CEO Boeing: Đã có sai lầm khi xử lý sự cố hệ thống cảnh báo khiến máy bay gặp nạn

Dẫn nguồn tin AP, giám đốc điều hành của Boeing cho biết hãng này đã phạm phải một lỗi nghiêm trọng trong việc xử lý hệ thống cảnh báo buồng lái trong các máy bay 737 Max của họ trước khi hai vụ tai nạn thảm khốc xảy ra làm 346 người thiệt mang, và hứa sẽ minh bạch mọi thông tin khi hãng sản xuất máy bay này vận hành trở lại các chuyến bay của loại máy bay trên.

Trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn trong Triển lãm Hàng không tại Paris, Giám đốc điều hành của Boeing, Dennis Muilenburg thừa nhận việc đưa thông tin của Boeing tới các nhà quản lý, khách hàng và công chúng là không nhất quán. Và điều này là không thể chấp nhận được.

Ông Dennis Muilenburg - Giám đốc điều hành của hàng Boeing

Ông Dennis Muilenburg - Giám đốc điều hành của hàng Boeing

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã có lỗi với Boeing vì trong hơn một năm đã không thông báo cho cơ quan quản lý những thông tin về chỉ số an toàn trong buồng lái của chiếc máy bay bán chạy nhất. Boeing và FAA cùng cho rằng đèn cảnh báo không quan trọng đối với an toàn bay.

Không rõ liệu một trong hai vụ tai nạn có thể được ngăn chặn nếu cảnh báo buồng lái hoạt động tốt hay không, nhưng Boeing cho biết, phi công được cung cấp đầy đủ thông tin chuyến bay - bao gồm cả tốc độ, độ cao và hiệu suất động cơ trong các buồng lái máy bay, bao gồm cả dòng Max, và Boeing luôn coi trọng vấn đề an toàn bay.

Nhưng những thông tin truyền thông vá víu đã làm xói mòn niềm tin vào Boeing khi hãng này đang phải vật lộn để hồi phục sau các vụ tai nạn máy bay chở khách ở Indonesia và Ethiopia.

“Chúng tôi rõ ràng đã mắc sai lầm trong việc thực hiện cảnh báo”, ông Muenburg nói.

Các phi công cũng đã bày tỏ sự phẫn nộ khi Boeing đã không thông báo cho họ về việc áp dụng phần mềm mới liên quan đến hai vụ tai nạn thảm khốc.

Tuy vậy, CEO Muilenburg bày tỏ sự tin tưởng rằng Mỹ và tất cả các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới sẽ xóa bỏ lệnh cấm bay đối với Boeing 737 Max để cho phép loại máy bay này trở lại hoạt động vào cuối năm nay.

Máy bay 737 Max trước khi xảy ra sự cố do hệ thống cảnh báo an toàn

“Chúng tôi sẽ dành thời gian cần thiết để đảm bảo Max an toàn”, vị CEO này nhấn mạnh.

Cách đây 3 tháng, Boeing đã đưa ra phiên bản chỉnh sửa hệ thống cảnh báo của dòng máy bay Max và đang chờ sự thẩm tra của các cơ quan chức năng liên quan trước khi được cấp phép quay trở lại bầu trời. Ông Muilenburg gọi các vụ tai nạn của Lion Air và hãng hàng không Etopian là “thời kỳ đen tối” cho hãng Boeing, nhưng ông cũng cho rằng qua những sự việc không mong muốn trên, Boeing sẽ trở nên mạnh mẽ và phát triển hơn.

Tại Mỹ, Boeing đã phải đối mặt với sự chất vấn và giám sát của các thành viên của Quốc hội và FAA về các báo cáo liên quan đến đèn cảnh báo buồng lái. Tính năng này, được gọi là “góc tấn công” hoặc cảnh báo AoA, có chức năng cảnh báo các phi công khi cảm biến đo độ cao lên hoặc xuống của mũi máy bay liên quan đến áp suất không khí có thể có sai số.

