CEO Lion Bui: Sử dụng nhân sự thế hệ Z như thế nào?

Làm thế nào để các nhà quản lý và tuyển dụng có thể nắm bắt tâm lý của thế hệ Z (những người sinh năm 1996 trở về sau), một thế hệ nhiều khác biệt?

Thế hệ Z - một thế hệ khác biệt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bùi Hoàng Diệp, thường biết đến với cái tên Diệp Bùi, CEO và người sáng lập LionBui Agency, từng trải qua 3 lần khởi nghiệp thất bại, từ bán băng đĩa CD, đến mở quán cà phê, kinh doanh voucher... Chị hiện là một nhà tư vấn chiến lược thương hiệu chuyên sâu với nhiều trải nghiệm thực tế phù hợp cho các Startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chị cũng là đồng sáng lập của cộng đồng Lady Up dành riêng cho các phụ nữ khởi nghiệp. Bùi Hoàng Diệp đã gửi đến Thanh Niên một bài viết nói về nhân lực của thế hệ trẻ hiện nay.

Khi nói đến Thế hệ X (những người sinh năm 1961 - 1981), người ta nghĩ đến sự tiết kiệm và giản dị. Nói đến Thế hệ Y (những người sinh năm 1981 - 1996), những từ thường được dùng là: tự tin, giỏi công nghệ. Mỗi thế hệ - thường được chia theo từng "mốc thời gian" khoảng 15 năm, và mỗi thế hệ lại được tóm gọn thành một số đặc điểm tính cách nhất định. Và bây giờ, chúng ta đang đứng ở một thời điểm vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển giao tới thế hệ Z.

Một đội ngũ khác biệt

Là một người trẻ thuộc thế hệ Y và làm trong ngành sáng tạo, thách thức lớn nhất với tôi chính là tạo nên những sự khác biệt có giá trị, để làm được điều này tôi cần một đội ngũ nhân sự trẻ bức phá khỏi những giới hạn của bản thân để khai phá những giá trị mới trong lĩnh vực của mình.

Xét về khía cạnh nhà tuyển dụng, nếu thế hệ Y là thế hệ nền tảng của công nghệ thì thế hệ Z lại đang được đánh giá cao bởi khả năng tập trung và sự sáng tạo. Các bạn ấy biết cách khai thác ưu điểm của công nghệ từ sự chuyển giao của thế hệ Y, biết cách tự phát triển tài năng, thích tìm hiểu, khám phá rộng lớn hơn. Nhưng trước khi nhắm mục tiêu đến những nhân lực lao động này, các nhà tuyển dụng cũng cần biết.

"Muốn phá luật”. Thế hệ Z trước hết là những người thích phá vỡ các nguyên tắc và gần như bạn khó có thể ép buộc họ làm theo một tiêu chuẩn cứng nhắc nào đó. Ở khía cạnh khác, thế giới chúng ta đang sống ngày càng phụ thuộc nhiều vào các tiến bộ kỹ thuật nên sẽ có một thời điểm mà "những người thích phá luật này" lại trở thành đòn bẩy để tạo ra sự đột phá.

Muốn riêng tư: Những người thuộc thế hệ này luôn xem trọng sự riêng tư. Trong một môi trường làm việc, họ cần không gian riêng để có thể suy nghĩ về các ý tưởng, tạo cảm hứng, động lực thậm chí là thư giãn. Vì thế hãy tạo một không gian nhỏ tách biệt khỏi môi trường làm việc chung có thể khiến các bạn ấy trở nên bùng cháy với những ý tưởng của mình, tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng.

Muốn tự do: Các bạn design của tôi luôn cảm thấy khó khăn khi phải làm việc giờ hành chính đúng 8 giờ sáng phải có mặt tại công ty, nhưng họ lại cảm thấy dễ chịu khi được làm thêm giờ để nghĩ về các ý tưởng, tham gia các dự án lớn đòi hỏi tính sáng tạo và có thử thách cao, sẵn sàng di chuyển và thậm chí còn thích thú khi làm việc tại một nơi xa và những thiết bị di động sẽ không thể thiếu trên hành trình của họ để khai phá khả năng bản thân nhiều hơn nữa.

Muốn thay đổi: Một sự thật không vui cho lắm khi các bạn trẻ thế hệ Z luôn có xu hướng nhảy việc sau khoảng một thời. Các bạn ấy sau thời gian học việc, được đào tạo, tham gia các dự án và đến thời điểm chín muồi, học sẽ "dứt áo ra đi" để tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là họ không phải "phũ phàng” một cách mặc định mà vì bản năng của họ là tìm thách thức mới. Chỉ cần bạn có cách tạo ra những thách thức mới, họ vẫn sẽ sẵn sàng ở lại để cống hiến.

Muốn thực tế: Thế hệ Z là thế hệ của những con người kiên quyết và thích lập kế hoạch trước. Họ không thích mơ mộng viển vông. “Em trong 12 tháng sắp tới sẽ có chiếc vé check in châu Âu, nếu không được thì lao động làm việc với em là sự lãng phí”, một bạn design của tôi đã nói như thế khi tham gia phỏng vấn xin việc. Đối với họ, kiếm tiền chính là một cách để không phải dựa vào bất kỳ ai khác.

Muốn có quan điểm: Một tổ chức muốn phát triển thì cần có những con người đầy nhiệt huyết không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào để thể hiện quan điểm của mình. Và thế hệ Z là những người trẻ thường nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau, họ có những quan điểm của riêng mình, và đó chính là tài sản lớn nhất mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có trong thời đại cạnh tranh bằng tư duy như hiện nay.

Startup có nên chào đón?

Thế hệ Z là một thế hệ nhiều khác biệt, và họ sẽ làm những gì họ cho là đúng. Về mặt này, họ không chỉ là nhóm người sẽ tạo nên nhiều thay đổi lớn, mà còn cần có được sự thông cảm và thấu hiểu của những người đi trước nữa.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, vậy liệu những Startup có nên chào đón thế hệ Z không? Hay họ tìm đến sự an toàn của những khuôn khổ nhất định từ những thế hệ trước? Với tôi thì cho rằng việc tuyển dụng chào đón những ứng viên thuộc thế hệ Z và thiết lập sự giám sát là một sự cá cược an toàn thay vì từ chối họ do lo ngại về tuổi tác hay những suy nghĩ "ngông cuồng" của họ. Tất nhiên, muốn thành công thì bạn cũng cần đến một nghệ thuật lãnh đạo thật khéo léo để trao quyền nhưng vẫn giữ họ nằm trong tầm kiểm soát.

Diệp Bùi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/ceo-lion-bui-su-dung-nhan-su-the-he-z-nhu-the-nao-944473.html