Cây cô đơn sống thọ nhất thế giới

Theo tính toán, cây Gran Abuelo ở Chile đã 5.484 tuổi, lớn hơn 600 năm so với cây Methuselah ở California, Mỹ, là cây đại cổ thụ già nhất thế giới hiện nay.

Trong một thung lũng hoang vắng ở miền Nam Chile, một cây cổ thụ đơn độc mọc lên sừng sững giữa tán rừng cổ.

Những chồi xanh mọc ra từ những kẽ hở trên thân cây, dày và sẫm màu, tụ lại như đường ống của đại phong cầm trong nhà thờ; nước chảy qua các vệt địa y trên vỏ cây xuống nền đất từ những mắt gỗ.

"Cứ như một thác nước màu xanh lá, hiện diện lộng lẫy trước mắt tôi", nhà khí hậu học Jonathan Barichivich, 41 tuổi, nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy cây Gran Abuelo (hay được gọi là "ông cố") khi ông còn nhỏ.

Ông Jonathan lớn lên ở vườn quốc gia Alerce Costero, cách thủ đô Santiago 800 km về phía nam. Đây là ngôi nhà của hàng trăm cây alerce trong họ Fitzroya cupressoides, là cây hạt trần thuộc họ bách, sống ở các thung lũng ẩm ướt, lạnh giá ở phía nam Dãy Andes.

"Tôi chưa hình dung được Gran Abuelo có thể thọ đến mức nào. Tôi không hứng thú với các ghi chép cũ", ông nói. Nghiên cứu đột phá của ông Jonathan đã cho thấy loại thực vật khổng lồ cao 30 m này có thể là loài cây sống lâu nhất trên thế giới.

5.484 năm tuổi

Vào tháng 1/2020, ông đã đến thăm Gran Abuelo cùng với Antonio Lar, một người cố vấn và cũng là người bạn, nhà nghiên cứu tuổi thọ của cây, để lấy mẫu lõi thân.

 Ông Jonathan Barichivich lấy mẫu lõi từ một gốc cây. Ảnh: Salomón Henríquez.

Ông Jonathan Barichivich lấy mẫu lõi từ một gốc cây. Ảnh: Salomón Henríquez.

Họ chỉ nghiên cứu được 40% của cây, vì phần trung tâm có vẻ đã bị mục rữa, khiến lõi không còn hoàn chỉnh. Tuy nhiên, mẫu đó cho kết quả khoảng 2.400 năm tuổi.

Không dừng lại, ông Jonathan bắt đầu vạch ra một mô hình để ước tính tuổi thọ của Gran Abuelo. Ông lấy độ tuổi của các cây alerce khác trong rừng, tính toán các yếu tố khí hậu và biến đổi tự nhiên để xác định mẫu mô phỏng các độ tuổi khả thi, từ đó ra kết quả khoảng 5.484 năm tuổi.

Kết quả cho thấy nó có tuổi đời hơn 6 thế kỷ so với Methuselah, một loài thông bristlecone ở phía đông California, được công nhận là loài cây cổ xưa nhất thế giới. Một số thực vật khác sống lâu hơn như Old Tjikko của Na Uy, được cho là 9.558 năm tuổi.

Ông Jonathan tin rằng 80% khả năng nó đã sống hơn 5.000 năm, nhưng nhiều nhà khoa học khác hoài nghi với điều đó. Họ khẳng định rằng chỉ khi đếm số vòng gỗ hoàn chỉnh thì mới biết được tuổi chính xác nhất.

Ông tin rằng những cây cổ thụ như thế này sẽ giúp các chuyên gia hiểu cách rừng tương tác với khí hậu.

Gran Abuelo không chỉ là một cái cây cổ thụ mà còn là một chiếc hộp thời gian với thông điệp về tương lai, rằng: Chúng tôi đã trải qua 5.000 năm, chúng tôi có thể thấy phản ứng của một sinh vật cổ đại trước những thay đổi mà chúng tôi đã làm với hành tinh này", ông nói.

Vào tháng 1, ông Jonathan Barichivich, công tác tại Phòng thí nghiệm Khoa học Khí hậu và Môi trường ở Paris, đã được nhận khoản tài trợ trị giá 1,5 triệu EUR từ Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, mà ông gọi đó là "chén thánh" của một nhà khoa học.

Ông liền bắt tay thực hiện dự án kéo dài 5 năm, nhằm đánh giá khả năng thu nhận carbon của các khu rừng trong tương lai, với hy vọng lần đầu tiên bổ sung dữ liệu về vòng gỗ từ hàng nghìn địa điểm trên thế giới vào việc mô phỏng khí hậu.

