CEO CapitaLand Vietnam: Luật PCCC của Việt Nam nghiêm hơn Singapore

'Nếu so sánh các quy định tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong xây dựng chung cư tại Việt Nam với Singapore thì sẽ thấy, các quy định của Việt Nam gắt gao hơn rất nhiều', CEO CapitaLand Vietnam Chen Lian Pang cho biết.

Ông Chen Lian Pang - CEO CapitaLand Vietnam.

Quy định PCCC của Việt Nam gắt gao hơn Singapore

Theo CEO CapitaLand Vietnam Chen Lian Pang, Chính phủ Việt Nam đòi hỏi các quy định về chống cháy và xử lý cứu hỏa trong xây dựng khó khăn hơn Singapore, từ vật liệu cách nhiệt cho đến hệ thống thoát hiểm. Nếu ở Singapore, cửa thoát hiểm chống cháy ở mỗi căn hộ quy định thời gian chịu nhiệt tối đa là 60 phút thì ở Việt Nam con số này lên đến 70 phút. Tốc độ xử lý của hệ thống phun nước cứu hỏa tự động trong mỗi căn hộ tại Singapore chỉ là 22,5l/giây thì ở Việt Nam, tốc độ quy định tối thiểu là 57,6l/ giây, cao gấp đôi. Lượng nước dự trữ cho các vòi cứu hỏa tại Singapore chỉ sử dụng được tối thiểu 45 phút thì tại Việt Nam, con số này là 180 phút. Cự ly từ căn hộ đến cửa thoát hiểm cũng bị hạn chế ở mức 25m thay vì 30m như Singapore. Điều đó cho thấy, theo quy định thì các chỉ số PCCC ở chung cư tại Việt Nam an toàn và cao hơn hẳn một số quốc gia trong khu vực.

Đơn cử như chung cư mà CapitaLand xây dựng theo tiêu chuẩn PCCC của Việt Nam thì chỉ lấp cửa mở vào một chiều tại cầu thang thoát hiểm, điều này giúp buồng thang thoát hiểm giữ được áp lực, tăng mức an toàn khi có hỏa hoạn. Vì cửa được đóng kín, khói lửa sẽ không lọt vào được. Ngoài ra, cửa mở vào một chiều còn an toàn hơn cho cư dân khi thoát hiểm. Cư dân chỉ đẩy cửa để chạy vào, không thể chạy ngược ra. Điều này giúp cư dân trong lúc hoảng loạn không chạy ngược dòng người, không đụng nhau. Nếu cửa mở hai chiều, cư dân sẽ chạy ra chạy vào, làm buồng thoát hiểm không còn kín, áp lực thoát ra, khói lửa tràn vào. Cửa một chiều cũng giúp áp lực luôn được duy trì trong buồng thang thoát hiểm, vì nếu mất áp lực, thang không còn giữ được chức năng bảo vệ khói lửa tràn vào nữa.

CEO CapitaLand Vietnam nhấn mạnh: Ở đâu cũng có hỏa hoạn nhỏ, nhưng nếu xử lý kịp thời thì không có hậu quả. Ở Việt Nam, tuy luật PCCC nghiêm hơn, nhưng còn tùy chủ đầu tư có tuân thủ hay không. Vì thế, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ và cẩn thận trong việc chọn mua chung cư nào.

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến ý thức của cư dân, khi sống trong chung cư cao tầng, mỗi người đều phải ý thức cao để phòng cháy. Và tôi nhắc lại là công tác quản lý tòa nhà, vai trò của Ban Quản trị là rất lớn. Vì chủ đầu tư có gắn hệ thống PCCC và tuân thủ luật tốt nhưng trong quá trình vận hành không được kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị thì khi xảy ra hỏa hoạn, hậu quả rất nghiêm trọng. Và phải có diễn tập PCCC cho cư dân để cư dân bình tĩnh và biết cách thoát hiểm”, ông Chen Lian Pang phân tích.

