Cây cầu treo huyền thoại Carrick-a-Rede

Gió phần phật thổi, lạnh thấu xương, xa xa là sóng biển dập dềnh, cảm giác độ cao và nhỏ bé dễ khiến người ta khiếp sợ khi đứng trên cầu treo huyền thoại Carrick-a-Rede. Thế nhưng, hễ ai từng đến với Bắc Ireland, đều mong một lần được dạo bước qua chiếc cầu treo bé nhỏ ấy.

Chu du trên cung đường ven biển Antrim Coast, muốn nghe chuyện ma phải ra lâu đài Dunluce, còn nhắc đến vẻ đẹp tự nhiên phải là gành đá Giant’s Causeway, riêng vẻ đẹp do con người tác tạo, chiếc cầu treo Carrick-a-Rede hơn 350 năm tuổi sẽ ở vị trí hàng đầu. Với bản thân tôi, đây chính là chiếc cầu treo thô sơ, nhưng tọa lạc ở một vị trí đặc biệt, khiến Carrick-a-Rede xứng đáng được công nhận là chiếc cầu treo đẹp nhất thế giới.

Đồng cỏ, đảo nhỏ và biển xanh tạo nên cảnh quan ngoạn mục quanh Carrick-a-Rede

Khi bước vào hành trình chinh phục vòng cung Antrim bằng xe máy, tôi có tìm hiểu qua các địa danh dự định sẽ dừng chân, hiển nhiên cây cầu treo Carrick-a-Rede là một gợi ý hấp dẫn. Nhưng vẻ đẹp cầu treo, có lẽ với các tay chơi mô tô xứ khác thì hợp, chứ với cư dân đến từ Đông Nam Á, lại là Việt Nam, khái niệm cầu treo thật chẳng có gì đặc biệt. Bởi thế trước khi chia tay cùng thầy trò Phillip McCallen ở lò xe, dù được nhắc nhớ ghé qua cầu treo để tham quan, khám phá, tôi ừ ào cho qua chuyện, thậm chí kèm một chút phớt lờ.

Carrick-a-Rede là danh thắng được nhiều người yêu thích

Cụm đảo nhỏ nhìn ra phía trước là Đại Tây Dương

Khi hành trình càng gần đến vùng biển có Carrick-a-Rede, tôi dần thay đổi quan điểm, bởi cảnh quan của vùng bờ biển này thật kỳ lạ, đẹp huyền ảo, cứ như trong phim ảnh chứ không phải tồn tại thực ngoài đời. Đường bờ biển thẳng tắp, êm như ru, xiết hết ga con SH mãi cũng chỉ lên được 120 – 130km/h. Cả cung đường chỉ có tôi và thiên nhiên, đẹp đến bất ngờ vì chưa từng thấm thía cảnh quan đường bờ biển kỳ lạ đến vậy. Khi đi bến vịnh Trắng (White bay), tôi thực sự ngất ngây bởi cảnh đẹp quá ngoạn mục. Phía xa ngoài khơi là đảo nhỏ lô nhô, bờ biển vách núi đá dựng, trắng tinh một màu, dưới chân xóng xô liên hoàn, cũng tạo thành từng mảng trắng nối dài từ khơi vào bờ, tạo nên bức tranh thiên nhiên, động trong từng chi tiết.

Khi dừng lại, định thần nhìn trên tấm bản đồ và cảnh quan phía trước biển, hóa ra đấy chính là nơi Carrick-a-Rede tọa lạc. Bỏ lại chiếc xe, tôi theo đường mòn tiến dần ra mép biển. So với các điểm đến khác trên cung đường Antrim, Carrick-a-Rede đông đúc du khách hơn hẳn, từng đoàn nối nhau về hướng cầy cầu treo. Một dấu chỉ cho thấy vùng cảnh quan và cây cầu Carrick-a-Rede này không hề tầm thường như tôi từng tưởng tượng.

