CEO hãng hàng không lớn nhất Hong Kong từ chức giữa sức ép biểu tình

Giám đốc điều hành hãng hàng không Cathay Pacific Airways đã từ chức khi hãng chịu nhiều sức ép từ phong trào biểu tình Hong Kong (Trung Quốc).

Giám đốc điều hành hãng hàng không Cathay Pacific Airways đã từ chức khi hãng chịu nhiều sức ép từ phong trào biểu tình Hong Kong (Trung Quốc).

Ông Rupert Hogg từ chức - Ảnh: Bloomberg

Ông Rupert Hogg từ chức - Ảnh: Bloomberg

Theo thông cáo từ Cathay Pacific Airways, Rupert Hogg đã nộp đơn từ chức và được ban điều hành của hãng chấp thuận. Ông tuyên bố "nhận trách nhiệm với tư cách lãnh đạo công ty đối với những vụ việc gần đây".

Viết trong email gửi nhân viên tối 16/8, ông Hogg xác nhận uy tín và thương hiệu của Cathay Pacific đang chịu sức ép vô cùng lớn, đặc biệt "từ thị trường quan trong nhất là Trung Quốc đại lục".

Ông Hogg trở thành CEO của Cathay Pacific Airways, hãng hàng không lớn nhất Hong Kong, từ tháng 5/2017 và là một nhân viên kỳ cựu của tập đoàn Swire Pacific, cổ đông lớn nhất của Cathay Pacific, từ năm 1986.

Ông Tang Kin Wing Augustus, 60 tuổi, CEO của công ty bảo trì và kỹ thuật Haeco, được bổ nhiệm thay thế Hogg. Haeco cũng thuộc sở hữu của tập đoàn Swire Pacific.

Cathay Pacific gặp phải khó khăn lớn từ phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ kéo dài hơn hai tháng qua ở Hong Kong. Chính phủ Trung Quốc hôm 9/8 cấm hãng sử dụng các nhân viên ủng hộ hoặc tham gia biểu tình trên các chuyến bay tới hoặc qua không phận đại lục.

Cathay Pacific đã yêu cầu hơn 32.000 nhân viên không được hỗ trợ hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình, đồng thời phát cảnh báo rằng nếu ai tham gia biểu tình có thể bị xem xét sa thải. Hãng đã sa thải 4 nhân viên vì có liên quan tới biểu tình.

Tuy nhiên ngày 12 và 13/8, phong trào biểu tình lên cao, hàng nghìn người đã tràn vào sân bay quốc tế Hong Kong, chiếm giữ các quầy làm thủ tục khiến ngành hàng không Hong Kong thiệt hại nặng. Trong đó, Cathay Pacific đã phải hủy hơn 270 chuyến bay và giá cổ phiếu của hãng giảm mạnh.

Phong trào biểu tình tại Hong Kong khiến nền kinh tế của đặc khu này bị thiệt hại nặng. Thị trường chứng khoán Hong Kong đã bốc hơi 500 tỷ USD từ khi cuộc biểu tình dâng cao vào tháng 6/2019. Những ngành được đánh giá chịu thiệt hại nặng nề nhất là hàng không, bán lẻ và du lịch.

Quỳnh Chi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/ceo-hang-hang-khong-lon-nhat-hong-kong-tu-chuc-giua-suc-ep-bieu-tinh-a289066.html