Cây robot: Một phát minh có thể cứu sống sinh mạng hàng triệu người?

Ô nhiễm không khí đạt đến mức cao khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, trên thế giới trung bình 10 người lại có chín người đang hít thở không khí chứa hàm lượng chất gây ô nhiễm cao.

Các chuyên gia WHO cho rằng, ô nhiễm không khí là mối nguy cơ nghiêm trọng nhất đe dọa sức khỏe. Ước tính, mỗi năm lại có bảy triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời.

Mexico là một quốc gia Mỹ Latinh với những chỉ số tồi tệ nhất về chất lượng không khí. Theo Trung tâm Bảo vệ và Quyền môi trường Mexico (Cemda), tại quốc gia này mỗi năm ghi nhận khoảng 9.300 trường hợp tử vong do ô nghiễm không khí.

Và chính ở đây các chuyên gia đã phát minh ra một thiết bị có thể giúp giải quyết vấn đề này. Đó là Biourban - cây robot có khả năng thực hiện công việc của 368 cây thông thường.

Cây nhân tạo có tên gọi BioUrban thực chất là một khối cấu trúc kim loại hình tháp với chiều cao 4,2m và bề rộng khoảng 3m. BioUrban được thiết kế giống như một cây trồng với hai phần gồm phần trụ làm thân cây và phần tán xòe rộng như chiếc phễu. Cây nhân tạo được dựng lên từ nhiều vòng kim loại đồng tâm với khoảng cách giữa các vòng tăng dần từ gốc lên tới tán.

"Bộ máy" làm sạch không khí được thiết kế trong lòng tán cây. Cơ chế hoạt động của thiết bị nhân tạo nói trên là thu nạp không khí ô nhiễm và ứng dụng công nghệ sinh học để thúc đẩy quá trình quang hợp tự nhiên, tương tự như quy trình của một cây thật.

“Hệ thống được tạo ra để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên thế giới. Chính sách của chính phủ trong lĩnh vực này chưa mang lại kết quả, họ chỉ đo mức độ ô nhiễm thay vì giảm bớt mức độ này”, - ông Jaime Ferrer, người đồng sáng lập công ty BiomiTech chuyên sản xuất cây robot, nhận xét trong cuộc phỏng vấn với Sputnik. “Chúng tôi đang cố gắng thay đổi tình trạng này”, - ông nói.

Sau ba năm nghiên cứu, công ty Mexico đã phát triển cây cơ học giúp xử lý ô nhiễm không khí có thể gây ra cái chết của 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Thiết bị cao 4 mét có năm xi lanh, mỗi xi lanh chứa 100 lít. Bên trong có những loài tảo sống tham gia vào quá trình quang hợp suốt ngày đêm quanh năm.

Cây robot Biourban.

Cây robot Biourban.

“Không khí bị ô nhiễm vào các xi lanh, và tảo hấp thụ nó, xử lý nó và trả lại dưới dạng không khí được lọc. Để thực hiện quá trình này ngay cả vào ban đêm, tảo được chiếu sáng bằng cách sử dụng năng lượng từ các tấm pin mặt trời, nhờ đó hệ thống có thể hoạt động độc lập” - ông Ferrer giải thích.

Ước tính sơ bộ, một cây BioUrban trong 1 năm có thể hấp thụ được 13 triệu khối khí, lọc hiệu quả tới 99,7%, và một cái cây có hiệu quả tương đương 368 cây trồng cỡ nhỏ. Để dễ so sánh hơn thì chỉ một cây BioUrban thôi cũng đủ cung cấp oxy cho gần 3000 người hoạt động mỗi ngày.

Ở một thành phố lớn, dân số sẽ ngày càng đông, diện tích dành cho tự nhiên sẽ ngày càng ít lại. Các loài cây trồng cũng cần thời gian dài để phát triển, vậy nên BioUrban hiện đang là một giải pháp cực kỳ hứa hẹn để giải quyết tình trạng chất lượng không khí xuống cấp như hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, BioUrban gần như không có nhược điểm, khi không hề sản sinh ra bất kỳ chất thải nào, trong khi hệ thống vi tảo lại tồn tại trong tự nhiên.

Để mỗi Biourban hoạt động hiệu quả, cần phải tiến hành các công việc bảo trì một lần trong 3-4 tháng, tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm môi trường. Các tấm pin phải được làm sạch và tảo dư thừa phải được loại bỏ, vì tảo là sinh vật sống phát triển nhanh bên trong các xi lanh. Cỏ biển dư thừa có thể được sử dụng làm phân bón.

Tuổi thọ cây robot trị giá 50.000 USD đạt tới hơn 20 năm.

Ô nhiễm không khí ở các thành phố và khu vực nông thôn trên khắp thế giới gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. 91% trong số này là ở các nước với thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Ở châu Mỹ, Tổ chức Y tế Pan American (PAHO) cung cấp dữ liệu cụ thể hơn. Ở Bắc và Nam Mỹ, ô nhiễm không khí gây ra 93.000 ca tử vong mỗi năm ở các nước với thu nhập thấp và trung bình, và 44.000 ca tử vong ở các nước với thu nhập cao.

“Dân số thế giới đang chết dần vì các vi hạt bị ô nhiễm lắng xuống phổi. Chỉ riêng ở Mexico, hàng ngàn người chết mỗi năm do vấn đề ô nhiễm không khí, và hiện tượng này được gọi là cái chết chậm”, ông Ferrer nói.

Chính bởi vậy phát minh của Mexico đã thu hút sự chú ý của cả thế giới và đã được tặng các giải thưởng ở Anh và Thụy Sĩ. Puebla là thành phố Mexico duy nhất có cây robot làm việc. Một số cây robot cũng được đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Panama và Colombia.

Những quốc gia khác, ví dụ, Anh, Pháp và Ấn Độ, bắt đầu đàm phán về việc cài đặt trên đường phố thiết bị độc đáo có thể làm giảm ô nhiễm không khí.

Theo khoahoc.tv

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/khoa-hoc/cay-robot-mot-phat-minh-co-the-cuu-song-sinh-mang-hang-trieu-nguoi-155265.html