Cây quế - cây 'hái tiền' của đồng bào Bình Liêu

Quế là cây trồng không chỉ gắn bó 'máu thịt' với bà con Bình Liêu mà còn là cây có giá trị kinh tế to lớn. Những ngày này, trên khắp các thôn, bản từ vùng cao đến vùng thấp huyện Bình Liêu, người người, nhà nhà đang nhộn nhịp khí thế thu hoạch quế. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập đáng kể, cây quế còn được quan tâm phát triển, xây dựng thương hiệu, chế biến... để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm

.

Cây quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15m. Cây trồng ở Bình Liêu sau tầm chục năm có thể khai thác bóc vỏ lần đầu. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Cây quế thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Bình Liêu, do đó, được trồng rải rác ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện.

Người dân thu hoạch quế trên rừng quế ở thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.

Người dân thu hoạch quế trên rừng quế ở thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.

Những ngày tháng 4, khi ánh nắng vừa kịp ló ra khỏi ngọn núi, bà con ở khắp các thôn, bản trên địa bàn huyện Bình Liêu bắt đầu ngày mới với công việc bóc và cạo vỏ quế. Từ xa, mùi thơm của quế đã lan tỏa khắp các ngả đường. Trên các cánh rừng quế giữa mùa thu hoạch, không khí “hái tiền” nhộn nhịp hẳn. Theo chân chị La Thị Nguyên (thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn) với chiếc dao chuyên biệt dùng để bóc vỏ quế cùng một chiếc bao, găng tay chúng tôi lên rừng “hái tiền” cùng với người dân.

Chị Nguyên cho biết: “Cây quế cho giá trị kinh tế cao vì trên cùng một cây quế có thể khai thác nhiều lần, có thể bán từ vỏ đến thân, lá. Hiện nay, gia đình tôi còn khoảng 1ha rừng quế đang cho thu hoạch. Mỗi ngày, trung bình một người có thể bóc được hơn 40kg vỏ quế, từ đầu vụ đến nay, gia đình đã thu hoạch và bán được gần 20 triệu đồng tiền quế. Năm trước, với giá vỏ quế tươi là 17.500 đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 70 triệu đồng. Thu nhập từ quế đã giúp gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày và nuôi các con ăn học. Năm nay, gia đình tôi lại tiếp tục trồng mới thêm hơn 1 vạn cây quế để vừa phủ xanh rừng vừa tăng thu nhập cho gia đình”.

Cũng như gia đình chị Nguyên, gia đình ông Hoàng Văn Phương thôn Bản Ngày, xã Vô Ngại có gần 1ha rừng quế đang được khai thác. Ông Phương cho biết: “Gia đình tôi trồng rừng quế này từ năm 1996, đến nay đã là năm thứ 3 rừng quế của gia đình cho thu hoạch. Do vợ chồng già cả, không thể lên rừng bóc vỏ quế nên gia đình tôi đã bán cho thương lái với giá 120 triệu đồng”.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, ước tính tổng giá trị kinh tế trên diện tích trồng 1ha quế (khoảng 15 năm) đạt 580 triệu đồng từ việc tỉa thưa để thu cành, lá, vỏ; từ việc khai thác năm cuối thu cành, lá, vỏ, thân gỗ; ngoài ra còn các sản phẩm phụ như hạt giống, viên nén sinh học. Lợi nhuận trung bình người dân trồng quế thu được ước tính đạt 38,7 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 2 lần so với trồng cây gỗ khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy theo chất lượng vỏ quế, hiện nay giá 1kg vỏ quế tươi có giá từ 21.000-22.000 đồng/kg, vỏ vụn từ 15.000-16.000 đồng/kg, vỏ quế khô có giá từ 45.000-47.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, có những thời điểm giá quế biến động tăng, giảm bất thường khiến người dân không yên tâm. Đơn cử, giá quế tươi những năm trước chỉ dao động từ 17.500-18.500 đồng/kg. Thị trường xuất khẩu nhiều khi cũng không ổn định. Vì thế, thương lái hiện nay chủ yếu mua quế rồi thuê người cạo vỏ, phơi khô rồi mới xuất khẩu.

Người dân Hoành Mô thu hoạch, sơ chế rồi mang phơi quế để xuất khẩu.

Dù quế có giá cao hơn so với năm 2018, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nên cây quế chậm tróc vỏ, cộng với mưa nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hoạch của bà con. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Nhung, chủ một cơ sở thu mua vỏ quế cho biết: “Mọi năm tầm này, tôi thu mua cả tấn quế mỗi ngày nhưng năm nay chỉ mua được bằng một nửa. Hy vọng thời gian tới thời tiết tốt, người dân lên rừng thu hoạch được đều, lượng quế thu mua vào sẽ tăng cao hơn. Do đầu ra cây quế có sẵn nên lượng quế cơ sở tôi thu mua về đều được vận chuyển tiêu thụ nhanh chóng”.

Để nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng quế, trong những năm qua, huyện Bình Liêu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây quế, triển khai kế hoạch hỗ trợ trồng và phát triển cây lâm sản: Quế, hồi, sở. Ngoài ra, huyện Bình Liêu đưa quế thành sản phẩm OCOP của huyện, điển hình như sản phẩm tinh dầu quế được xếp hạng 3 sao, vỏ quế được chế biến thành các túi thơm để phòng, treo xe ô tô… Tuy nhiên, sản lượng sản xuất chưa thật sự cao, chưa tiêu thụ và làm gia tăng nhiều giá trị của cây quế. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm từ cây quế; xây dựng các hợp tác xã thu mua sản phẩm quế để đảm bảo ổn định đầu ra cho cây quế và xây dựng mô hình phát triển vùng trồng quế gắn với du lịch cộng đồng.

Cây quế là cây có nhiều công dụng, đem lại giá trị kinh tế, xuất khẩu cao, nhưng có lẽ để gia tăng hơn nữa giá trị sản phẩm quế cần có một kế hoạch dài hơi, sự đầu tư bài bản và sự tham gia của những doanh nghiệp có tiềm lực, để cây quế thực sự trở thành cây “hái tiền”, góp phần từng bước xóa nghèo cho người dân huyện Bình Liêu.

La Lành - Hoàng Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201904/cay-que-cay-hai-tien-cua-dong-bao-binh-lieu-2438099/