Boeing đã thừa nhận các kỹ sư của họ đã phát hiện ra lỗi đèn cảnh báo cảm biến chỉ hoạt động khi được kết hợp với một tính năng tùy chọn riêng biệt vài tháng sau khi máy bay ra mắt vào năm 2017, nhưng đã không báo cáo vấn đề.

Các cảm biến đo góc đã được xác định là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air ở Indonesia vào tháng 10-2018 và vụ tai nạn của hãng hàng không Etopian vào tháng 3-2019. Các cảm biến đã gặp sự cố nên không thể cảnh báo, dẫn đến việc các phi công đã không thể kiểm soát được máy bay.

Phi công Dennis Tajer của hãng American Airlines, phát ngôn viên của Hiệp hội Phi công hoan nghênh sự thẳng thắn thừa nhận sai phạm và cam kết khắc phục lỗi cảnh báo buồng lái của CEO Muilenburg, nhưng Tajer cũng cho biết, việc Boeing đã mắc một loạt những sai lầm trong việc bưng bít thông tin là chưa từng có và Boeing cần phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng lại niềm tin.

“Khôi phục niềm tin vào dòng máy bay Max là ưu tiên số 1 của Boeing”, ông Muilenburg nói. Máy bay bán chạy nhất 737 Boeing Max, phiên bản mới nhất là sản phẩm rất quan trọng đối với tương lai của hãng. Chiếc Max là một lời đáp trả trực tiếp cho đối thủ của nó là máy bay tiết kiệm nhiên liệu A320neo của Airbus - một trong những máy bay phản lực nổi tiếng nhất của hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus, loại máy bay đã vượt qua Boeing về doanh số trong cùng hạng mục này.

Việc máy bay Max gặp sự cố, nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, thiệt hại từ thuế quan và các cuộc đấu tranh thương mại có nguy cơ phủ không khí ảm đạm lên Triển lãm hàng không Paris, trái với trước đây, khi triển lãm này luôn được xem là nơi tôn vinh các của công nghệ hàng không tiên tiến.

CEO Muilenburg cũng đã dự báo trước sự sụt giảm số lượng đơn đặt hàng tại sự kiện Paris, triển lãm hàng không lớn đầu tiên kể từ sau vụ tai nạn, nhưng cho biết điều quan trọng đối với Boeing là việc tham dự là cơ hội để thấu hiểu khách hàng và những đối tác trong ngành. Ông cũng tuyên bố rằng Boeing đang tăng dự báo dài hạn cho nhu cầu máy bay toàn cầu, đáng chú ý là trong bối cảnh tăng trưởng bền vững ở châu Á.

Boeing hy vọng các hãng hàng không thế giới sẽ cần 44.000 máy bay trong vòng 20 năm tới, so với dự đoán trước đó là 43.000 máy bay, và dự kiến trong vòng 10 năm, thị trường hàng không nói chung - bao gồm máy bay phản lực chở khách, hàng hóa và máy bay chiến đấu - sẽ đạt trị giá 8,7 nghìn tỷ USD, so với dự báo trước đó là 8,1 nghìn tỷ USD.

Cả hai ước tính này đều cao hơn so với đối thủ Airbus. Tuy nhiên, Airbus cũng đang rất tự tin tham gia triển lãm hàng không Paris. Dự kiến, hãng sẽ công bố doanh số và tiết lộ thông tin về dòng máy bay phản lực tầm xa A321 XLR mới nhất của hãng. Các giám đốc điều hành của Airbus cho biết việc dòng Boeing Max gặp sự cố đã làm ảnh hưởng đến chiến lược bán hàng của họ, nhưng cũng là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn đối với toàn bộ ngành công nghiệp hàng không.

Trang Vũ (Theo APnews)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/ceo-boeing-da-co-sai-lam-khi-xu-ly-su-co-he-thong-canh-bao-khien-may-bay-gap-nan/814490.antd