Cây luồng hồi sinh trên đất Luồng: Bài 1: Thời hoàng kim của 'vua luồng' xứ Thanh

Trong những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp về vùng đất Châu Lang (tên gọi cũ của huyện Lang Chánh), vốn nổi tiếng và được mệnh danh là đất 'vua luồng' xứ Thanh. Giữa mênh mông trùng điệp của núi đồi, những rừng luồng đang dần hồi sinh...

Nhiều diện tích luồng ở Lang Chánh đang được phục tráng. Ảnh: Vân Anh

Đón chúng tôi trong căn nhà sàn nhỏ, ngay dưới chân đồi luồng của gia đình, sau một tuần trà, cụ Vi Tiến Bộ, 88 tuổi, thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc (Lang Chánh) chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về thời hoàng kim của cây luồng quê mình. Giọng cụ Bộ nhỏ nhẹ, từ tốn, dẫn dắt chúng tôi vào những thước phim quay chậm về một miền ký ức xa xăm, thật đẹp của đất “vua luồng”. Sinh ra và lớn lên trên đất luồng, chỉ hơn 10 tuổi, cậu bé Bộ khi ấy đã theo cha vào rừng chặt luồng kiếm sống. “Trong trí nhớ của tôi, những cây luồng khi ấy không có gai và thoáng cành nhánh, mọc thành cả cụm, cả rừng, cứ như hàng chục cây đũa lớn được cùng một bàn tay kỳ diệu chuốt tạo nên. Chặt hạ xuống, thêm vài mươi nhát dao băng ngọn, đánh nhánh, là có thể chuyển qua bãi tập kết để cột thành những khối bè, khối mảng cùng khuôn mẫu. Cứ hệt như những ống nhựa, ống thép được đúc ra cả loạt cùng một nhà máy nào đó” - cụ Bộ bồi hồi nhớ lại.

Theo cụ Bộ, mỗi ha luồng ở đây trồng được 300 cụm, mỗi cụm cách nhau 6 – 7 mét. Luồng ưa nơi ẩm mát, có tầng đất xốp tương đối dày. Mầm giống đặt xuống phải 4 năm sau mới cho sản phẩm. Những cây luồng thu hoạch lứa đầu có thể làm sào, làm ruỗn (thay xà dọc), cho những căn nhà tre, nhà nhỏ, hoặc để tươi nguyên cắt ra từng đoạn 2 đến 3 mét, đóng cọc móng nhà. Từ năm thứ tư, năm thứ năm trở đi, cho luồng loại hai, loại ba và đều đặn hàng năm, mỗi gốc luồng cho hai cây, mỗi ha từ 900 – 1.000 cây luồng hàng hóa như vậy.

Thú vị hơn, hồi ấy bà con nơi đây khẳng định “Mỗi bụi luồng hơn một con trâu/ Cây chăm chút một lần trồng ta chém mãi/ Trâu nhiều tuổi kéo run, cày mỏi/ Luồng nhiều năm càng bậm càng cao”.

Kinh nghiệm xa xưa từ các cụ cao niên để lại, luồng mọc thẳng tắp từ mặt đất mà vượt lên như cây nứa, nên khi chặt luồng phải chặt thật sát gốc để bụi luồng không bao giờ bị thoái hóa và thoáng mặt bằng cho những lứa măng sau càng đều, càng mập. Lớp mọc sau dựa vào cái thế của lớp cây trước đã ở tuổi lên một lên hai mà nhanh chóng phóng ngọn chiếm lấy tầm cao. Sau ba tháng, lứa măng ấy về hình thể đã trở thành những cây luồng to và cao bằng lớp luồng bố mẹ. Tròn bốn tuổi nó đã đủ độ săn thớ, dày vách, rắn gỗ, tức là đủ độ bền chắc cơ lý và được “hạ sơn” để làm nghĩa vụ, đáp ứng nhu cầu xây dựng hay đem xuất khẩu. Ở nơi đây có những khu luồng đạt độ cao tới ba mươi mét, với độ dài sử dụng của luồng này đủ cho chiều dọc của những ngôi nhà năm gian, bảy gian.

Chỉ với một con dao rựa thật tốt, cùng những cánh tay rắn chắc của người lao động ở đất luồng người ta vẫn có thể tạo ra cuộc sống no đủ. Những cây luồng được cụ Bộ cùng người thân đốn rồi kết thành mảng, xuôi bè theo con sông Âm 3 ngày 3 đêm thì về đến phố Đầm (Thọ Xuân). Dù không có ruộng, có thóc, nhưng đã có những bè luồng về đến các bến ở Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hàm Rồng hay Hà Trung, bán gọn cả cho khách miền xuôi là đã có tiền dư sức sắm những thứ cần thiết cho cuộc sống trong gia đình, đã chọn mua là mua cá ngon, gạo ngon, vải tốt, đồ sắt đồ đồng đáng giá, nhà có con gái sắp đến tuổi đi làm dâu, sắm dây bạc đeo dao cán ngà, quả đào, xà tích... Sau ngày đánh Pháp thắng lợi, có người bán xong chuyến luồng tại bến nam Ngạn, Hàm Rồng phải thuê trọn cả chuyến ô tô mới chở hết được số hàng công nghệ phẩm và hải sản từ Thanh Hóa ngược về.

