cảm và tâm lý lắm! Gia đình em đều tình cảm.

KHÔNG THỂ "YÊU BỪA" ĐƯỢC

- Tuổi rất trẻ lại là thần tượng của nhiều người, chắc em được nhiều cô gái vây quanh. Quan điểm về tình yêu của em thế nào?

Có người khuyên, em là con trai, lại đang tuổi yêu, cứ yêu đi, yêu bừa đi, mất gì đâu, lại là con trai, lo gì. Em lại không nghĩ như thế. Em nghiêm túc trong chuyện này.

Yêu là xác định sẽ cưới. Nhưng nghề đá bóng xa nhà biền biệt, yêu mà bắt người ta chờ, sợ qua tuổi xuân, làm khổ người ta. Em xác định không cưới vợ sớm. Em là người không phải bây giờ đã có đầy đủ mọi thứ để lấy vợ. Khi cưới vợ thì nên có kinh tế vững cho đỡ vất vả.

Nếu yêu ai, em sẽ nghiêm túc. Em là người quan điểm rõ ràng trong tình yêu như vậy. Không yêu bừa được (cười)

- Có vẻ Huy là người chung thủy không chỉ trong tình yêu?

Em không thay đổi bản chất con người mình. Dù như thế này hay sau này giàu có, nổi tiếng thì em vẫn là em. Không vì điều gì mà thay đổi bản thân. Thực sự em không thích nổi tiếng.

- Đã có nhiều fan nữ đến nhà Huy tỏ tình, đòi làm dâu... Rồi trên facebook rầm rầm các fan nữ mê mẩn. Em ứng xử thế nào?

Nhiều lắm, nhưng tính em rất khác. Em rất trân quý các tình cảm của các bạn, dù thế nào em cũng cố gắng trả lời các tin nhắn trên facebook của mọi người. Nhưng để tỏ tình, đâu phải chỉ nhìn thấy trên ti vi, đọc trên báo mà yêu được đâu. Phải tìm hiểu, có tình cảm sâu sắc mới yêu được. Nếu có thời gian em sẽ gặp gỡ, uống cà phê với những người yêu quý mình.

Còn tặng quà to em không nhận (cười). Cũng có các em gái tỏ tình trên facebook, em chỉ nhắn lại trêu “học lớp mấy rồi mà đòi yêu”. Em nghĩ các bạn ấy cũng trêu em cho vui thôi!

- Vậy là chưa có cô gái nào thấu hiểu đến mức để Huy yêu?

Em nghĩ là chưa (cười). Nên em không yêu bây giờ.

LÊ ANH ĐẠT (THỰC HIỆN)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/cau-thu-pham-duc-huy-khong-the-yeu-bua-hanh-phuc-la-lam-bo-me-vui-655210.ldo