Cây đàn clavicin

Người điều khiển buổi đấu giá với chất giọng đều đều vùng Oxford của mình thông báo: 'Thưa quý vị, có một câu chuyện rất thú vị về nguồn gốc của cây đàn đặc biệt này.

Chiếc đàn được nghệ nhân Julĩao Antunes làm năm 1749 cho nhà thờ hoàng gia Lisbon. Sau đó, chiếc đàn được vua Bồ Đào Nha Joseph I trao tặng gia đình Scarlatti ở Madrid vào năm 1756. Đây chính là cây đàn mà trên đó nhà soạn nhạc nổi tiếng Domenico Scarlatti cho ra đời phần lớn các bản xô-nát của mình. Cây đàn này sau đó được người em trai của Domenico là Pietro Filippo sử dụng và được truyền lại trong dòng họ Scarlatti cho tới khi Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra. Nếu được đưa ra một ý kiến cá nhân thì tôi tin rằng đây là cây đàn clavicin tốt nhất từng được đưa ra đấu giá trong hai mươi tám năm làm nghề này của tôi. Cây đàn được bảo dưỡng thường xuyên và cẩn thận, đã được lên dây chuẩn và có thể chơi ngay được. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Saul Lander, Giáo sư giảng dạy đàn clavicin tại Trường Cao đẳng Âm nhạc Trinity, đã nhận lời biểu diễn với cây đàn này”.

Vị giáo sư cao, gầy bước lên bục, đi về phía cây đàn như cách người ta bước tới trước một vị hoàng đế đang ngự trên ngai vàng: Chậm rãi, kính cẩn và khiêm nhường. Ông ngồi xuống trước cây đàn, đưa tay trái vuốt mái tóc lòa xòa đã điểm bạc của mình sang một bên, liếc nhìn bức tranh phong cảnh vẽ dưới chiếc nắp đã được mở sẵn của cây đàn trước khi bắt đầu. Âm thanh trong trẻo vang lên ngọt ngào và lôi cuốn. Lander chơi đoạn đầu bản xô-nát cung Đô trưởng của Scarlatti. Khán phòng lặng đi, không ai dám thở mạnh. Từng nốt nhạc vang lên thánh thót như thể cây đàn biết rõ bản nhạc mà tự vang lên vậy. Những giây phút mê hoặc ngắn ngủi qua nhanh. Lander nghẹt thở với cảm xúc mà ông không thể gọi tên. Trong thâm tâm, Lander tự xỉ vả vì giây phút thiếu chuyên nghiệp của mình. Không thể kết thúc bản nhạc, ông tìm đoạn thích hợp để dừng lại và cũng để chính ông dịu đi cảm xúc.

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Một tiếng vỗ tay vang lên. Toàn bộ cử tọa đang lặng đi đồng loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Sự tán thưởng cho một thiên tài soạn nhạc, người làm đàn và người biểu diễn tuyệt vời. Phòng đấu giá phút chốc trở thành khán phòng hòa nhạc. Lander đứng dậy, khẽ cúi đầu chào khán giả-những người đến đây với tư cách khách hàng. Ông bước về vị trí của mình, toàn thân run rẩy vì cảm xúc.

Khi tiếng vỗ tay lắng xuống, người điều khiển buổi đấu giá quay lại với chất giọng Oxford đều đều của mình, như thể những phút giây tuyệt diệu mới rồi chưa hề diễn ra. Anh ta cất giọng lạnh lùng: “Giá khởi điểm cho cây đàn này là hai trăm hai mươi nghìn bảng. Có ai chấp nhận giá này không ạ? Vâng. Xin cảm ơn! Có ai ra giá hai trăm ba mươi nghìn không? Vâng, cảm ơn ngài! Xin mời quý bà ngồi ở phía xa kia…”.