Vách núi nơi treo những con thuyền đánh cá hồi của ngư dân vùng Antrim

Lữ khách chơi vơi trên cầu treo bắc ngang vách núi

Nhìn từ xa, Carrick-a-Rede mong manh như sợi chỉ nhỏ vắt ngang khoảng không nối giữa vách núi cao và hòn đảo ngoài khơi, có độ cao cách mặt biển áng chừng hơn 30m. Ngày xa xưa, ở thế kỷ 18 – 19, ngư dân ở vùng Antrim thường ra bờ biển Đại Tây Dương này để đánh bắt cá hồi – một nghề chính yếu của toàn vùng. Nơi cá từ biển khơi vào gần bờ chính là chỗ cầu treo Carrick-a-Rede. Để bắt được cá, ngư dân phải vượt qua vách núi ra đảo, và họ đã nghĩ ra cách bắc qua vách núi ấy một cây cầu độc đáo.

Khi mùa gió về, người ta cầm cuộn dây thừng, lợi dụng sức gió, ném văng sang bờ bên kia tạo thành chiếc cầu treo chỉ một sợi dây thừng duy nhất. Ngư dân mỗi ngày đu dây mang theo cả ngư cụ đánh bắt cá hồi mà không hề sợ hãi, dù chỉ di chuyển qua sợi dây ấy một tay, tay còn lại phải lo cầm ngư cụ. Mùa cá chỉ có ở những ngày hè từ tháng 6 đến tháng 9, sau đó chiếc cầu treo sẽ được thu lại và cất đi khi mùa đông đến.

Yếu tố nguy hiểm khi vượt vách núi qua cầu treo nay đã không còn như Carrick-a-Rede thuở ban đầu

Các lối đi đến Carrick-a-Rede cũng được kiến tạo chuẩn mực và an toàn

Thời nhộn nhịp ở Carrick-a-Rede, mỗi ngày có hơn trăm ngư dân đu qua chiếc cầu treo ra đảo, xuống thuyền đi đặt lưới với một đầu cài vào vách đá, phần còn giăng ra khơi để chặn đường cá theo con nước vào bờ, bất chấp những hiểm nguy rình rập từ chiếc cầu treo mong manh. Nhờ có cầu treo, việc đánh bắt cá hồi phát triển rất mạnh trong vùng, món cá hồi cũng là phong vị khoái khẩu của cư dân Bắc Ireland.

Chiếc cầu Carrick-a-Rede dần được nâng cấp, gia cố để việc qua lại tiện dụng hơn, cho đến khi giống cá hồi Đại Tây Dương bị đánh bắt quá mức, hiện suy giảm nghiêm trọng và đang là loài nằm trong danh sách tuyệt chủng, cây cầu treo Carrick-a-Rede lại tiếp tục được gia cố thêm cho vững chắc và chuyển đổi công năng thành điểm du lịch ngoạn cảnh. Hiện mỗi lần chiếc cầu treo mong manh này có thể tải được 8 người qua cùng lúc.

Cận cảnh chiếc cầu treo Carrick-a-Rede

Carrick-a-Rede cũng là con đường nối ra một gành đá đĩa đẹp nhưng quy mô nhỏ hơn Giant’s Causeway

Các nhà địa chất học đã nghiên cứu và chỉ ra khoảng cách giữa hai hòn đảo bắc bởi cầu treo Carrick-a-Rede cũng chính là miệng núi lửa từng hoạt động từ hơn 60 triệu năm về trước. Lang thang cùng cảnh đẹp ở Carrick-a-Rede, những lữ khách phương xa thật dễ bị miền tiên cảnh này hớp hồn, mải chơi mãi đến quên cả thời gian. Chia tay Carrick-a-Rede để về lại Belfast, suốt cả đường về, tôi vẫn không khỏi ngất ngây khi nhớ lại vẻ đẹp Carrick-a-Rede, chiếc cầu treo thú vị nơi phương xa Bắc Ireland.

NGUYỄN ĐÌNH

Kỳ tới: Về nơi ra đời của tàu Titanic

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/cay-cau-treo-huyen-thoai-carrick-a-rede-14105.html