Có thể thấy, chưa có một loại cây nào có thể vừa mọc nhanh, nhiều lại vừa giúp ích cho con người ở vùng đất này trên nhiều mặt như cây luồng lúc bấy giờ. Hơn nửa thế kỷ qua (kể từ năm 1960 đến nay), rừng Lang Chánh đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế không chỉ ở huyện, mà còn vươn ra ở tỉnh. Để có thể hiểu rõ thêm về thời hoàng kim của xứ luồng, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà cụ Hà Viết Hợi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh giai đoạn 1960 - 1980, phụ trách mảng nông - lâm nghiệp của huyện - người trực tiếp chỉ đạo ươm giống luồng thời điểm đó. Tuy đã 87 tuổi, sức khỏe đã vơi dần theo thời gian, nhưng trong tiềm thức của cụ, những ký ức về một thời “vàng son” của đất luồng vẫn còn đọng mãi.

Từ tốn nhấp chén chà, cụ Hợi trầm ngâm kéo khoảng thời gian hào hùng xưa kia lại gần hơn với chúng tôi. Công tác khai thác, trồng rừng và bảo vệ rừng vào thời điểm đó được diễn ra đồng thời và hài hòa. Tháng 10-1964, xuất phát từ yêu cầu thực tế, huyện Lang Chánh tổ chức hội nghị toàn đảng bộ bàn chủ trương công hữu luồng. Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm ở những nơi làm điểm, Lang Chánh đã chỉ đạo nhân rộng. Tính đến tháng 12-1962, toàn huyện đã có 37/46 HTX có luồng, tỷ lệ công hữu đạt 89% diện tích. Phần diện tích luồng chưa công hữu để lại cho xã viên sử dụng trong gia đình. Công hữu luồng trên địa bàn Lang Chánh được thực hiện trên nguyên tắc: Tất cả các xã viên từ 16 tuổi trở lên (trừ những người tàn tật, già yếu) đều phải đóng góp cổ phần luồng; những gia đình thừa luồng được mua lại và trả gọn trong 3 năm theo đơn giá đã tính. Các HTX phải tổ chức đội khai thác, đội bảo vệ và trồng rừng. Lần đầu tiên trong lịch sử rừng được khai thác, bảo vệ và phát triển theo kế hoạch thống nhất, việc này đã tác động tốt trong việc trồng và khai thác. Có thể nói, trong những năm 1960 – 1965, Lang Chánh đã phủ xanh đồi trọc, đất trống bằng luồng, các loại cây lấy gỗ và cây ăn quả.

Một câu chuyện khiến cụ Hợi nhớ mãi, có một lần, ban định canh định cư tổng kết và tổ chức cuộc thi “luồng tốt” ở huyện Ngọc Lặc. Lúc ấy, Lang Chánh chọn luồng của làng Đáy, xã Tân Phúc để mang đi thi bởi thân to, đều, đanh chắc, cứng cây. Kết quả năm ấy, không có cây luồng nào ở các nơi khác có thể vượt qua được luồng Lang Chánh. Thế rồi cây luồng Lang Chánh nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước và nó bắt đầu có thương hiệu. Có lẽ từ đây, Lang Chánh được mệnh danh là “vua luồng”. Luồng và rừng đã đem lại cho đồng bào các dân tộc trong huyện nguồn lợi to lớn.

Năm 1969 – 1971, huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các HTX, tổ chức vườn ươm cây giống, tập trung 20% nhân lực để tu bổ và phát triển rừng luồng. Năm 1971, toàn huyện đã tu bổ 44 ha luồng và trồng mới một số đồi luồng có diện tích gấp 3 lần năm 1970, khai thác vượt mức chỉ tiêu kế hoạch để cung cấp cho nhân dân trong tỉnh xây dựng nhà cửa sau chiến tranh. Trong quá trình cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ Lang Chánh đã nhận thức đúng và sắp đặt đúng vị trí của rừng luồng trong cơ cấu kinh tế huyện nhà. Để ghi nhận thành tích này, năm 1974, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Tôn Đức Thắng đã khen ngợi Đảng bộ và nhân dân huyện Lang Chánh và tặng thưởng cho HTX Chiếu Bang một lẵng hoa về thành tích trồng luồng.

Đặc biệt trong thời kỳ này, Lâm trường đã vinh dự được tham gia đóng góp những bụi luồng, những khối gỗ lát lấy từ rừng Lang Chánh mang ra thủ đô Hà Nội phục vụ công trình xây dựng lăng Bác Hồ. Đó là niềm vinh dự không chỉ đối với mảnh đất Lang Chánh thân thương mà còn là niềm tự hào khôn xiết với tất thảy người dân Thanh Hóa anh hùng vào thời điểm đó.

Bài và ảnh: Vân Anh – Nguyễn Trường

Bài 2: Thời kỳ suy thoái và sự hồi sinh kỳ diệu của “vua luồng” xứ Thanh.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/cay-luong-hoi-sinh-tren-dat-luong-bai-1-thoi-hoang-kim-cua-vua-luong-xu-thanh/100758.htm