'Cây cao, bóng cả' ở Bình Liêu

Huyện Bình Liêu có 125 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những người rất nỗ lực, gương mẫu trong các phong trào của địa phương, đi đầu trong các mô hình kinh tế, đóng góp nhiều trong ổn định an ninh biên giới. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Bình Liêu có 43km đường biên giới nên vấn đề quốc phòng an ninh luôn được đề cao. Đội ngũ người có uy tín ở các xã biên giới đã thực sự năng động, góp phần không nhỏ vào việc duy trì trật tự an ninh vùng biên giới, an ninh nông thôn, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Xã biên giới Vô Ngại có khu giãn dân Nà Sau thuộc thôn Nà Nhái được thành lập từ năm 2013, hiện có 20 hộ dân. Khu giãn dân cách trung tâm thôn hơn 6km, nay đường đã được bê tông hóa. Từ trước Tết Nguyên đán năm nay, Nà Sau đã có điện lưới, hệ thống nước sinh hoạt. Khi điện, nước chưa được đầu tư vào khu giãn dân, bà con nhận nhà rồi lại khóa cửa để đấy về làng cũ. Trưởng thôn Nà Nhái, anh Tằng Sau Khìn là người có uy tín của xã, vận động bà con bám đất bám làng để giữ trật tự an ninh vùng biên giới. Anh Khìn phối hợp với các tổ chức, ban, ngành khác như Hội LHPN huyện tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tặng gà cho chị em nghèo ở khu giãn dân. Anh Khìn tích cực vận động các hộ có phần đất liên quan đến các công trình điện, đường vui vẻ giao đất cho nhà nước để các công trình được đưa vào Nà Sau nhanh chóng. Vậy là đến nay, người dân đã yên tâm sống ổn định ở khu giãn dân, họ là những “cột mốc sống” góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Anh Tằng Sau Khìn (bên trái) người có uy tín xã Vô Ngại cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã đến động viên người di dân tại khu giãn dân Nà Sau.

Anh Tằng Sau Khìn (bên trái) người có uy tín xã Vô Ngại cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã đến động viên người di dân tại khu giãn dân Nà Sau.

Đến xã biên giới Đồng Văn, chúng tôi được gặp anh Dường Cắm Hếnh, thôn Khe Tiền là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã. Anh Hếnh còn là Đội phó Đội dân quân xã Đồng Văn kiêm Trưởng bản Khe Tiền. Với cương vị này, anh Hếnh luôn phối hợp cùng dân quân xã và các đơn vị bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn đi tuần tra biên giới, đồng thời phối hợp tuyên truyền, vận động người dân các thôn, bản không chặt phá rừng nguyên sinh, trước mắt là bảo vệ nguồn nước, sau là phát triển du lịch. Anh còn là người đầu tiên ở xã khởi xướng mô hình chăn nuôi dê. Ngoài phát triển tốt đàn dê nhà mình, anh Hếnh còn cho nhiều hộ có nhu cầu nuôi dê vay con giống, giúp họ kỹ thuật nuôi để họ tự phát triển kinh tế. Anh cũng là người đầu tiên ở xã Đồng Văn mở mô hình Homestay tại bản Khe Tiền để các du khách đến Đồng Văn tham quan, vãng cảnh có chỗ trú chân, giúp địa phương dễ kiểm soát lượng khách ra vào nơi biên giới.

Ở xã Đồng Văn còn có bản Phạt Chỉ, nhiều năm có đông hộ nghèo. Người đầu tiên làm đơn xin thoát nghèo ở Phạt Chỉ là anh Dường A Tài. Anh Tài là cán bộ thôn, cũng là người có uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã, luôn gương mẫu trong xây dựng đời sống văn minh thôn, bản. Anh Tài hiểu được, bà con dân bản cứ nghèo cái chính là do trình độ dân trí còn thấp, bà con có thời nhiều người không biết chữ, lối sống còn lạc hậu. Khi Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bình Liêu có chương trình xóa mù chữ cho bà con trong bản, anh Tài tích cực đến từng nhà có người không biết chữ vận động họ đến lớp. Đến nay, bản Phạt Chỉ không còn người không biết chữ. Phạt Chỉ có 100ha rừng phòng hộ, anh Tài vận động bà con không chặt phá rừng và cùng tham gia bảo vệ rừng. Bởi không có rừng, nguồn nước sẽ bị cạn kiệt, người dân dùng nước bẩn sẽ sinh bệnh tật, không có rừng tự nhiên cũng không có nguồn thuốc nam để chữa bệnh cho bà con. Người dân hiểu ra và cùng giúp chính quyền bảo vệ rừng.

Anh Dường A Tài, người có uy tín ở xã Đồng Văn chăm sóc đàn dê của gia đình.

Bản Phạt Chỉ nằm trên độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Phạt Chỉ rất ít ngày có nắng, hàng năm có tới 9 tháng ẩm ướt, sương mù bao phủ. Thiếu nắng cũng là một nguyên nhân khiến cho Phạt Chỉ cứ nghèo nếu người dân không đổi mới cách sản xuất. Bà con trồng ra hạt thóc muốn phơi khô không được vì không có nắng, hạt thóc nảy mầm luôn trên sân phơi. Cũng do giá rét mà bà con nuôi dê hay bị ốm chết do ăn cỏ nhiễm sương lạnh. Anh Tài là hộ đầu tiên ở bản thực hiện mô hình trồng cỏ voi khoảng 1.000m2 để nuôi vài chục con dê, bò. Vậy là bà con làm theo anh Tài trồng cỏ, mùa đông cắt về tích trữ cho gia súc ăn, nên không bị chết rét. Ngày nay, Phạt Chỉ có nhiều du khách tìm đến tham quan du lịch, vì có mốc biên giới 1327 là tuyến điểm du lịch đường biên giới huyện Bình Liêu. Vậy là trong bản nhà nào cũng nuôi dê để phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Năm 2018, huyện Bình Liêu đã đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, 27 thôn có đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, tình hình vùng dân tộc, vùng biên giới ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo không có biến động phức tạp. Trong đó có sự góp phần không nhỏ của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201902/cay-cao-bong-ca-o-binh-lieu-2424808/