CCB Nhà văn Đặng Vương Hưng đề xuất: Nên có Huy hiệu 'Chiến sĩ Bảo vệ Biên giới'

CCB (Cựu chiến binh) Nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng, với những công lao cho dân tộc, nhà nước nên tặng 'Huy hiệu chiến sĩ bảo vệ biên cương' giống như đã từng tặng 'Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên', 'Huy hiệu Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị', 'Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa'... cho các chiến sĩ bảo vệ biên giới.

CCB Nhà văn Đặng Vương Hưng (ngoài cùng bên trái gặp gỡ CCB - Những người đi giữ biên cương. Ảnh: Huyền.

CCB Nhà văn Đặng Vương Hưng (ngoài cùng bên trái gặp gỡ CCB - Những người đi giữ biên cương. Ảnh: Huyền.

Nhân kỷ niệm tròn 40 năm mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc, theo ý tưởng đề xuất của CCB - nhà văn Đặng Vương Hưng (Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị VN); được sự ủng hộ của CCB Kỷ lục gia, Doanh nhân Lê Duy Hảo (người sáng lập Gốm sứ Tâm linh NASON); CCB Ngô Văn Học (nguyên Tổng Biên tập Báo Quân khu I) cùng một nhóm các CCB thế hệ “Những người đi giữ biên cương” đã trực tiếp tham gia 10 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989); Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối phợp với Thương hiệu Gốm sứ Tâm linh NASON đã tổ chức buổi “Gặp mặt đồng đội” (1979 – 2019) sáng ngày 23/2/1019.

CCB Nhà văn Đặng Vương Hưng đọc bài thơ "Gọi hồn lính trận" do ông sáng tác. Ảnh: Huyền.

Với sự tham gia của nhiều CCB là nhân chứng từng trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh… Và sự chứng kiến của đại diện một số cơ quan báo chí - truyền thông.

Các CCB gặp gỡ bắt tay nhau. Ảnh: Huyền.

Mở đầu buổi gặp mặt, các CCB đã giành một phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước. Nhà văn Đặng Vương Hưng (người tham gia chiến đấu chống quân xâm lược giữ biên giới) chia sẻ: Những ngày này cách đây 40 năm trước, cả nước ta đang sục sôi không khí chiến tranh chống xâm lược phương Bắc, bởi Trung Quốc đã huy động tới hơn 600 ngàn quân, với 9 quân đoàn chủ lực, 32 Sư đoàn bộ binh, 6 Trung đoàn với 550 xe tăng, 4 Sư đoàn và Trung đoàn pháo binh phòng không, với 2559 khẩu pháo, dàn phóng tiễn… đồng loạt tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta…

Dù đơn phương khai chiến ngày 17/2/2019, nhưng Trung Quốc cũng nhanh chóng thua cuộc và phải tuyên bố rút quân từ ngày 5/3 đến 18/3. Tính đến ngày đó, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt 62.500 tên địch, bắt sống 260 tù binh, đánh thiệt hại nặng 9 quân đoàn chủ lực, bắn cháy 280 xe tăng, thiết giáp và 270 xe quân sự, phá hủy 115 khấu pháo, cối và dàn hỏa tiễn (nguồn Tổng cục Chính trị QĐNDVN).

Về phía Việt Nam, thiệt hại cũng rất nặng nề, chỉ tính riêng cuộc chiến kéo dài một tháng này đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt – Trung, hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, hơn 400.000 gia súc bị giết, một nửa trong số 3,5 triệu dân ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa và tài sản… (Nguồn: Cục Chính sách Bộ Quốc phòng).

Họ hát cho nhau nghe. Ảnh: Huyền.

Tuy nhiên, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải kết thúc trong tháng 3 năm 1979, mà còn kéo dài tới hơn 10 năm sau. Đã có hàng trăm ngàn người lính nhập ngũ và lên biên giới trong những năm tháng đó. Hàng chục ngàn người đã hi sinh và bị thương tích suốt đời. Chỉ riêng Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã có tới hơn 5.000 người lính hi sinh. Sau đó, nhà văn Đặng Vương Hưng đọc bài thơ xúc động do ông sáng tác.

“Về đây những đồng đội ơi!

