Cây mía Quảng Ngãi đã hoàn thành sứ mệnh!

Ông Nguyễn Đình Buôn - Giám đốc nhà máy đường Phổ Phong cho biết, vụ mía năm 2020 vừa qua kết thúc sớm, sản lượng mía ép cả vụ chỉ có hơn 26.500 tấn mía cây. Một lượng mía quá ít ỏi, chỉ bằng sản lượng mía của xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) những năm 1990 của thế kỷ trước…

Thời "vàng son" đã qua

Phải nhìn nhận rằng, cây mía của những năm 1980 – 1990 là cây thật sự “xóa đói giảm nghèo” của người dân Quảng Ngãi. “Làm nhà, cưới vợ, trả nợ, mua xe” là câu nói cửa miệng của người dân thuở đó. Thật vậy, khi đó không còn cây gì khác ngoài cây lúa sản xuất bấp bênh, để có chút tiền bạc trang trải việc khác đều nhắm vào cây mía.

Sự có mặt của nhà máy đường, là niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi. Bởi lúc đó sản xuất công nghiệp của tỉnh chưa phát triển, ngoài sự đồng hành cùng nông dân tìm nguồn thu nhập, nhà máy đường là đơn vị dẫn đầu về đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Và theo trào lưu, năm 1997 cùng với việc Công ty mở rộng nhà máy từ 2.000 tấn mía ngày (TMN) lên 4.500 TMN và tỉnh cũng xây dựng một nhà mới tại xã Phổ Phong ( Đức Phổ) có công suất 1.000 TMN.

Vùng mía năm xưa (Thọ Lộc Đông, Thọ Lộc Tây xã Tịnh Hà – Sơn Tịnh) nay đang trên đường đô thị hóa.

Không riêng gì ở Quảng Ngãi, cả nước lúc bấy giờ hầu như tỉnh nào có đất nông nghiệp trồng mía được đều xây dựng 1 đến 2 nhà máy đường. Để rồi, cuộc khủng hoảng ngành mía đường đầu những năm 2000 là một cú “choáng váng” cho tỉnh nào muốn làm giàu từ cây mía. Hệ quả là Nhà máy đường Quảng Phú phải di dời một bộ phận lên An Khê (Gia Lai) với công suất 2.500 TMN, vì ở Quảng Ngãi không đủ mía để sản xuất.

Khi công nghiệp tỉnh bắt đầu phát triển, đồng nghĩa với diện tích đất ngày càng thu hẹp, sản lượng mía không đủ cung cấp cho hai nhà máy, cộng với hệ lụy ô nhiễm môi trường và cuộc khủng hoảng mía đường đầu những năm 2010 càng làm tăng sức ép đối với doanh nghiếp. Nhà máy đường Quảng Phú phải chấm dứt hoạt động và chuyển toàn bộ lên An Khê…

Hiện tại và tương lai…

Thời gian qua, với nỗ lực của mình Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật từ đồng ruộng cho đến nhà máy như trồng mía, làm đất bằng cơ giới trên cánh đồng lớn, thu hoạch bằng máy tự động, đầu tư công nghệ mới trong sản xuất nhằm tăng năng suất, đem lại hiệu quả cho người trồng mía và Công ty.

Hiệu quả thấy rõ, nhưng rất tiếc các chương trình này vẫn là “cánh đồng mẫu” còn thực tế thì muôn vàn khó khăn, mặc dù Công ty đã tốn khá nhiều công sức, tài chính để đầu tư. Bởi đất đai vẫn còn manh mún, tốc độ đô thị hóa nhanh, giá đường xuống thấp, người dân có nhiều sự lựa chọn và cánh đồng lớn ở Quảng Ngãi vẫn là điều mơ ước…

Sau khi nhận bàn giao của tỉnh, Nhà máy Đường Phổ Phong đã mở rộng và công suất hiện tại là 2.200 TMN. Với công suất này chí ít mỗi năm phải có 250.000 – 270.000 tấn mía cây để sản xuất. Vụ sản xuất vừa qua có hơn 26.500 tấn mía – chỉ đạt hơn 10% công suất của nhà máy. Diện tích mía hiện tại trên đồng còn khoảng 500ha, với thời tiết không thuận lợi và canh tác theo tập quán cũ thì năng suất vụ đến không vượt qua 50 tấn/ha.

Được biết những vụ sản xuất mía gần đây nhà máy luôn thua lỗ, người nông dân thu nhập thấp nên chẳng còn mặn mà và đời sống của người lao động ngày càng khó khăn. Quảng Ngãi có truyền thống sản xuất mía đường lâu đời nhưng mọi sự việc đều có giai đoạn lịch sử của nó. Phải chăng cây mía Quảng Ngãi đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình?

Bài, ảnh: Minh Điền

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202006/cay-mia-quang-ngai-da-hoan-thanh-su-menh-3007454/