Cấy tế bào gốc vào lợn để phát triển thành nội tạng người: Lại chuyện đạo đức y học

Công nghệ này trong tương lai có thể giải quyết bài toán thiếu nội tạng để ghép. Lập tức chủ đề này đang tạo ra cuộc tranh luận rất sôi nổi: Vấn đề đạo đức.

Hình ảnh "quái nhân" được báo giới tung lên mạng sau tuyên bố của các nhà khoa học Mỹ

Cụ thể hơn, liệu việc cấy ghép nội tạng người lên cơ thể động vật có hợp với đạo đức y, sinh học không. Đây là một cuộc tranh luận rất cần thiết vì như một chỉ trích mà giới triết học thường dành cho giới khoa học: Các nhà khoa học nhiều khi chỉ quan tâm đến câu hỏi việc đó có thể làm được không mà không nghĩ đến việc đó có nên làm không. Ví dụ có thể là khi Albern Einstein có những ân hận cuối đời khi đã góp phần không nhỏ vào chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, mở ra một thời kỳ nguy hiểm mới với an ninh của chính con người.

Không có gì tranh cãi về việc ghép nội tạng là một trong những thành công lớn nhất của y học hiện đại. Thành tựu này cứu sống hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới mỗi năm. Những ca ghép thận, ghép tim, ghép gan… là niềm hy vọng duy nhất để có thể sống rời xa máy móc hỗ trợ trong một thời gian dài. Điều đáng tiếc duy nhất là lượng nội tạng được cống hiến dùng để ghép luôn luôn ít hơn rất nhiều so với cầu.

Giữa bối cảnh này thì việc cấy ghép bộ phận cơ thể cần thiết lên lợn dần trở thành cứu cánh. Hiểu đơn giản, công nghệ này sẽ sử dụng những thành tựu trong công nghệ biến đổi gen để xóa đi DNA chịu trách nhiệm cho việc phát triển một nội tạng bất kỳ của phôi thai con vật và thay vào nó là tế bào gốc của người. Những tế bào gốc này đã được “thiết kế” đặc biệt để có thể phát triển thành bất cứ bộ phận nội tạng nào mà mục đích cần đến.

Công nghệ này có thể loại bỏ được 2 trở ngại lớn nhất đối với việc cấy ghép nội tạng động vật cho con người (đây không phải là ý tưởng mới). Thứ nhất là lo ngại về việc hệ miễn dịch người loại bỏ nội tạng được cấy khi nội tạng được nuôi trong cơ thể động vật khác theo công nghệ này không khác mấy so với nội tạng người. Thứ hai là việc các bệnh truyền nhiễm từ vật sang người khi công nghệ gen có thể biến nội tạng này miễn dịch với những loại bệnh đáng ngại.

UNOS - Tổ chức kết nối ghép tạng toàn cầu dự đoán là tính riêng ở Mỹ thì mỗi ngày có 22 bệnh nhân qua đời do không thể chờ được nội tạng. Dù cứ 10 phút lại có một người được cho vào danh sách hiến nội tạng toàn quốc. Điều này cho thấy tính cấp bách của việc tìm một cách nào đó mà nội tạng cần thiết có thể đến với bệnh nhân cần nó đúng thời gian hơn.

Một công nghệ có thể khỏa lấp sự thiếu hụt nội tạng toàn cầu như vậy lại đang ở trong tâm bão khi mà hàng loạt nhà đạo đức sinh học và các tổ chức động vật lên tiếng phản đối vấn đề này.

Vấn đề thứ nhất được Jason Robert, một nhà đạo đức sinh học ở Đại học Arizona, nêu lên là việc đưa DNA của người vào một vật sẽ khiến vật chủ trở thành một con vật được khoa học gọi là “chimeras”, theo tên một con vật lai giữa sư tử, rắn và dê theo thần thoại Hy Lạp.

Việc này là, theo như Robert, “rất không nên” vì “có một cái gì đó rất đặc biệt về con người và việc cấy ghép một phần DNA của người vào động vật có thể truyền một phần khả năng của con người lên não con vật”.

Nỗi lo lắng ở đây là nếu việc đó xảy ra, và đây là một chữ nếu rất lớn thì liệu những neuron thần kinh đặc biệt của người có phát triển đủ mức đề con vật đó nhận biết như con người không. Sự cẩn trọng này, tuy có thể có cơ sở (cần nhiều hơn nữa những thí nghiệm để hiểu về vấn đề này để những cuộc tranh luận có cơ sở khoa học thực tiễn chứ không chỉ là trên giấy tờ) nhưng là sự lo lắng thừa.

Giảng viên Jonathan Hughes ở Trường ĐH Keele, Anh lập luận rằng não lợn chỉ to bằng 1/8 não người nên dù những DNA này có thể tăng khả năng của con vật, không có cơ sở nào để chỉ ra rằng nó có thể đạt được nhận thức bậc cao có thể đưa nó ngang hàng với con người xét theo đạo đức.

Một lập luận nữa được Tổ chức động vật PETA ủng hộ và được thể hiện rõ nhất qua câu nói của nhà triết học Jeremy Bentham: “Câu hỏi đặt ra không phải là chúng (con vật) có thể suy nghĩ lập luận hay có thể nói mà là chúng có chịu đau đớn không?”.

Chắc chắn là sự đau đớn của loài vật phải được tính vào phép tính đạo đức. Tuy vậy thì lập luận này cũng có điểm yếu lớn nhất là khi mà động vật vẫn được nuôi nhốt và giết mổ để làm thức ăn cho con người thì sẽ thật kỳ cục nếu như cấm sử dụng động vật cho việc cấy ghép nội tạng lại người để sử dụng sau này.

Sẽ có lập luận rằng ngay cả những lò giết mổ và chính việc ăn thịt động vật đang trong tâm điểm của sự chỉ trích của những người bảo vệ quyền động vật. Tuy vậy thì việc này chứng tỏ nền tảng cho lập luận của PETA là yếu ớt, đặc biệt là khi mà thịt động vật là nguồn cung protein tự nhiên cho con người từ thuở sơ khai.

Chắc chắn rằng những tranh cãi xung quanh vấn đề lai ghép nội tạng trên cơ thể động vật để dùng cho mục đích ghép tạng người sẽ chưa dừng lại ở đây.

Vấn đề đạo đức không phải là một vấn đề mà các bên có thể dễ dàng đạt được sự đồng thuận vì không có một đáp án đúng như các vấn đề khoa học. Tuy vậy thì cho đến khi các thành tựu khoa học phát triển hơn đến mức không cần động vật để lai ghép nội tạng người thì việc dùng động vật như một nguồn cung nội tạng là một giải pháp đáng xem xét.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cay-te-bao-goc-vao-lon-de-phat-trien-thanh-noi-tang-nguoi-lai-chuyen-dao-duc-y-hoc-post166793.html