CĐV Nhật Bản dọn rác trên khán đài không phải là ngẫu hứng

Đối với người dân xứ Phù Tang, việc thu gom rác ở nơi bản thân vừa có hoạt động là lẽ đương nhiên, theo triết lý 'bỏ đi không để lại dấu vết'.

 Một cổ động viên Nhật Bản dọn rác sau trận thắng trước Đức.

Một cổ động viên Nhật Bản dọn rác sau trận thắng trước Đức.

Ngày 23/11, sau chiến thắng 2-1 của tuyển Nhật Bản trước Đức trong khuôn khổ bảng E vòng chung kết World Cup 2022, hành động được ghi lại của các cổ động viên “Samurai xanh” thu hút sự chú ý trên mạng xã hội.

Họ nán lại trên khán đài, nhanh tay nhặt rác thải xung quanh khu vực như chai lọ, vỏ bao nylon, thu gom vào túi lớn mang theo. Trước đó, thậm chí khi đến theo dõi trận đấu giữa tuyển Qatar và Ecuador ngày 20/11, nhóm cổ động viên Nhật cũng làm điều tương tự.

Hay như cách đây 4 năm ở World Cup 2018 tại Nga, khu chỗ ngồi của cổ động viên Nhật Bản cũng được làm sạch sau trận đấu dù đội nhà để thua Bỉ với tỷ số 2-3.

Trong khi hành động này khiến nhiều người ngạc nhiên, các cổ động viên xứ Phù Tang xem đây là điều hiển nhiên và không chỉ làm vậy khi đi xem bóng đá.

Không để lại dấu vết ở nơi từng đến

Hình ảnh nhóm cổ động viên áo xanh nhặt rác trên khán đài hôm 20/11 được Bahrain Omar Al-Farooq, influencer ở Qatar có 2,6 triệu người theo dõi, ghi lại và chia sẻ trên trang cá nhân. Trong clip, Al-Farooq không giấu được vẻ bất ngờ và tán thưởng trước những gì nhìn thấy. Clip cũng thu về hơn 800.000 lượt thích.

Khi được Al-Farooq hỏi, một thành viên trong nhóm cổ động viên cho biết: “Chúng tôi là người Nhật, chúng tôi không bỏ lại rác sau lưng và chúng tôi tôn trọng nơi này”.

Ngoài rác, nhóm người còn cẩn thận đặt lại các lá cờ do cổ động viên Qatar và Ecuador bỏ lại, nói rằng quốc kỳ “phải được tôn trọng”.

Hành động của nhóm cổ động viên nhận được nhiều lời tán dương. Ảnh: BRfootball.

Không chỉ cổ động viên, trong phòng thay đồ, các tuyển thủ Nhật Bản cũng dọn dẹp các đồ đã dùng trước khi rời đi, đặt khăn tắm, chai nước, hộp đồ ăn ngay ngắn lại ở bàn nhỏ giữa phòng.

Theo Culture Trip, Nhật Bản là xã hội coi trọng chủ nghĩa tập thể, mỗi người nhận thức được rằng họ là một phần của cộng đồng, của điều gì đó to lớn hơn, quan trọng hơn một cá nhân.

“Ở Nhật Bản có câu 'Tatsu tori ato wo nigosazu' nghĩa là ‘Con chim không làm bẩn tổ khi nó rời đi’. Trong văn hóa của chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng khi chuẩn bị rời khỏi nơi nào đó thì nên dọn dẹp sạch sẽ và không để lại sự bừa bộn, để khi người tiếp theo đến, họ không cảm thấy khó chịu”, Makiko Takahashi, phiên dịch viên sống tại Osaka, cho biết.

Tuyển Nhật Bản cũng dọn sạch phòng thay đồ ở World Cup. Ảnh: FIFA.