Có nghe mưa đạn pháo rơi năm nào?

Máu tươi nhuộm đỏ chiến hào

Bao nhiêu trận địa, điểm cao vẫn còn...

Vẫn còn đó những núi non

Dấu chân người lính đã mòn tháng năm

Chỗ nào đồng đội đang nằm?

Chỗ nào xương trắng hỏi thăm xác người?

Cỏ cây giờ đã xanh tươi

Màu hoa đỏ tuổi hai mươi vơi đầy

Nghĩa trang liệt sĩ thêm dày

Mộ bia đã xếp hàng ngay ngắn rồi

Đồng đội ơi hãy về thôi!

Nhớ ngày giỗ trận tìm nơi mà về

Hồn thiêng xin trở về quê

Trở về đi, hãy trở về cùng nhau!

Nén hương thơm dịu nỗi đau

Cho bao nước mắt bắc cầu thành mưa.

Gọi hồn lính trận năm xưa...”

(Gọi hồn lính trận)

Đến buổi gặp mặt hôm nay, những chiến sĩ năm xưa mừng mừng tủi tủi. Họ không đem theo “tướng, tá” mà đều chung danh xưng là cựu chiến binh (CCB). Họ cười nói, ôm nhau, nhìn nhau mà sung sướng biết bao, có cựu binh nói ước gì chiến tranh không có, thì chúng ta, trong cơ duyên gặp nhau sẽ là những người hạnh phúc hơn.

Những cựu binh hôm nay được đến đây, ngồi đây, đối với họ là hạnh phúc vô bến bờ. Trước bom đạn, trước âm mưu của quân xâm lược Trung Quốc mà họ được sống đến ngày hôm nay nguyên vẹn thân thể thì đó là phúc lớn.

Họ ngồi bên nhau nâng chén trà, hát cùng nhau, và cùng nhau ngâm nga những câu thơ xúc động về các chiến sĩ giữ biên cương khi ấy. Tất cả đã hòa chung lại một, như làm sống thời xưa, thời của lòng yêu nước, quyết chí đánh đuổi giặc ngoại xâm, và họ đã làm được. Họ cùng những chiến sĩ đã ngã xuống xứng đáng là những anh hùng bất tử.

Xúc động khi kể lại chuyện xưa. Ảnh: Huyền.

Các chiến sĩ đã chia sẻ, kể lại những khó khăn, gian lao, hiểm nguy trong những năm chống giặc. Có cựu binh kể chuyện xưa mà lòng nghẹn lại. Nhà văn Đặng Vương Hưng thì cảm thấy day dứt, bởi cuộc chiến đấu chính nghĩa ít khi được nhắc đến, và ít được quan tâm như các cuộc chiến khác.

“Nhiều người cứ tưởng là cuộc chiến giữ biên cương chỉ diễn ra trong năm 1979, thực ra là 10 năm (1979 – 1989). Tôi mong sao, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức tặng Huy hiệu cho các chiến sĩ giữ biên giới phía Bắc như các chiến sĩ ở các mặt trận khác, với tên HUY HIỆU CHIẾN SĨ BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG giống như "Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên", "Huy hiệu Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị", "Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa"... để tặng cho hàng trăm ngàn CCB đã trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới của Tổ quốc và các thế hệ "Những người đi giữ biên cương" sau này”, nhà thơ Đăng Vương Hưng tâm sự.

Cùng đồng đội chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Huyền.

Các cựu binh có mặt hôm nay, họ không những là anh hùng thời chiến mà còn là những doanh nhân thành đạt trong thời bình. Nhiều cựu binh là chủ doanh nghiệp, góp phần vào công cuộc xây dựng cho đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Hi vọng cuộc “Gặp mặt đồng đội” của các CCB sẽ góp phần xây dựng thêm truyền thống tốt đẹp của “Anh bộ đội cụ Hồ” nói riêng và lực lựng vũ trang nhân dân nói chung; nhắc nhớ xã hội cần quan tâm hơn tới “Những người đi giữ biên cương”, chống ngoại xâm cho hôm nay và mai sau.

Hà Huyền |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-tho-dang-vuong-hung-nen-cap-huy-hieu-chien-si-bao-ve-bien-gioi-67401