Tiếng người điều khiển đều đều qua lại. Nhưng Lander đâu có nghe thấy gì. Ông thấy có điều gì đó hết sức tầm thường khi đem một loại nhạc cụ thế này ra bán đấu giá. Một cây đàn chứa đựng cả tâm hồn nghệ nhân làm nên nó. Một cây đàn đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn trong gần ba trăm năm qua, giúp con người vượt qua biết bao giới hạn tài năng. Một cây đàn được làm nên bởi một bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất. Vậy mà giờ đây nó trở thành một món hàng để người ta đem ra đấu giá, chẳng khác nào những bịch khoai tây ngoài kia.

Lander định bước ra khỏi phòng, nhưng ông biết rằng làm vậy sẽ khiến nhiều người chú ý và người ta sẽ hiểu ra điều ông nghĩ-thật tầm thường khi đem đồng tiền ra so sánh với những thứ vô giá như cây đàn này. Ông ngồi một chỗ, căng thẳng, cố gắng tập trung vào ý nghĩ của mình, rằng việc này rồi cũng sẽ qua nhanh thôi; nếu may mắn, chiếc đàn sẽ tìm được nơi xứng đáng và nó sẽ tiếp tục sống cuộc đời ý nghĩa của nó, ở một trường cao đẳng âm nhạc hoặc một nhạc viện nào đó. Ở đó, nhiều lớp nhạc sĩ tài hoa sẽ tiếp tục được nghe tiếng đàn, giúp đào tạo họ thành những nhạc sĩ tốt hơn, trở thành những con người có ích hơn khi họ chạm được tới điều kỳ diệu của âm nhạc.

Cuối cùng thì chiếc búa đấu giá cũng gõ xuống. Sự khó chịu của Lander có vẻ như cũng kết thúc. Chiếc đàn đã thuộc về một người phụ nữ tóc vàng ngồi ngay gần ông ở hàng ghế đầu. Người phụ nữ ăn mặc gợi cảm, sử dụng những gam màu nóng, đi giày cao gót, cổ áo trễ sâu-rõ không phải là tuýp người mà một nhạc viện nào đó có thể cử đến. Trông người phụ nữ giống thành viên của một ban nhạc mới lớn nào đó hay phóng viên một tạp chí thời trang. Cách ăn mặc của người phụ nữ không có vẻ gì là dự báo điều tốt đẹp cho cây đàn, Lander thầm nghĩ.

Phiên đấu giá kết thúc. Người phụ nữ đứng dậy đi ký giấy tờ mua bán. Lander cũng đứng dậy. Ông ngạc nhiên vì tiếng vỗ tay lại vang lên một lần nữa. Ông quay lại mỉm cười và bối rối gật đầu chào mọi người trước khi đi theo người phụ nữ tóc vàng.

Ngồi ở phòng chờ, người phụ nữ cười tươi nhìn Lander, nói bằng một thứ tiếng Anh của người Italy hoặc Tây Ban Nha: “Thưa Giáo sư Lander, tôi rất thích phần biểu diễn bản nhạc của Scarlatti vừa rồi”.

Lander đáp, chỉ mong lời nói của mình không trở nên quá khó nghe: “Cảm ơn bà! Scarlatti viết nhạc rất hay”. Mấy lời mỉa mai buột ra bất chấp việc Lander đã cố gắng giữ phép lịch sự. Người phụ nữ dường như không để ý, có lẽ bà ta không hiểu do không phải là người bản xứ.

“Tôi cũng nghĩ vậy. Chồng tôi đã từng chơi các tác phẩm của Scarlatti khi còn là sinh viên ở Madrid. Đó là lý do tại sao tôi mua chiếc đàn này. Bây giờ anh ấy có nhiều thời gian hơn, có lẽ anh ấy sẽ lại chơi những giai điệu tuyệt vời đó”.

Câu nói của người phụ nữ khiến Lander trở nên bực tức hơn, nhưng cố không biểu lộ: “Vậy sao! Tôi hy vọng khi có được cây đàn, anh ấy sẽ có một thói quen bổ ích”.

