Cây cầu 'tử thần' không thể không đi của dân chở vải ở Bắc Giang

Phần lớn người dân từ huyện Lục Nam đều phải vận chuyển vải lên thị trấn Kim và Chũ ( huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) để tiêu thụ do đây là điểm tập kết thu mua vải lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên để đến được nơi đây người dân phải di chuyển qua cây cầu phao bắc qua sông Lục Nam, được coi là cây cầu 'tử thần' đối với dân chở vải.

Ghi nhận từ 5h sáng, người dân huyện Lục Nam, Bắc Giang đã bắt đầu chở những xe vải căng mọng, chín đỏ, chồng chềnh đi qua cây cầu phao.

Vải được chất trong một sọt lớn với trọng lượng từ 170-200kg để đi tới chợ Kim và chợ Chũ bên huyện Lục Ngạn.

Cây cầu dài khoảng 200m bắc qua sông Lục Nam là con đường tắt duy nhất giúp người dân nơi đây di chuyển và vận chuyển vải qua Lục Ngạn.

Hai đầu bờ của cây cầu là hai con dốc lớn, thẳng đứng. Mùa nước lớn những con dốc bớt đứng hơn, còn đối với mùa nước nhỏ, con dốc dài thẳng đứng là nguyên nhân chính khiến nhiều người đi qua cầu té ngã, lật xe đặc biệt là đối với những người dân chở vải qua cây cầu này.

Chưa đầy 20 phút tại đây đã có tới 2 vụ lật xe chở vải do con dốc này gây ra.

Nhiều người dân bất lực khi nhìn thấy người lật xe vải tại đây.

“Chuyện lật xe, đổ xe chở vải ở cầu phao là chuyện như cơm bữa rồi, mùa này thì lật thường xuyên lắm”, Ông Hoàng Xuân Bồ (61 tuổi, sống tại Lục Nam, Bắc Giang) chia sẻ.

Dưới mặt đất la liệt những quả vải dập nát khiến người dân không khỏi chua chát.

Hình ảnh những chiếc xe chở vải lật chỏng chơ ở 2 đầu cầu phao không còn lạ lẫm với người dân tại đây.

Cảnh ùn tắc diễn ra ngay sau khi có một chiếc xe bị lật. Việc di chuyển muộn đến chợ bán vải cũng khiến giá vải xuống thấp, do các nhà cân đã mua được nhiều vải và ép giá xuống.

Hiện đây là lối tắt ngắn nhất giúp người dân nhanh chóng mang vải tới chợ bên huyện Lục Ngạn tiêu thụ, biết là rủi ro cao nhưng nhiều người chở vải vẫn liều mình đi qua cây cầu hằng ngày.

Theo MINH THÀNH/laodong.vn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cay-cau-tu-than-khong-the-khong-di-cua-dan-cho-vai-o-bac-giang-281140.html