Cầu thủ xuất ngoại

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, cầu thủ xuất ngoại thi đấu thực sự không nhiều, chủ yếu mang tính thương mại, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của nhà tài trợ có liên quan đến đội bóng, từ Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng, cả Lương Xuân Trường ở chính Incheon United vào năm 2016…

Ảnh minh họa

Nhưng lần này thì khác, bởi chính câu lạc bộ mà Xuân Trường từng có thời gian “học việc” cũng khẳng định rằng, họ mượn Công Phượng 1 năm là bởi chuyên môn chứ không phải lý do thương mại.

Hay nhà đương kim vô địch Thái Lan Buriram United cũng phát đi thông điệp, họ mượn Xuân Trường là để bảo vệ chức vô địch Thai League 1, trong khi thủ thành Đặng Văn Lâm từ khi đến MuangThong United luôn là tâm điểm của sự chú ý, từ chính câu lạc bộ đến giới truyền thông Thái Lan.

Đặc biệt, cả Xuân Trường và Văn Lâm đều nhận được những đãi ngộ thuộc hàng cao nhất đối với cầu thủ Đông Nam Á, đều được kỳ vọng sẽ tăng cường sức mạnh cho đội bóng đã mua, mượn họ.

Rõ ràng, sau những thành công ở cấp độ châu lục (từ U23, Olympic đến đội tuyển quốc gia) từ đầu năm 2018, chứ không chỉ là chức vô địch “ao làng” AFF Cup 2018, bóng đá Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của truyền thông châu lục, đã có vị thế xứng đáng trên bản đồ bóng đá châu Á.

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhiều đến thành công của bóng đá Việt Nam tại các hội nghị, cuộc họp quan trọng ở địa phương, Trung ương và luôn nhấn mạnh cần lan tỏa những điều đã giúp bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành tích gần đây, đó là vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu;

Là sự chấp nhận hy sinh của những cá nhân để tập thể mạnh lên; là sự quyết tâm, không tự ti để sẵn sàng tạo bất ngờ liên tiếp; là sự sáng tạo, gắn kết, trách nhiệm, tận tâm của mỗi cá nhân nhằm tạo ra tập thể đoàn kết, có thể tạo đà tăng tốc, bứt phá…

Tạm gác lại những thành công của bóng đá cấp độ các đội tuyển quốc gia; giờ là lúc các cá nhân cầu thủ xuất ngoại khẳng định không chỉ “du đấu” vì mục đích thương mại, mà là giá trị của bản thân, của bóng đá Việt Nam.

Cứ nhìn vào sự hòa nhập nhanh chóng của 3 cầu thủ (có thể còn nhiều nữa, ví dụ như Quang Hải, Văn Hậu…) thì thấy sự tự tin, quyết tâm của họ.

Chính Công Phượng cũng mạnh bạo nói trong ngày ra mắt Incheon United rằng: “Tôi cảm thấy mình đã tiến bộ nhiều, sau một năm nỗ lực không ngừng.Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức để chứng tỏ bản thân và giới thiệu bóng đá Việt Nam ra thế giới”.

Sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam là trông thấy, có thể đo đếm bằng các danh hiệu. Sự tự tin, hòa nhập nhanh chóng của các cầu thủ xuất ngoại là hiển hiện, dễ thấy. Giờ là lúc tiếp tục nâng tầm bóng đá Việt Nam, bằng những hành động, kết quả cụ thể, khi nền tảng, gốc rễ đã được xây chắc phần nào…

Dũng Minh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/cau-thu-xuat-ngoai-3982478-b.html