“Tôi nghĩ có lẽ tôi nên giải thích thêm, thưa giáo sư. Chúng ta ngồi nói chuyện một chút chăng?”.

Rõ ràng là người phụ nữ đã nhận ra thái độ qua lời nói của Lander. Ông không có hứng thú nghe câu chuyện của người phụ nữ này, nhưng phép lịch sự buộc ông phải nán lại. Họ vừa mới ngồi xuống trước một chiếc bàn làm bằng gỗ gụ thì người điều khiển phiên bán đấu giá ban nãy xuất hiện. Anh ta lễ phép hỏi: “Ông bà muốn uống gì không ạ?”

Người phụ nữ hào hứng: “Cho tôi một ly cocktail G&T”.

Lander nói khẽ: “Cho tôi một ly cà phê sữa, không đường nhé”.

Người phụ nữ hỏi: “Ông có phiền không nếu tôi hút thuốc?”.

Lander rất ghét khói thuốc, nhưng ông vẫn bảo người phụ nữ cứ tự nhiên. Khi điếu thuốc vừa kịp bắt khói thì đã thấy một nhân viên chẳng biết từ đâu chạy tới, đặt lên bàn một chiếc gạt tàn. Tất cả những điều đó càng khiến Lander chẳng có chút thiện cảm nào với người phụ nữ này.

Lander nghĩ về ngôi trường và những sinh viên của mình. Họ là những nhạc sĩ tận tâm, phải chật vật làm thêm ca đêm để đủ tiền đóng học phí. Họ là những người sẵn sàng bán cả linh hồn mình để có được mười phút ngồi chơi trước cây đàn mà người phụ nữ này vừa mới mua.

Lander hỏi: “Xin lỗi bà, nhưng tôi thật sự tò mò. Tôi không hiểu tại sao bà lại sẵn lòng chi tới gần nửa triệu bảng để mua một nhạc cụ làm quà cho chồng mình, vốn là một người chơi nhạc không chuyên. Bà có thường làm những chuyện như thế này không?”.

Người phụ nữ trả lời: “Không đâu, thưa giáo sư! Chỉ lần này thôi. Ông cũng không phải quá lo lắng đâu. Giờ đây chúng tôi đã có một căn nhà lớn, có người giúp việc. Anh ấy sẽ chăm sóc cây đàn rất cẩn thận. Lũ trẻ nhà chúng tôi có lẽ cũng sẽ chơi nhạc trên cây đàn này. Chồng tôi kiếm sống từ ngành công nghiệp máy tính, nhưng đó không phải là công việc anh ấy muốn làm nhất. Trong anh ấy là một tâm hồn nhạc sĩ. Tôi hiểu điều đó. Đã từ lâu, lâu lắm rồi, anh ấy muốn có được cây đàn này. Chúng tôi mong một ngày nào đó sẽ mời được giáo sư tới Tây Ban Nha biểu diễn với cây đàn này. Có được không ạ?”.

“Điều đó… ừm… sẽ là rất tuyệt! Xin hỏi tên bà được không?”.

“Chắc chắn rồi! Đây là danh thiếp của tôi. Chúng tôi ở Madrid. Giáo sư có thể tới thăm chúng tôi bất cứ lúc nào. Vâng, bất cứ lúc nào!”.

Lander cầm tấm danh thiếp. Ông cứ nghĩ mình sẽ thấy trên đó hình một chiếc máy tính hay một thứ gì đó hiện đại và liên quan tới công nghệ. Nhưng không! Trên tấm danh thiếp chỉ là một biểu tượng nhỏ của dòng họ bằng hai màu xanh, đỏ phía trên dòng tên và địa chỉ in nổi màu vàng. Tấm danh thiếp ghi: Maria Magdalena Scarlatti!

Truyện ngắn của David Gardiner (Ireland) HỮU DƯƠNG (dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cay-dan-clavicin-548817