Cây cầu kết nối bờ xuân

Những cánh đồng muối dần được thay thế bằng các nhà máy, nhiều diêm dân Cát Hải (Hải Phòng) cũng từ bỏ ghe, cào, giã để đeo găng tay, đội mũ bảo hộ khi làm việc trong các khu công nghiệp. Sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, cây cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, đã làm thay đổi bộ mặt huyện đảo từng ngày.

Mong được gần hơn với đất liền

Hẳn chỉ vài năm trước thôi, bà Lương Thị Vinh (ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng) khó tưởng tượng được rằng, hằng ngày bà chỉ mất chừng 15 phút đi xe máy là có thể vào trung tâm thành phố để đi chợ hay mua sắm. Trung tâm thành phố Cảng, với người đàn bà đã ngoại lục tuần khi đó, thật xa xôi mà mỗi năm, bà chỉ có dịp ghé vào đó vài lần. Mỗi chuyến đi thường mất trọn một ngày, về đến nhà cũng là khi trời đã tối mịt.

Trước đây từ đảo Cát Hải sang quận Hải An, người dân phải mất 1 tiếng đồng hồ nhưng đi cầu vượt biển chỉ mất hơn 5 phút

Trước đây từ đảo Cát Hải sang quận Hải An, người dân phải mất 1 tiếng đồng hồ nhưng đi cầu vượt biển chỉ mất hơn 5 phút

Cát Hải, trong tâm thức của nhiều người dân thành phố Cảng trước đây, là một địa danh gắn liền với cái mặn mòi của khơi lộng và xa xôi. Sự xa xôi không chỉ tính bằng đường chim bay mà còn bởi sự cách trở đôi bờ bởi một eo biển hẹp. Sự cách trở khiến những con tôm, con cá, con mực của Cát Hải vốn nổi tiếng tươi ngon nhưng chưa bao giờ được giá.

“Dân buôn vào tận đây mua, họ ép giá ghê lắm, vì mình ở xa”, như lời một người dân tâm sự. Cái sự cách trở đó cũng khiến nhiều đứa trẻ Cát Hải, dù mong muốn được đi học ở các trường trong thành phố nhưng cũng đành ngậm ngùi coi đó là giấc mơ.

Chị Vũ Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện đảo Cát Hải, vẫn nhớ như in những hôm vào lớp học trong cơn buồn ngủ bởi phải dậy từ rất sớm cho kịp chuyến phà đầu tiên để vào thành phố. Chuyện chưa xa xôi lắm, chỉ vài năm trước thôi. Mỗi chuyến về nhà vào dịp nghỉ cuối tuần, với chị là những chuyến “hành xác” bởi đi phà từ thành phố về Cát Hải rồi lại đợi phà từ Cát Hải về Cát Bà, mà theo chị Liên là “bình thường thì không sao nhưng mùa đông và trời mưa gió thì quá khổ”.

Có hôm chị phải nhịn đói, đi cho kịp chuyến phà để vào thành phố học. Khi đó không có xe, có lần, may mắn gặp đoàn xe khách du lịch ra tham quan Cát Bà, khi về họ thương tình cho chị đi cùng. Trường đại học nơi chị Liên học ở trung tâm thành phố, khoảng cách chưa đầy 20km vậy mà thành xa lắc xa lơ.

Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam dài 5,4 km, với điểm đầu nối từ đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại nút Tân Vũ) thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An; điểm cuối là cổng cảng Lạch Huyện (cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng) thuộc huyện Cát Hải

Mấy thập niên qua, Cát Hải vẫn mặn mòi và vời vợi. Nhìn đi nhìn lại, vẫn hạt muối, con tôm, con mực, con ngao mà nhiều khi gặp mùa bão là mất trắng. Thành phố nhiều lần phải cấp gạo, trợ cấp, trợ cước, trợ giá cho người dân. Cán bộ trăn trở, người dân trăn trở, mong có một cây cầu giúp họ gần hơn với đất liền.

Tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế

Ngày 2/9/2017 có lẽ là một ngày lịch sử với vùng đất này. Đó là ngày mà cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, dài 5,4 km, được khánh thành và thông xe sau 3 năm thi công (2014 – 2017). Sau khi cầu được đưa vào hoạt động, việc đi lại bằng ô tô giữa đất liền từ TP Hải Phòng sang đảo Cát Hải chỉ mất khoảng 5 phút thay vì mất hàng tiếng đồng hồ đi phà như trước đây. Cây cầu không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn là tuyến đường tiệm cận đến đảo Cát Bà, cạnh đảo Cát Hải, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch tại Cát Bà.

Nhà máy VinFast tại Cát Hải được kỳ vọng tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương

Những cánh đồng muối được thay thế bằng những công xưởng, nhà máy với quy mô hàng nghìn công nhân. “Mấy đứa cháu tôi vào làm trong nhà máy cả rồi. Nhà tôi cũng xây 4 phòng cho công nhân thuê trọ, mỗi tháng được gần 4 triệu đồng. Tôi ở nhà cũng buồn nên ra đây bán nước và đồ ăn sáng, có ngày cũng kiếm được gần hai trăm nghìn”, bà Lương Thị Vinh kể.

“Có cây cầu là khác hẳn đấy, ngay cả khi có thông tin dự án xây cầu thôi, nhiều nhà đầu tư đã đặt vấn đề, lấy mặt bằng xây dựng nhà máy. Thu nhập của người dân Cát Hải năm nay so với năm 2016 đã tăng đến 2,5 lần. Nhờ công nghiệp và dịch vụ cả đấy”, ông Hoàng Sâm, Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Cát Hải, hồ hởi nói.

Theo số liệu của UBND huyện Cát Hải, hiện cả huyện không còn hộ đói, hộ nghèo còn 96 hộ, dự kiến còn 70 hộ vào năm tới. Huyện Cát Hải cũng đang đề ra chính sách phát triển hài hòa giữa công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đây sẽ là những đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Người dân huyện đảo này cũng chưa quên sự kiện khởi công xây dựng nhà máy VinFast. Từ đất liền, qua cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á là nhà máy ôtô mang thương hiệu Việt. Đến nay, sau một năm khởi công, vùng biển sát bờ ở Cát Hải đã được bồi đất, nhà máy rộng 335ha mọc lên, chuẩn bị cho ra đời những chiếc xe máy, ôtô. Đây cũng được kì vọng là nơi sẽ tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, không khí trên đảo Cát Hải vui tươi hơn hẳn. Đón Xuân mới, nhiều người dân ở huyện đảo này đã mơ đến viễn cảnh một thành phố Cát Hải ven biển, trong vài chục năm tới. Có thể lắm. Và một điều chắc chắn rằng, Cát Hải đang từng ngày thay da đổi thịt.

Hoàng Sơn

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/cay-cau-ket-noi-bo-xuan-post55086.html