Trong bài viết trên Gowithguide, cây bút Mari cho biết cô thường xuyên nhận được câu hỏi “Tại sao Nhật Bản sạch sẽ và ngăn nắp vậy?” là câu hỏi cô thường xuyên nhận được khi làm hướng dẫn viên du lịch.

Cô cho biết nhiều du khách nước ngoài ngạc nhiên khi thấy những không gian công cộng như nhà ga, nhà vệ sinh và đường phố sạch sẽ, có rất ít thùng rác vì mọi người được khuyến khích mang rác về nhà xử lý.

Theo Mari, thứ nhất, văn hóa này có ảnh hưởng từ tôn giáo.

“Ví dụ khi đến các nơi linh thiêng như đền thờ, chúng tôi cần rửa sạch tay trước khi cầu nguyện. Hay như Phật giáo dạy tầm quan trọng của sự sạch sẽ vì nó tương quan với việc có một tâm hồn thanh tịnh. Do đó, chúng tôi hình thành thói quen chịu trách nhiệm về sự bừa bộn đã tạo ra và xử lý rác tại nhà”.

Thứ hai là liên quan đến lịch sử. Nhật Bản từng hứng chịu nhiều thảm họa dịch bệnh và các sự kiện đau lòng trong quá khứ. Vì vậy, họ nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ cho môi trường sống sạch sẽ.

Thói quen từ trẻ nhỏ đến người già

Theo Trend in Japan, đối với người Nhật, việc nhặt rác ở nơi nào đó vừa sử dụng là “điều đương nhiên”. Suy nghĩ này được họ hình thành từ nhỏ, khi được dạy dọn dẹp ở nhà và trường học.

Tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, học sinh tự làm sạch phòng ốc thay vì lao công. Học sinh được chia thành các nhóm, thay phiên nhau quét và lau sàn nhà.

Các em nhỏ cũng sớm quen với việc lau chùi bằng “zokin”, hình thức lau chùi bằng khăn, người thực hiện dùng cả hai tay giữ miếng vải được may từ những chiếc khăn cũ trên sàn, đẩy người về phía trước như tư thế bò để làm sạch sàn nhà.

Đặc biệt ở các trường tiểu học, nơi việc lau dọn thường được thực hiện bằng “zokin”, còn tổ chức các cuộc thi như đường đua 100 m, xem ai lau dọn nhanh hơn. Hoạt động này giúp học sinh có thêm bạn mới khi cùng dọn dẹp và làm việc theo nhóm dạy các em tính kỷ luật, đoàn kết.

Hoạt động dọn dẹp phổ biến ở Nhật Bản, từ trẻ em đến người lớn. Ảnh:

Ở nhiều địa phương còn tổ chức các cuộc thi được gọi là "Spo - gomi" (ghép từ “sport” nghĩa là thể thao trong tiếng Anh và “gomi” nghĩa là rác trong tiếng Nhật).

Người tham gia chia thành các đội 3-5 người, cạnh tranh nhặt được nhiều rác nhất trong khu vực được chỉ định và khoảng thời gian cụ thể. Các cuộc thi này thường được tổ chức vào cuối tuần hoặc ngày lễ quốc gia.

Mọi người mặc nhiều kiểu quần áo khác nhau, từ đồ thể thao đến quần jeans, áo sơ mi, điểm chung là mang găng tay lao động hoặc kẹp dài, túi đựng rác.

Tại một cuộc thi được tổ chức ở khu Minato, Tokyo năm 2018, 63 người tham gia chia thành 14 đội, thu được tổng cộng 135 kg rác các loại như mẩu thuốc lá, chai nhựa… Rác được thu gom theo quy tắc và chấm điểm theo từng loại, đầu mẩu thuốc lá được nhiều điểm nhất.

Đội chiến thắng được trao giấy chứng nhận hoặc cúp, thậm chí là tiền thưởng do nhà tài trợ trao tặng.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cdv-nhat-ban-don-rac-tren-khan-dai-khong-phai-la-ngau-hung-post1378883.html