Câu trả lời nào cho sự vô cảm của đồng loại?

Ngay khi vụ tai nạn xe Camry đâm chết 3 người ở Ái Mộ, Gia Lâm xảy ra, đã có rất nhiều xe được vẫy lại nhờ đưa cháu bé 6 tuổi - 1 trong ba nạn nhân đi cấp cứu, nhưng tất cả đều bỏ chạy.

Cháu bé trong vụ đâm xe kinh hoàng sáng nay tại Ái Mộ, Gia Lâm, lẽ ra có thể được cứu chữa nếu được đưa đi viện kịp thời. Nhưng rất nhiều người đã bỏ chạy khi được nhờ giúp đỡ.

Theo lời kể của một cô giáo nơi cháu bé theo học, khi sự việc xảy ra, cô có mặt tại hiện trường.

Thấy cháu mang phù hiệu của trường, cô nhanh chóng tới gần và khi thấy cháu có dấu hiệu vẫn còn sự sống, cô đã vẫy xe nhờ đưa cháu đi bệnh viện, nhưng các xe đều từ chối và bỏ chạy. Cuối cùng cháu được đưa lên xe cảnh sát trước khi được chuyển qua xe 115 đến bệnh viện.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng ở Ái Mộ, Gia Lâm

Mới đây một bạn hướng đạo sinh cũng chia sẻ về một tai nạn bạn ấy gặp trên đèo Hải Vân, cũng vẫy xe nhưng các xe đều bỏ chạy, cuối cùng phải chở bằng xe máy, và nạn nhân cũng chết trên đường chở đến bệnh viện.

Cách đây chục năm, khi đi trên đường gặp một vụ tai nạn, mình đã dừng lại để chở nạn nhân đến Bạch Mai. Một thanh niên bế cô gái bị nạn lên xe.

Đến bệnh viện, mình cùng thanh niên kia đưa cô gái vào phòng cấp cứu. Lúc đẩy xe thấy cô gái cứ ú ớ không nói được. Khi vào phòng cấp cứu, cô gái vẫy tay để mình ghé tai lại. Cô ấy nói khó nhọc, rằng thanh niên kia đã lấy dây chuyền của cô. Quay ra đã không thấy thanh niên đâu.

Hóa ra sự nhiệt tình mà mình thấy từ đầu của thanh niên kia cũng có mục đích xấu. Sau đó cũng mất khá nhiều thời gian để gọi điện thông báo rồi khai báo này nọ. Và cũng chịu những cái nhìn dò xét, cứ như mình là người gây ra tai nạn.

Cũng đã có lúc chợt nghĩ nếu không chở cô gái đó, chắc mình đỡ phiền hà hơn, rồi về còn phải đi rửa xe để trả (xe thuê của ông anh làm hãng taxi). Nhưng đó cũng chỉ là ý nghĩ thoáng qua, và nếu gặp trường hợp tương tự, mình cũng chẳng thể làm khác được.

Vậy tại sao trong những trường hợp kể trên, con người lại vô cảm với đồng loại đến vậy? Do mê tín chăng? Hay do thiếu lòng tin, khi những người cứu giúp người khác hay bị hàm oan? Sao họ có thể bỏ đi, khi đồng loại đang cần sự giúp đỡ?

Sao không nghĩ cứu người là làm một điều thiện tích đức cho con cháu? Cho dù thế nào đi chăng nữa, thì phải nghĩ đến người bị nạn chứ? Nếu đó là người thân của mình thì sao? Những câu hỏi cứ ám ảnh trong đầu, từ khi nghe thông tin về vụ việc.

Một ngày thật buồn.

Đôi khi, họ không giúp vì "sợ"...

Theo Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, cố vấn khoa học, giảng viên cao cấp tại Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, việc không giúp đỡ người bị nạn có thể có nhiều nguyên nhân.

Anh cho rằng, đúng là thực trạng hiện nay có một bộ phận xã hội rất thờ ơ với cộng đồng. Cơm áo gạo tiền, sự tác động của xã hội hiện đại dẫn đến sự gắn kết xã hội và tinh thần trách nhiệm không còn như trước, cái tôi của mỗi người lớn hơn và họ sống cho bản thân nhiều hơn.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cá nhân nhiệt tình giúp đỡ, nhưng lại sợ "làm ơn mắc oán", sợ mình không biết cách sơ cứu, hỗ trợ người bị nạn, có thể vô tình khiến tình trạng nặng hơn. Điều này là có thật và đã từng xảy ra.

Ngoài ra, việc những người đã từng bị xã hội hiểu lầm là người gây tai nạn, bị người nhà nạn nhân trách oan cũng không ít.

Do vậy, để mỗi người có thể "yên tâm" làm việc tốt, các cơ quan chức năng nên có các biện pháp tạo điều kiện, hỗ trợ, bảo vệ người tham gia cứu nạn.

Phan Quang Minh

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/cau-tra-loi-nao-cho-su-vo-cam-cua-dong-loai-c8a390066.html