Cây ngô xanh và cuộc sống mới trên cao nguyên Mộc Châu

Khái niệm 'ngô cây' và 'ngô bắp' ra đời từ việc người nông dân gọi tên để phân biệt phương pháp thu hoạch trong những vụ ngô gần đây ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Họ đang bán ngô cả cây làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa, thay vì trồng ngô lấy hạt như cách làm truyền thống. Lợi nhuận tăng gấp đôi khiến cho những người nông dân hết sức vui mừng vì cú đúp ngoạn mục này. 'Trước đây, chúng tôi trồng ngô phải chờ tới lúc ngô chắc hạt, thuê người bẻ ngô, mang tới lò sấy, đóng bao, thậm chí còn phải chi phí chống mối mọt rồi mới có thể bán lấy tiền. Bây giờ ngô tới kì thu hoạch thì chúng tôi bán tại vườn, bán ngô cả cây, 1 ngàn đồng/kg. Vậy là lợi nhuận gấp đôi mà công sức bỏ ra chỉ còn một nửa. Cái giàu cũng tới nhanh hơn rồi' - ông Hạng A Súa, Trưởng bản Pa Khen phấn khởi cười lớn giữa triền ngô đang trổ cờ xanh mướt mắt.

Nông dân hằng ngày vẫn phải đảm bảo thức ăn thô xanh cho bò sữa. Ảnh: T. T. Hằng

Trồng ngô thu hoạch cây chỉ mất 2/3 thời gian so với ngô bắp nên nông dân có thể trồng được 2 vụ trong năm. Nói cho đúng đó là lợi ích kép, lại tiết kiệm được khá nhiều những khâu tốn nhân lực và thời gian dành cho thu hoạch. Ông Hạng A Súa là một trong những nông dân người Mông ở địa phương tiên phong trồng ngô cây bán làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa. Giờ tỉ lệ các hộ gia đình bán ngô cây đã chiếm đa số so với cách thu hoạch truyền thống.

Vùng cao nguyên Mộc Châu có nhiều diện tích trồng ngô thu hoạch cả cây tập trung ở các Nông trường Mộc Châu, Tân Lập, Phiêng Luông… với khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để trồng ngô đủ hàm lượng dinh dưỡng làm thức ăn thô xanh và thức ăn ủ ướp cho bò sữa. Cùng một diện tích đất nhưng có thể canh tác 3 vụ cây trồng, 1 vụ ngô còn lại vẫn có thể trồng lúa và hoa màu khác. Đất đai được tận dụng triệt để và hơn nữa được tính toán cụ thể để người nông dân giảm thiểu tối đa công lao động, nhưng lợi ích tăng dần sau mỗi vụ thu hoạch. Đã xuất hiện những kinh nghiệm truyền tai nhau của bà con, trồng ngô mật độ dày hơn và chọn giống ngô lai đơn phát triển nhanh, chịu hạn tốt và thân cây giữ nước, bắp to đều, đáp ứng cao nhất nhu cầu của tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi. Giống ngô này có thể đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha, mang về thu nhập 30 triệu/ha cho nông dân.

Mỗi năm, toàn huyện Mộc Châu có tới hơn 1.000ha trồng ngô theo phương thức thu hoạch này, hiện nay, diện tích đang tiếp tục được mở rộng thêm, đồng thời, nhiều diện tích cây trồng cũ kém hiệu quả được chuyển đổi. Trung bình, các gia đình ở địa phương, mỗi vụ ngô thu từ 40 đến 100 triệu đồng, nếu có sẵn đất canh tác và nhạy bén trong việc chuyển phương thức thu hoạch mà không cần thay đổi giống cây trồng.

Trò chuyện với ông Phạm Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, chúng tôi nhận thấy rõ sự ủng hộ và hậu thuẫn quan trọng của địa phương trước cơ hội mới của người nông dân. Ông nói, Mộc Châu may mắn có được thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho phát triển nông nghiệp với cây trồng năng suất cao. Nhưng may mắn hơn cả là cơ hội người nông dân có thể trở thành những nhà cung cấp nguyên liệu bền vững cho một doanh nghiệp lớn và có uy tín như Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Đây là mối quan hệ vì lợi ích 2 bên và nông dân hiểu rõ cơ hội của mình, cũng như doanh nghiệp xây dựng văn hóa thương hiệu và trách nhiệm với cộng đồng bằng những cam kết kinh tế cụ thể và thiết thực.

Đây thực chất là sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm - đặc điểm mấu chốt của mối quan hệ giữa doanh nghiệp và lao động địa phương. Cả hai bên trong cuộc cung cầu đều phải coi sự phát triển chung là nền tảng. Ông Trần Công Chiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu chia sẻ: "Chúng tôi luôn ưu tiên những phương án phát triển của doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho nông dân địa phương. Gắn bó với nông dân nhiều năm, tôi biết rõ sự cần mẫn chăm chỉ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn trong canh tác cây trồng và chăm sóc vật nuôi, đặc biệt là đồng bào Mông. Chúng tôi tin cậy và lấy uy tín doanh nghiệp để đặt cược vào mối liên kết này".

Ông Tráng A Sáng, một trong những nông dân người Mông tiên phong chuyển đổi sang trồng ngô lấy cây làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: T. T. Hằng

Chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu là hướng đi mang lại lợi ích kép. Kế hoạch đến năm 2020, đàn bò ở Mộc Châu sẽ tăng lên đến 35 ngàn con, diện tích trồng ngô làm thức ăn ủ ướp sẽ buộc phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu tại chỗ. UBND huyện Mộc Châu đã có bài toán mở rộng diện tích đất đai canh tác, đồng thời, chuyển đổi mô hình cây nông nghiệp ở những diện tích đã và đang canh tác kém hiệu quả sang trồng ngô cây. Thậm chí, hướng phát triển nhanh hơn là hỗ trợ giống và khuyến khích về giá đến một mức nào đó hợp lý đối với doanh nghiệp nhưng lại kích thích được nông dân và mang lại niềm hứng khởi mới trong tình hình phát triển kinh tế chung của địa phương.

Nông dân sẽ hạnh phúc trong sự lựa chọn của mình - đó là bài toán kinh tế trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi cho cao nguyên Mộc Châu. So với vùng địa lý có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì Mộc Châu, Sơn La có lợi thế riêng để trở thành vùng kinh tế liên kết kiểu mẫu để xây dựng nông thôn mới ở miền núi. Như vậy, sau khi được biết đến là địa phương giàu có về tiềm lực con người - văn hóa, Mộc Châu hiện nổi lên là nơi nông dân chăn nuôi bò sữa giỏi và đáp ứng tốt với các quy hoạch kinh tế nông thôn mới.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cay-ngo-xanh-va-cuoc-song-moi-tren-cao-nguyen-moc-chau/