Cây cầu ước mong của người dân Việt Tiến

Sau nhiều mong mỏi, cây cầu bến Cóc bắc qua sông Chảy nối xã Việt Tiến với Quốc lộ 70 đã hiện hữu. Chỉ nay mai thôi, cuộc sống của người dân Việt Tiến sẽ bước sang trang mới.

Ước mong cây cầu

Ngày nào có việc đi qua công trường cầu bến Cóc, ông Nguyễn Văn Nom, nguyên Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cũng đứng lại hồi lâu để ngắm những công nhân đang thi công.

Một nhịp, hai nhịp bắc lên, tuyến đường nối hai đầu cầu đã hiện hữu, ấy vậy mà còn một nhịp cuối phải chờ hơn một năm nay mới hoàn thành.

Ông Nom bảo, chẳng cần phải nói ai cũng tưởng tượng ra ngày khánh thành cây cầu sẽ là ngày vui nhất của người dân Việt Tiến từ trước đến nay.

Xã Việt Tiến là vùng quê cách mạng, con người hiền hậu mà phải chịu thiệt thòi nhiều khi bao năm qua, mảnh đất giàu tiềm năng này gần như bị cô lập bởi dòng sông Chảy ngăn cách.

Ngày ông Nom làm cán bộ lãnh đạo xã đã cách đây hơn 30 năm, khi ấy bến đò Cóc là cầu nối duy nhất đưa người dân Việt Tiến ra bên ngoài.

Ngày ấy, người dân trong xã thưa thớt, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chủ yếu mang tính tự cung cấp, giao thương hạn chế nên nhu cầu đi lại cũng ít. Hơn nữa, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương vùng sâu trở nên cấp thiết hơn, vì vậy việc xây dựng cầu bến Cóc vẫn bỏ ngỏ.

Đầu những năm 1990, cây cầu treo bến Cóc mới chính thức được xây dựng, nối đôi bờ sông Chảy, khỏi phải nói, bà con nơi đây vui mừng biết nhường nào. Ông Nom nhớ lại ngày khánh thành cầu, bà con ở khắp các thôn, bản kéo ra vui như hội.

Thế rồi kinh tế phát triển, cây cầu treo trở nên nhỏ bé với nhịp sống đổi thay nhanh chóng ở mảnh đất ven sông này.

Những chuyến xe chở hàng hóa, nông sản hối hả qua lại khiến cây cầu xuống cấp, dù đã nhiều lần được sửa chữa nhưng cũng không giúp nó trụ vững được lâu.

Mùa mưa bão cách đây 3 năm, cây cầu bị đứt dây cáp, lật nhào trong đêm. Người dân bỗng dưng phải trở lại nhịp sống cách đây 30 năm khi tiếp tục qua sông bằng đò ngang.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Trưởng thôn Cóc Khiểng cho biết: Cây cầu treo bị đứt, trong khi cầu mới chưa thi công xong khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nông sản không tiêu thụ được, người có bệnh phải cấp cứu cũng phải chờ đò mới qua được sông.

Mọi thứ đều chờ cầu

Ngày cây cầu bê tông chính thức khởi công xây dựng, bà con ai cũng vui mừng và chắc mẩm cố gắng đi đò chừng một năm là cùng. Ấy vậy mà đã gần 3 năm trôi qua, sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng cây cầu đến ngày hoàn thành.

Anh Vũ Xuân Giao đang chuẩn bị chuyển cửa hàng tạp hóa của mình ra gần đầu cầu để tiện buôn bán. Anh bảo, trước đây hàng hóa chỉ chủ yếu phục vụ nhu cầu của bà con xã Việt Tiến, sau này cầu thông, sẽ phải đa dạng hơn mặt hàng để phục vụ cả người dân bên Phúc Khánh, rồi cũng phải tìm nguồn hàng sao cho chất lượng, giá cả hợp lý hơn.

Cầu Việt Tiến là dự án được người dân trong khu vực mong mỏi, bởi dù trước đây có cây cầu treo đảm bảo việc đi lại nhưng vẫn hạn chế khả năng vận chuyển hàng hóa, nông sản ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của bà con.

Vì vậy, các hộ trong diện giải phóng mặt bằng tại thôn Cóc Khiểng, xã Việt Tiến dù chưa nhận đủ kinh phí bồi thường vẫn sẵn sàng di chuyển nhà ở, tài sản, tạo điều kiện để nhà thầu triển khai thi công dự án.

Nhiều kế hoạch, dự định phát triển kinh tế - xã hội của Việt Tiến đều chờ cây cầu mới có thể hiện thực hóa. Xã vận động người dân khai thác thế mạnh của địa phương thực hiện các mô hình kinh tế rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà địa phương nhưng cũng chỉ vì cầu chưa thông nên bà con có tâm lý sợ không tiêu thụ được.

Một lộ trình mới từ Quốc lộ 70 qua cầu Việt Tiến xuống Lục Yên (Yên Bái) đi Hà Giang, Tuyên Quang sẽ gần và an toàn hơn nhiều so với cung đường trên Quốc lộ 70 đoạn giáp ranh Lào Cai - Yên Bái. Rồi đây, không chỉ khu vực đầu cầu mà cả trục Tỉnh lộ 160 chạy dọc xã Việt Tiến sẽ sôi động hơn.

Ông Hoàng Hồng Cờ, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến.

Ông Hoàng Hồng Cờ, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết: Vừa rồi giá kén tằm tăng trở lại, một số hộ bắt đầu có lãi nhưng cước vận chuyển cao do phải đi đường vòng lại kéo giá đi xuống. Ô tô đỗ bên kia sông chỉ cách vài trăm mét, nhưng đi đường vòng mất gần 20 cây số thì chẳng thương lái nào muốn vào mua. Rồi một doanh nghiệp xuống xã khảo sát mô hình nuôi lợn, trâu thương phẩm, đầu tư xưởng chiết xuất tinh dầu quế mà ái ngại đường đi nên rút lui.

Một lộ trình mới từ Quốc lộ 70 qua cầu Việt Tiến xuống Lục Yên (Yên Bái) đi Hà Giang, Tuyên Quang sẽ gần và an toàn hơn nhiều so với cung đường trên Quốc lộ 70 đoạn giáp ranh Lào Cai - Yên Bái. Rồi đây, không chỉ khu vực đầu cầu mà cả trục Tỉnh lộ 160 chạy dọc xã Việt Tiến sẽ sôi động hơn.

Ông Hoàng Hồng Cờ, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết, xã đang phối hợp với các phòng, ban, xin ý kiến UBND huyện quy hoạch lại các điểm dân cư. Cùng với đó, vận động người dân chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, để tận dụng những cơ hội giao thương mà cây cầu mở ra.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cay-cau-uoc-mong-cua-nguoi-dan-viet-tien-post368658.html