Thang thoát hiểm là “thần cứu mệnh” lúc nguy nan

CEO Capital Land khuyến cáo, nếu chung cư được xây đúng cách và được vận hành đúng cách thì cư dân ở trên lầu cao nên bình tĩnh khi hỏa hoạn xảy ra. Vì có chuông báo cháy, có hệ thống nước phun, và dù ở lầu cao thì cư dân vẫn đủ thời giờ để đi xuống bằng thang thoát hiểm. Thang thoát hiểm chính là nơi bảo vệ bạn khi hỏa hoạn xảy ra.

Không khí cũng có chung quy luật, không thể tràn vào nơi có áp lực cao hơn. Buồng thang thoát hiểm có áp lực cao hơn bên ngoài, áp lực này đẩy không khí và khói lửa ra ngoài, không cho tràn vào. Vì thế khi có hỏa hoạn, khói lửa không lọt vào được, buồng thoát hiểm trở thành nơi an toàn nhất. Quạt tạo áp lực gắn ở trên cùng của buồng thang thoát hiểm, được vận hành 24/24 giờ bằng điện và bằng máy phát điện dự phòng khi có sự cố. Vì thế, áp lực luôn được duy trì cao hơn ở bên ngoài. Điều này rất quan trọng vì là nơi cứu mạng cư dân, nếu cửa bị chèn mở ra thì áp lực không còn nữa, khói lửa tràn vào.

Nếu đẩy cửa vào buồng thang thoát hiểm, cửa hơi nặng, không thể dễ dàng đẩy vào được thì áp lực bên trong cao hơn. Còn nếu cửa mở vào dễ dàng thì áp lực không đủ cao. Cư dân nên có trách nhiệm luôn đóng cửa lại để buồng thang thoát hiểm giữ được áp lực. Khi không có đủ áp lực để đẩy không khí ra ngoài thì thang thoát hiểm không còn chức năng thoát hiểm nữa, khói lửa sẽ tràn vào và cư dân sẽ lãnh hậu quả đáng tiếc.

“Chủ đầu tư và Ban Quản trị đều có vai trò quan trọng. Chủ đầu tư khi xây dựng công trình trang bị các thiết bị PCCC đúng quy cách, gắn đủ chuông báo cháy và vòi phun nước chữa cháy, thiết kế, xây dựng thang thoát hiểm có áp lực đóng chặt cửa không cho khói và lửa lọt vào. Nhưng, nếu Ban Quản trị không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, không hướng dẫn cư dân đúng cách thì khi hỏa hoạn xảy ra, chuông không kêu, nước không phun (hoặc bồn nước bị cạn), thang thoát hiểm bị mở toang cửa thì khi xảy ra cháy sẽ rất nguy hiểm”, CEO CapitalLand nhấn mạnh.

Ở chung cư PARCSpring xảy ra vụ cháy vào ngày 01/4/2018 nhưng do hệ thống báo cháy, thang thoát hiểm và các thiết bị chữa cháy khác đều hoạt động tốt, Ban Quản trị chữa cháy tại chỗ tốt, Ban Giám đốc CapitaLand Việt Nam có mặt kịp thời để phối hợp cùng Ban Quản trị, đội PCCC của quận 2 cũng có mặt kịp thời và chữa cháy hiệu quả nên không có thương vong xảy ra. Trước đó cư dân tòa nhà được diễn tập PCCC nên mọi người bình tĩnh.

Chung cư PARCSpring được bàn giao từ năm… sau hai năm thì có Ban Quản trị và họ làm việc có trách nhiệm. CapitaLand Việt Nam thiết lập các quy cách theo đúng quy trình, đảm bảo mọi thứ vào nề nếp rồi mới tổ chức bầu Ban Quản trị, đồng thời có bộ phận quản lý tòa nhà, thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ và đảm bảo các tòa nhà được vận hành tốt. Với trách nhiệm của chủ đầu tư, CapitaLand Việt Nam vẫn tiếp tục hỗ trợ để chung cư được vận hành tốt.

Nhi Ngọc

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ceo-capitaland-vietnam-luat-pccc-cua-viet-nam-nghiem-hon-singapore.html