Hơn 1/3 bề mặt thực vật của hành tinh được bao phủ bởi rừng, thu giữ carbon dioxide trong quá trình quang hợp, nhưng các mô hình hiện tại chỉ có thể đưa ra ước tính từ 20 hoặc 30 năm.

Bằng cách thêm dữ liệu về xylogenesis - quá trình hình thành của gỗ, Jonathan tin rằng ông có thể đưa ra dự đoán trong 100 năm tới về biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó.

“Nếu vòng cây là một cuốn sách, thì 40 năm chỉ tương đương với một trang bìa,” ông nói.

"Cây đang chết dần chết mòn"

Trong văn phòng đầy các mẫu gỗ phủ vecni, các mẫu lõi cây và phoi bào, là ông Antonio Lara, 66 tuổi, cố vấn của ông Jonathan. Ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu tái tạo lại nhiệt độ, lượng mưa và mức lưu vực nước trong lịch sử.

Cây Gran Abuelo trong vườn quốc gia Alerce Costero, Chile có thể trữ carbon trong hơn 4.000 năm nếu bị chôn vùi. Ảnh: Salomón Henríquez.

Antonio là một giáo sư tại khoa Khoa học Lâm nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên tại Đại học Austral của Chile ở thành phố Valdivia. Ông đã chứng minh rằng các loài alerces có thể hấp thụ carbon từ khí quyển và giữ từ 1.500 đến 2.000 năm trong những cây chết đứng. Những thân cây alerce bị chôn vùi có thể giữ carbon trong hơn 4.000 năm.

Ông cũng đã xác định chính xác các sự kiện khí hậu bằng cách dịch các vòng cây thành các con số và đọc như mã vạch. “Gran Abuelo là một điều kỳ diệu vì ba lý do: nó lớn lên, nó sống sót và sau đó nó được tìm thấy bởi ông của Jonathan", Antonio nói.

Vào giữa những năm 1940, ông của Jonathan là Aníbal Henríquez, từ thành phố Lautaro đến đây để làm việc cho các công ty lâm nghiệp để khai thác lahuan - là alerce trong ngôn ngữ bản địa Mapudungun của ông.

Thời điểm ông trở thành người quản lý đầu tiên của công viên, nhiều loại cây khổng lồ đã là nạn nhân của lâm tặc trước khi Chile quyết định việc chặt hạ chúng là bất hợp pháp vào năm 1976.

Ván gỗ alerce được người dân địa phương sử dụng như tiền tệ trong những năm 1700 và 1800, và trong xây dựng. Các nhà thờ bằng gỗ nổi tiếng trên đảo Chilóe được UNESCO công nhận cũng được xây bằng loại gỗ này.

Ông Aníbal tình cờ phát hiện Gran Abuelo khi đi tuần tra vào đầu những năm 1970. Ban đầu ông còn miễn cưỡng nói về phát hiện này, nhưng đến nay hơn 10.000 du khách đã biết và tới đây vào mùa hè.

Vậy nên, những alerce trong rừng trở thành nạn nhân của lâm tặc hoặc cháy rừng, khiến cây cổ thụ ấy đứng trơ trọi. Marcelo Delgado, anh họ của ông Jonathan, làm kiểm lâm cho biết: "Cái cây đang chết dần dần chết mòn. Mọi người nhảy xuống từ bục để bóc vỏ cây để làm kỉ niệm".

Vết chân xung quanh gốc cây đã làm hỏng lớp vỏ mỏng trên rễ, gây ảnh hưởng đến việc hút chất dinh dưỡng. Sau khi 29 cây khác bị du khách phá hoại, tập đoàn lâm nghiệp quốc gia Chile phụ trách quản lý các vườn quốc gia, đã đóng cửa con đường này vô thời hạn.

Ông Jonathan hy vọng rằng bằng cách chứng minh Gran Abuelo là cây cổ thụ thọ nhất thế giới, ông có thể đưa ra cảnh báo về sự cấp bách về bảo vệ thế giới tự nhiên. Trong khi phạm vi nghiên cứu rất rộng, ông khẳng định vườn quốc gia này là nơi ông lớn lên và thuộc về.

Khi ông lên 8 tuổi, ông của anh biến mất trong một lần tuần tra định kỳ ngoài trời tuyết. Sau 2 ngày, người ta đã tìm thấy xác ông ấy. Ông Jonathan cũng có một người chú làm kiểm lâm khác, và cũng chết tại công viên này.

“Có vẻ như đó là một truyền thống tiếp nối của gia đình. Có lẽ tôi cũng có kết cục như họ, chết ở trong rừng. Nhưng trước tiên tôi muốn mở khóa những bí mật của nó", ông nói.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cay-co-don-song-tho-nhat-the-gioi-post1358701.html