Cấu trúc khổng lồ ẩn giấu bên dưới bề mặt của Mặt trăng

Bồn địa Nam Cực–Aitken của Mặt trăng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu bởi một 'vật thể' dị thường ẩn dưới bề mặt của nó, khi được phát hiện lần đầu vào năm 2019.

Trên bề mặt Mặt trăng tồn tại một trong những hố va chạm có kích thước lớn nhất trong Hệ mặt trời. Với đường kính 2.500 km và độ sâu giữa 6,2 và 8,2 km, nó còn được gọi là bồn địa Nam Cực–Aitken, nằm ở mặt phía xa của Mặt trăng.

Khu vực này là trung tâm của nhiều cuộc nghiên cứu của các cơ quan vũ trụ, với tàu đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ sẽ lựa chọn nơi đây làm điểm hạ cánh. Trong khi đó, sứ mệnh Artemis 3 của NASA cũng coi địa điểm này là một trong số những nơi hạ cánh tiềm năng cho các phi hành gia trong sứ mệnh khám phá Mặt trăng.

Bồn địa Nam Cực–Aitken có thể được sử dụng để hiểu thành phần bên trong của Mặt trăng cũng như nghiên cứu lịch sử của nó. Đây cũng là “phòng thí nghiệm” tốt nhất để nghiên cứu tác động thảm khốc lên bề mặt của một hành tinh đá sẽ như thế nào.

Thực tế, bồn địa Nam Cực–Aitken còn thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu bởi một ‘vật thể’ dị thường ẩn dưới bề mặt của nó, khi được các nhà khoa học phát hiện lần đầu vào năm 2019.

Các nhà khoa học hành tinh đã phát hiện ra một cấu trúc nặng khoảng 2,18 tỷ tỷ kilôgam và trải dài hơn 300 km (186 dặm) theo chiều sâu. Họ nghi ngờ nó có thể chứa kim loại từ thiên thạch va chạm với bề mặt Mặt trăng, hình thành nên hố va chạm.

Khối kim loại đang ẩn dưới miệng hố va chạm lớn nhất trong Hệ Mặt trời , bồn địa Nam Cực–Aitken của Mặt trăng (màu xanh đậm). Ảnh: NASA

"Hãy tưởng tượng, bạn lấy một lượng kim loại lớn gấp 5 lần Đảo Lớn của Hawaii và chôn nó dưới lòng đất. Đó là khối lượng gần như bất ngờ mà chúng tôi phát hiện được”, chuyên gia Peter B. James từ Đại học Baylor cho biết.

Nhóm đã sử dụng dữ liệu từ các tàu thăm dò thuộc sứ mệnh GRAIL của NASA, vốn có nhiệm vụ đo lường những thay đổi dù là nhỏ nhất trong trường hấp dẫn của Mặt trăng. Những quan sát này có thể được sử dụng để nghiên cứu thành phần bên trong của vệ tinh tự nhiên của chúng ta. Hóa ra, khối lượng mà họ đo được đủ lớn để kéo toàn bộ đáy lòng chảo lửa có đường kính khoảng 2.500 km xuống sâu gần một km (hơn nửa dặm).

“Khi chúng tôi kết hợp những dữ liệu của sứ mệnh GRAIL với dữ liệu địa hình mặt trăng từ Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng, chúng tôi đã phát hiện ra khối lượng vật chất lớn bất ngờ nằm sâu hàng trăm dặm bên dưới lòng chảo Nam Cực-Aitken.

"Một trong những lời giải thích về khối lượng tăng thêm này là kim loại từ thiên thạch hình thành miệng hố chạm này vẫn còn nằm trong lớp phủ của Mặt trăng."

Nhóm nghiên cứu đã chạy các mô phỏng trên máy tính để giải thích sự bất thường trên. Theo đó, không loại trừ khả năng, khi thiên thạch va chạm vào Mặt trăng khoảng 4 tỷ năm trước, nó vẫn nằm trong lớp phủ thay vì chìm vào lõi. Một cách giải thích khác tập trung vào sự hóa rắn của Mặt trăng, gợi ý rằng nồng độ oxit dày đặc có thể đã hình thành khi đại dương magma nguội đi và lắng xuống.

Tuy nhiên, bồn địa Nam Cực–Aitken không phải là phần duy nhất của Mặt trăng ẩn chứa những cấu trúc khổng lồ gây tò mò bên dưới bề mặt của nó. Các nhà thiên văn học đã công bố việc phát hiện ra một khối tỏa nhiệt khổng lồ bên dưới miệng núi lửa Compton và Belkovich ở phía xa của Mặt trăng vào tháng trước.

Tham khảo IFL Science

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cau-truc-khong-lo-an-giau-ben-duoi-be-mat-cua-mat-trang-20230804171200799.htm